Cuộc rút quân trong đêm 30 Tết

Thứ Tư, 27/01/2021 13:52  | Thanh Hoà

|

(CATP) Trong cuộc chiến chống tội phạm, đem lại trật tự, an toàn xã hội, sự bình yên cho nhân dân, mục tiêu cao nhất trong mỗi chuyên án, vụ án là bắt giữ đối tượng, ngăn chặn hành vi phạm tội, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân và lực lượng truy bắt. Tuy nhiên cũng có những trận đánh án, vì lý do nhân đạo, các anh đã phải bỏ lỡ.

NHỮNG BÓNG MA NƠI BIÊN GIỚI

Cách đây vài năm, tình trạng vận chuyển ma túy có vũ trang qua tuyến biên giới các tỉnh Tây Bắc cực kỳ nóng bỏng. Đây cũng là trọng điểm ma túy của cả nước, được mệnh danh là "nơi ma túy chảy vào đất Việt". Từng toán, nhóm từ 3 - 4 đến vài chục đối tượng mang theo vũ khí "nóng", thậm chí vác cả súng tiểu liên và lựu đạn rồi men theo dãy núi Pha Luông (thuộc dãy Trường Sơn), cắt rừng, vượt biên giới vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam. Các "ông trùm" ma túy tại Lào sau khi nhập hàng từ trung tâm sản xuất ma túy thế giới là Tam giác Vàng sẽ tập kết tại các "bản ma túy" dọc tuyến biên giới Lào - Việt, như bản Muống, bản Pưng, bản Huổi Hiềng, thuộc cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng của huyện Sốp Bâu (tỉnh Hủa Phăn, Lào) rồi vận chuyển sang Việt Nam tiêu thụ.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP

Đối diện với "tổng kho" ma túy này, huyện Mộc Châu và Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La có đường biên giới dài hơn 40km chạy dọc theo dãy núi Pha Luông, có Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập và nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới. Xác định vận chuyển chính là khâu yếu nhất trong hoạt động của một đường dây ma túy, nên các "ông trùm" hầu như không bao giờ làm công việc này, trừ những chuyến hàng đặc biệt. Chúng thường thuê số người Mông sinh sống tại khu vực biên giới để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, đồng thời làm nhiệm vụ đón, dẫn và dò đường cho các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang từ đỉnh Pha Luông đến tận địa điểm giao hàng.

Ma túy từ các bản ngoại biên qua biên giới vào địa bàn các xã Chiềng Sơn, Chiềng Xuân, Tân Xuân (huyện Mộc Châu), tập kết tại "thung lũng ma túy" Tây Bắc là Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) và bản Cóc (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) tại tỉnh Sơn La, sau đó tiếp tục vận chuyển vào khu vực Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) rồi theo Quốc lộ 6 khoảng 100km về Hà Nội và tỏa đi cả nước tiêu thụ. Vào thời gian cao điểm, có ngày lực lượng chức năng phát hiện 2 tốp cùng lúc tìm cách xâm nhập qua biên giới.

Đặc biệt, chúng đi không theo một quy luật nhất định, mà lợi dụng triệt để địa hình rừng núi phức tạp, hiểm trở của dãy Pha Luông, theo các đường mòn, bất kể ngày đêm, sau đó tỏa đi các địa điểm giao nhận hàng. Ma túy vận chuyển theo hướng này chủ yếu là heroin và hồng phiến, đựng trong các ba lô, mỗi ba lô có khoảng 6 đến 15 bánh heroin. Trung bình mỗi chuyến hàng, bọn tội phạm mang theo 5 đến 7 ba lô heroin.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường sau vụ đấu súng với nhóm vận chuyển ma túy

Do lượng ma túy vận chuyển mỗi lần rất lớn, trị giá ít nhất cũng vài tỷ đồng nên đám cửu vạn ma túy ngày càng chuyên nghiệp, manh động. Trong mỗi toán, nhóm đều phân chia nhiệm vụ rõ ràng: kẻ chuyên vác hàng, người mang nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống, lại có kẻ dò đường và đặc biệt làm nhiệm vụ cảnh giới (thường đi đầu, khóa đuôi). Các toán, nhóm này luôn mang theo nhiều loại vũ khí "nóng", phổ biến là súng AK, K54 và lựu đạn.

ĐÓN GIAO THỪA NƠI BIÊN ẢI

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP) kể lại, sau một năm ăn rừng, ngủ suối, bám sát biên giới tại những trọng điểm mà các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang thường đi qua để tiến hành ngăn chặn, đánh bắt, đến ngày 27 Tết, tổ công tác gần chục CBCS của Cục do anh trực tiếp làm tổ trưởng nhận lệnh trở về đơn vị.

