Sẵn sàng chịu phẫu thuật để chỉ đạo thông cung
Thượng tá Ngô Trung Hiếu, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng 8, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, điều tra viên thụ lý chính chuyên án 611-S kể lại, hơn 20 năm công tác tại lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy, từng tham gia điều tra, thụ lý hầu hết những chuyên án lớn nhất của cục, trực tiếp đấu tranh, xét hỏi nhiều tay trùm ma túy khét tiếng, nhưng có lẽ, đối tượng “làm khó” anh nhiều nhất chính là Nguyễn Viết Hòa (SN 1976, ngụ Thái Nguyên).
Khi bị bắt vì chiếm đoạt 2 tỷ đồng của đối tượng truy nã Trần Văn Hưng, Nguyễn Viết Hòa bị đưa về tạm giam tại trại T16. Nhưng gần 1 năm trời đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của Hòa, các điều tra viên đã chứng kiến đủ mọi thủ đoạn tinh vi hòng thoát tội của y.
Nhằm thông cung ra ngoài, Hòa chọn thời điểm giáp Tết, khi các đơn vị rục rịch nghỉ Tết rồi nuốt thuốc lào khi đói gây đau bụng cấp và tăng huyết áp để được nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, ngay trước lúc lên bàn mổ, Hòa mượn điện thoại của y tá gọi cho bồ vốn là ca sĩ tên Hoàng Thị Hằng Ng. để chỉ đạo đồng bọn cách khai báo.
Trong trại, Hòa còn xé mỏng các tờ giấy, viết nhiều lá thư bằng chữ và số mật mã thông cung ra ngoài chỉ đạo đàn em xin số điện thoại, tìm nhà điều tra viên Ngô Trung Hiếu và cả Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy để đặt mìn đe dọa, đồng thời bắt Đinh Thị Thanh Loan - bồ của đối tượng Trần Văn Hưng, cũng là nhân chứng quan trọng trong vụ án lên Hà Nội nhốt ở một nơi an toàn, thu hết điện thoại và bắt Loan viết đơn tố cáo các điều tra viên và CQĐT đã bức cung, nhục hình Loan, bắt khai sai sự thật để bắt oan Hòa.
Dụng cụ Nguyễn Viết Hòa dùng để bóc giấy viết thư, giấu thư gửi ra ngoài
Nguyễn Viết Hòa còn chỉ đạo, nếu Loan không hợp tác thì phải cho Loan “biến mất mãi mãi” vì Loan là nhân chứng quan trọng chứng kiến việc Hòa lấy 2 tỷ đồng của Hưng. Đồng thời trong trại, Hòa sẽ tuyệt thực (nhưng thực ra, y vẫn bẻ mì tôm ăn lén lút), đòi có luật sư vào làm việc, khi thuê luật sư, gia đình y phải chọn luật sư thân cận và nói mật khẩu như Hòa quy ước thì Hòa mới làm việc.
Mục đích đòi luật sư vào làm việc để thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng rằng Hòa tuyệt thực, nhằm gây áp lực với CQĐT. Sau này, khi bị đưa ra tòa xét xử về tội Giết người, Sử dụng trái phép vật liệu nổ, Hủy hoại tài sản, Hòa từ chối luật sư bào chữa do tòa chỉ định vì sợ bị “gài”.
Ban chuyên án đã phối hợp với trại T771 thu giữ của Hòa 16 lá thư được giấu trong các viên thuốc con nhộng (thuốc kháng sinh được phát sau khi Hòa phẫu thuật), ngoài ra, kiểm tra nhà Hoàng Thị Hằng Ng. còn thu giữ 7 lá thư do Hòa viết từ trong trại gửi ra cho Nguyễn Đức Chinh, Hồ Anh Lưu, Hà Huy Hoàng (cùng là cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên) và Phạm Văn Chiến (ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), anh em xã hội của Hòa.
Chinh, Hoàng, Lưu đã viết đơn nặc danh mang tên Đinh Thị Thanh Loan với nội dung vu khống cho ĐTV Ngô Trung Hiếu của Cục CSĐT tội phạm về ma túy bức cung, nhục hình, bắt Loan khai báo không đúng về việc Hòa chiếm đoạt 2 tỷ đồng của Trần Văn Hưng. Đơn tố cáo này được sao ra thành nhiều bản rồi mang lên khu vực giáp biên tỉnh Lạng Sơn nhằm lấy dấu bưu điện nước ngoài, làm như Loan đang trốn ở nước ngoài gửi thư về tố cáo (trong khi Loan đang bị đàn em của Hòa bắt nhốt tại Hà Nội), sau đó gửi khắp nơi, đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát và các cơ quan chức năng khác theo lời Hòa dặn trong thư.
Mục đích của việc này là nhằm gây khó khăn cho công tác điều tra làm rõ vụ án, làm giảm uy tín của CQĐT và trực tiếp tác động không tốt đến tâm lý và hiệu quả công tác của ĐTV.
Đánh quản giáo, dọa giết vợ con điều tra viên
Thượng tá Ngô Trung Hiếu cho biết: “Trong suốt quá trình điều tra, Nguyễn Viết Hòa đã dùng mọi thủ đoạn để chống đối CQĐT. Hòa tuyệt thực, xúc phạm ĐTV, kiểm sát viên, không hợp tác làm việc, khi bị hỏi cung thì liên tục đập bàn dọa: “Em đi tù sẽ có ngày về! Anh không sợ nhưng vợ con anh sợ!”. Hòa tuyên bố phải tìm mọi cách trốn khỏi nơi giam giữ và trả thù những ai đã bắt Hòa, đặc biệt là ĐTV, nếu có đi tù bao nhiêu năm rồi Hòa cũng sẽ về để trả thù. Khi giam giữ tại trại tạm giam Công an tỉnh Nam Định, Hòa còn đánh và đe dọa quản giáo, buộc Ban giám thị phải áp dụng hình thức kỷ luật biệt giam”.
Cơ quan điều tra cho các đối tượng dựng lại hiện trường vụ bắt Trần Văn Hưng để chỉ ra mâu thuẫn trong lời khai các đối tượng
Trước khi bị bắt, “ngửi” thấy mùi nguy hiểm, Hòa còn chỉ đạo 1 đàn em trong giới xã hội ra đầu thú về một tội danh khác để đưa về trại T16 điều tra, mục đích cho tên này dọa đối tượng Trần Văn Hưng phải phản cung, nếu không sẽ “giết cả nhà”.
Suốt 7-8 tháng trời ròng rã làm việc trong tình trạng áp lực, vừa phải đấu tranh với đối tượng lì lợm, gian xảo như Nguyễn Viết Hòa, lại liên tục báo cáo, giải trình bởi đơn tố cáo của đồng bọn Hòa gửi tới tấp khắp nơi, trong khi vụ án có nguy cơ rơi vào bế tắc, khiến ĐTV Ngô Trung Hiếu kiệt sức đến mức phải nhập viện điều trị…
Quyết tâm làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, CQĐT đã phối hợp với các đơn vị liên quan áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ sắc bén để đấu tranh với Nguyễn Viết Hòa, thậm chí phải thay đổi nơi giam giữ của Hòa nhiều lần, giám sát chặt chẽ di biến động của Hòa để chống trốn, thông cung, tự sát.
Mặc dù Hòa có thái độ côn đồ, hung hãn như vậy, nhưng ĐTV vẫn kiên trì đấu tranh, phân tích những chứng cứ từ hiện trường, lời khai của nhân chứng, đặc biệt của đám đàn em, buộc Hòa phải tâm phục, khẩu phục, cúi đầu nhận tội, thậm chí y còn xin lỗi vì có thái độ không phải với ĐTV và kiểm sát viên.
CQĐT cũng thu giữ được nhiều tài liệu, băng ghi âm những cuộc điện thoại giữa Phạm Văn Chiến và Đinh Thị Thanh Loan, nội dung bàn bạc việc tìm cách cài mìn nhà riêng của ĐTV và chỉ đạo Loan phản cung, cản trở, chống đối CQĐT khi bị triệu tập lên làm việc, bảo Loan trốn đi một thời gian, khi nào vụ án Nguyễn Viết Hòa xử xong mới về…
Ngoài việc đấu tranh củng cố chứng cứ về các tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vu khống đối với Nguyễn Viết Hòa và đồng phạm, từ lời khai của nhóm đối tượng này, các ĐTV còn phối hợp với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an làm rõ thủ phạm vụ nổ mìn tại nhà một đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên gây xôn xao một thời gian dài.
(Còn tiếp...)
(CATP) Trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, đôi khi tồn tại một ranh giới rất mong manh giữa những người thực thi pháp luật và tội phạm.