Cho nổ mìn nhà lãnh đạo vì bị chuyển công tác
Trong quá trình đấu tranh, củng cố chứng cứ về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Viết Hòa (liên quan vụ chiếm đoạt 2 tỷ đồng của đối tượng truy nã Trần Văn Hưng), các điều tra viên Phòng 8, Cục CSĐT tội phạm về ma túy gặp rất nhiều khó khăn, áp lực khi một mặt Hòa chống đối, tuyệt thực, chửi bới, không hợp tác làm việc với ĐTV, kiểm sát viên, đánh cả quản giáo, mặt khác lại tìm đủ chiêu trò thông cung, thậm chí “điều” cả đồng bọn vào trại giam để dọa dẫm đương sự, buộc phản cung, chỉ đạo đàn em bên ngoài thủ tiêu nhân chứng, viết đơn tố cáo đi khắp nơi vu khống ĐTV bức cung, nhục hình để gây khó khăn cho CQĐT, làm chậm tiến độ điều tra vụ án.
Thời điểm này, Bộ Công an cũng đang lập chuyên án 712CT điều tra về vụ nổ mìn tại nhà Đại tá Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên (phố Lương Ngọc Quyến, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) vào lúc 2h20 ngày 7-1-2012. May mắn là vụ nổ không gây thương vong, nhưng làm sập, hư hỏng hoàn toàn phần trước ngôi nhà và ảnh hưởng đến hàng chục nhà dân khác trong khu vực.
Nguyễn Viết Hòa cùng đồng phạm hầu tòa
Sau này, tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an, đối tượng Trần Văn Hưng (ở Phú Bình, Thái Nguyên) cũng khai, trong thời gian trốn truy nã vì dùng súng bắn trọng thương đàn em của bạn hàng buôn ma túy, Hưng bị Đại tá Nguyễn Như Tuấn phát hiện, truy đuổi, nhưng do đồng chí Tuấn đi xe 4 chỗ chạy yếu hơn, còn Hưng đang lái chiếc Prado 7 chỗ mạnh nên chạy thoát, “nếu ông Tuấn đuổi kịp, em sẽ dùng súng AK bắn”- Hưng khai…
Sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các ĐTV nắm được, có khả năng, Hòa liên quan đến vụ nổ mìn trên. Ngay lập tức, thông tin này được báo cho Ban chuyên án 712CT. ĐTV Ngô Trung Hiếu cũng được triệu tập tham gia chuyên án, củng cố chứng cứ về hành vi đặt mìn vào nhà Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên của Nguyễn Viết Hòa.
Vốn cũng là người tham gia điều tra chuyên án 712CT từ trước khi xảy ra vụ chiếm đoạt 2 tỷ đồng của Trần Văn Hưng, nên Nguyễn Viết Hòa nắm rất rõ tiến độ điều tra vụ án. Y chủ động đưa ra những nhận định sai để lái hướng điều tra khỏi mình và đồng bọn. Tuy nhiên, “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, Hòa lọt dần vào “tầm ngắm”.
Kết quả điều tra xác định, năm 2011, khi ông Nguyễn Như Tuấn được bổ nhiệm là Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, đã điều chuyển Nguyễn Viết Hòa từ Phòng Cảnh sát hình sự sang Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm. Bất mãn với quyết định này, Hòa lên kế hoạch ném mìn nhà Thủ trưởng với hy vọng “thay tướng đổi vận”.
Cuối năm 2011, Hòa liên hệ với một số đối tượng xã hội đề nghị đặt mìn nhà ông Tuấn nhưng bị từ chối. Hòa liền sai Đồng Văn Bích (tức Bích “Sơn”, SN 1979, ngụ tổ 25, phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên) - đàn em xã hội của Hòa, kẻ có “tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt”, chuyên tổ chức đánh bạc, bảo kê, đòi nợ thuê… vì Bích từng có lần ném mìn vào nhà một đối tượng khác để cưỡng đoạt 500 triệu đồng và được Bích nhận lời.
Vụ nổ mìn làm căn nhà của Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên gây hư hỏng nặng, may không có thiệt hại về người
Khoảng 2h ngày 7-1-2012, Hòa hẹn Bích ra khu vực gần nhà ông Tuấn, giao mìn và chỉ đạo Bích đặt mìn nhà ông Tuấn. Sau khi Bích đi, Hòa quay về đơn vị, giả vờ đi ngủ. Khi vụ nổ xảy ra, lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm huy động cán bộ đến hiện trường thì Hòa được phát hiện đang ngủ tại cơ quan. Thậm chí, sau khi vụ nổ xảy ra, Hòa vẫn được ông Tuấn và các lãnh đạo giao nhiệm vụ truy tìm kẻ gây ra vụ án. Khi Bích gây án xong, Hòa sắp xếp cho Bích cao chạy xa bay.
Bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệu tập về vụ chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng của đối tượng Trần Văn Hưng, Hòa chỉ đạo Bích quay về để Hòa dẫn xuống Bộ Công an đầu thú về tội đánh bạc, mục đích để Bích thăm dò hoạt động điều tra về 2 vụ án trên và đe dọa Trần Văn Hưng phải phản cung, khai rằng không đưa số tiền 2 tỷ cho Hòa. Hòa hứa hẹn sẽ “lo” cho Bích chỉ bị án treo, dặn Bích cách đối phó với CQĐT và “chỉ được khai vụ đánh bạc, không được khai vụ đặt mìn, nếu rõ quá thì phải tự sát”.
Về phần Bích, khi thấy vụ nổ mìn bị phát giác, đã nhiều lần tự sát theo lời Hòa dặn nhưng không chết. Đến khi biết Hòa bị bắt, Bích đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và Hòa.
Sự sa ngã của một cán bộ tiêu biểu
Nhắc đến Nguyễn Viết Hòa (SN 1976, ở tổ 9, phường Tân Lập, TP Thái Nguyên, nguyên là cán bộ của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên), nhiều cán bộ Công an tỉnh, thậm chí cán bộ công an nhiều tỉnh, thành đều không xa lạ.
Trong quá trình công tác, Hòa đã từng lập nhiều chiến công, bắt giữ, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Năm 2011, khi Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được thành lập, Hòa được điều động sang nhận công tác tại đây.
Phần lớn những người từng cùng công tác với Hòa đều thừa nhận khả năng của Hòa trong công tác đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, ít người biết được, Hòa cũng là người có mối quan hệ rất sâu sắc và thân thiết đến mức xưng huynh gọi đệ với nhiều “anh chị” trong giới giang hồ.
Hòa sẵn sàng đưa cả ô tô cho đàn em đi “cầm” những lúc khó khăn, hay tặng sinh nhật một đàn anh mảnh đất vì có lần đã giúp đỡ Hòa. Chính những mối quan hệ này là cơ sở để Hòa có thể vận dụng trong công tác công an, lập nhiều thành tích. Nhưng ngược lại, Hòa cũng dung túng, bao che cho những hành động phạm pháp của các đối tượng này. Đồng Văn Bích là một trường hợp như vậy.
Cũng bởi vậy, từ một cán bộ công an giỏi nghiệp vụ, Nguyễn Viết Hòa dần dần nhúng chàm, trở thành tên tội phạm sừng sỏ, dùng chính những kiến thức được trang bị để đối phó với đồng đội, lãnh đạo mình.
Ngày 11-3-2015, TAND tỉnh Ninh Bình mở phiên xét xử, đã tuyên phạt Nguyễn Viết Hòa 22 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Vu khống; ngày 26-2-2016, Hòa và Đồng Văn Bích bị TAND tỉnh Thái Nguyên phạt chung thân về 3 tội: Giết người, Sử dụng trái phép vật liệu nổ, Hủy hoại tài sản. Sau này, qua các phiên xử phúc thẩm, Hòa phải chịu mức án 30 năm tù cho các tội danh.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh chuyên án 611-S, năm 2018, ĐTV Ngô Trung Hiếu (thứ 2, từ trái qua) được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì
Chuyên án “3 trong 1” kết thúc, nhưng cuộc chiến chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng vẫn tiếp diễn ngày càng cam go, khốc liệt bởi sự biến đổi muôn hình vạn trạng, ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, những người chiến sĩ CAND lại ngày đêm lao vào những cuộc chiến mới.
Chuyên án cũng là bài học cảnh báo cho các cán bộ phải có lập trường tư tưởng vững vàng, không hoang mang, dao động trước những cám dỗ, những “viên đạn bọc đường”, chỉ vì một chút lợi ích cho cá nhân mình mà đánh mất bản thân, sự nghiệp, gây nhiều hệ lụy cho đơn vị, gia đình, xã hội.
(CATP) Để đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân, lực lượng Công an luôn phải đấu tranh với đủ loại tội phạm, trong đó có những đối tượng đặc biệt nguy hiểm, không chỉ bởi chúng cực kỳ manh động, liều lĩnh, sẵn sàng ra tay “xử” cả đồng nghiệp, thậm chí “sếp” mình khi bị trái ý, mà còn rất am hiểu pháp luật, sử dụng những kiến thức "nghiệp vụ" hòng che giấu hành vi phạm tội. Đó thực sự là những cuộc đấu trí căng thẳng, chỉ cần sơ suất một chút, cái giá phải trả đôi khi chính là tính mạng và sinh mệnh chính trị của bản thân điều tra viên và gia đình.