Suốt một năm vất vả, ai cũng háo hức, chuẩn bị sắm sửa một cái Tết vui vẻ, đầm ấm bên gia đình, bù đắp cho vợ con sau những thiếu thốn mà người lính các anh hiếm khi có thể làm tròn. Nhưng chỉ 2 ngày sau, trinh sát nhận được tin báo, khả năng trong dịp Tết, các toán nhóm vận chuyển ma túy sẽ tăng cường hoạt động.

Do người Mông không có phong tục ăn Tết Nguyên đán, tiền công đi xách thuê tới 15 triệu/ngày, lại cho rằng các lực lượng chức năng sẽ nghỉ Tết, nên các đối tượng vẫn tiếp tục vận chuyển ma túy qua biên giới. Ngay lập tức, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP triệu tập cuộc họp, thành lập tổ công tác gồm 7 CBCS, do đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó cục trưởng trực tiếp phụ trách quay lại địa bàn. Vội vàng tạt qua nhà "ăn Tết sớm" cùng vợ con, các anh lại xách ba lô lên đường.

Tang vật của một nhóm ma túy có vũ trang bỏ lại biên giới Mộc Châu

Ngày 29 Tết Nguyên đán, Quốc lộ 6 nối Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc ngập tràn không khí chuẩn bị đón năm mới. Đào, quất nở rộ bên đường, từng đoàn xe chở các sản vật miền núi tấp nập về xuôi. Gác lại mọi công việc, người người đều háo hức, tất bật trang hoàng nhà cửa; vui vẻ, thảnh thơi tụ họp bạn bè, thăm hỏi họ hàng... Để lại sau lưng tất cả, tổ công tác nhanh chóng ngược miền biên ải, có mặt tại khu vực rừng Ma, thuộc bản Lắc Phương dưới chân núi Pha Luông, là địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ (tỉnh Sơn La).

Không kịp nghỉ ngơi vì trời đã tối, là thời điểm các toán nhóm vận chuyển ma túy bắt đầu hoạt động, tổ công tác nhanh chóng triển khai nhiệm vụ. Mới 21 giờ, mật phục từ một vách núi dựng đứng, tổ công tác đã phát hiện những ánh đèn pin lấp lóa. Xác định trong đêm 30, chúng sẽ tiếp tục hoạt động, tổ công tác quyết định lên phương án đánh bắt.

Đúng như dự đoán, khoảng 23 giờ đêm hôm sau, tại vị trí mật phục, trinh sát phát hiện một nhóm khoảng 10 - 12 đối tượng đang tiến gần về phía trận địa do tổ công tác bố trí sẵn, tên nào cũng ba lô vác vai, tay lăm lăm súng. Tuy nhiên, giống như hầu hết các toán nhóm vận chuyển ma túy khác, dù là người Việt hay người Lào thì đây chỉ là những dân nghèo hai bên biên giới, do kinh tế khó khăn nên làm kẻ "chết thuê”, chứ kẻ cầm đầu đường dây sẽ không bao giờ trực tiếp "chường mặt".

Nương ngô ở bản Lắc Phương, nơi các đối tượng vận chuyển ma túy thường đi qua

Nhận điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của tổ công tác, xác định nếu trận đánh xảy ra chắc chắn có thương vong bởi các đối tượng này rất chuyên nghiệp, sẽ nhanh chóng phát hiện sự chênh lệch lực lượng hai bên bởi tổ công tác chỉ có quân số bằng một nửa so với chúng nên sẽ quyết tâm bắn trả tới cùng, lãnh đạo cục lập tức yêu cầu không đánh trực diện. Để tránh đổ máu đáng tiếc cho cả tổ công tác và các đối tượng, đặc biệt trong đúng thời điểm giao thừa, chỉ còn vài phút nữa sẽ bước sang ngày đầu tiên của năm mới, đồng chí cục trưởng yêu cầu tổ công tác lập tức rút quân, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác như dùng loa kêu gọi, vận động, đẩy đuổi các đối tượng sang bên kia biên giới...

Khi tổ công tác trở về căn nhà bỏ hoang của bà con sát nương ngô dưới chân núi ở xã biên giới Tân Xuân - "đại bản doanh" của các anh suốt cả năm qua, trời đã rạng sáng, cũng là mùng 1 Tết. Lúc này, các anh mới được quây quần bên nhau cạnh bếp lửa giữa cái rét buốt như cắt da, cắt thịt - "đặc sản" của khí hậu vùng núi phía Bắc, cùng chung vui bữa tiệc tân niên. Nói là "tiệc" nhưng cũng chỉ có con gà, mấy tấm bánh chưng được người dân bản biếu các anh cúng giao thừa, vẫn chưa kịp ăn thì đã phải lên đường làm nhiệm vụ, cùng vài phong lương khô, nước suối - tiêu chuẩn ăn uống của CBCS mỗi khi mật phục đánh bắt ma túy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang