Mưu sinh giữa mùa "cô vi"

Thứ Bảy, 20/02/2021 12:44

|

(CATP) Tết Nguyên đán Tân Sửu đã đi qua, nhịp sống thường nhật trở lại với từng góc phố ở Sài Gòn. Trong lúc nhiều gia đình vẫn còn loay hoay để bắt kịp với guồng quay cũ thì vẫn còn đó những phận đời đang ôm trong mình nhiều nỗi lo, giữa lúc kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra. Tuy vậy, giữa bão dịch, họ - những người lao động chân chất đang ngày ngày nỗ lực mưu sinh vẫn tiếp tục bám trụ, dần thích nghi trong thời cuộc mới.

Vượt lên khó khăn, vất vả…

Gửi lời tạm biệt mảnh vườn, góc sân quê nhà, mùng 7 Tết, bà Ngô Thị Hiếu (61 tuổi, quê Phú Yên) cùng con trai, con dâu bắt đầu khăn gói trở lại Sài Gòn bán vé số. Năm vừa rồi, dù dịch bệnh khiến đời sống kinh tế của đại bộ phận những người “đi bán ước mơ” gặp khó, nhưng do trời thương, 4 người trong gia đình bà vẫn dành dụm được chút tiền về quê đón Tết.

Sau Tết, vì nặng nợ với những người đã cưu mang mình suốt 1 năm đầy khó khăn, bà Hiếu quyết định quay lại chốn phố thị để cùng san sẻ.“Thương gia đình chúng tôi năm vừa rồi khó khăn, ông chủ đại lý vé số lúc nào cũng giúp đỡ. Giờ nhiều người về quê chưa vào lại, mình cũng làm vậy thì coi sao đặng”, bà Hiếu chia sẻ.

Bà Ngô Thị Hiếu (61 tuổi, quê Phú Yên) đang đếm lại cọc vé số trước khi ra đường mưu sinh

Từ ngày đặt chân vào lại Sài Gòn, bà Hiếu không khỏi lo lắng bởi sự ảnh hưởng của dịch “cô vi”. Nhưng giữa lúc cuộc sống vẫn còn bấp bênh, thu nhập hàng ngày phụ thuộc rất lớn vào biến động xã hội, gia đình 4 miệng ăn này buộc phải thích nghi để phù hợp với cuộc sống mới. “Ngày trước nếu chỉ bán vé số không thì nay tôi kèm thêm nem, chả, đậu phộng. Cứ treo trên giỏ xe, đi tới đâu rao tới đó, tối về hai mẹ con nhận sửa thêm quần áo. Đồng tiền chân chính kiếm được tuy vất vả nhưng đỡ nặng lòng”, người phụ nữ đã ngoài lục tuần tâm sự.

Xóm vé số ở đường Nguyễn Thị Định Q.2 chuẩn bị cho ngày “mở hàng” đầu năm mới

Chung nỗi lo với bà Hiếu còn có xóm vé số của người miền Trung ở đường Nguyễn Thị Định (Q2). Năm Canh Tý khép lại, cả xóm tưởng chừng không có Tết do không có tiền mua vé về quê, nhưng may mắn thay, Chương trình Chuyến xe nghĩa tình do Báo CATP tổ chức đã giúp gần 20 trường hợp khó khăn trong ngôi nhà nhỏ này được về quê đón Tết. Niềm vui tạm lắng, giờ lại là lúc họ đánh vật với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Anh Tuấn quê Khánh Hòa kể lại câu chuyện của mình tới phóng viên

Quay lại thành phố từ ngày mùng 5 Tết, anh Tuấn (47 tuổi, quê Khánh Hòa) chuẩn bị bắt đầu cho 1 năm ẩn chứa nhiều khó khăn. Ban ngày phụ hồ, chiều về vợ chồng anh Tuấn tiếp tục dong ruổi bán vé số. Những lúc rảnh rỗi, người đàn ông quê miệt biển này còn luôn tay giúp đỡ các thành viên khác cùng sống trong căn nhà nhỏ, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Trong thời điểm dịch bệnh vẫn chưa được đẩy lùi, những phận người nhỏ bé ở xóm ngụ cư này đã tự động viên nhau vượt qua. Người nhiều chữ thì chăm đọc báo, phổ cập thông tin tới người chưa biết đọc, để tất cả cùng tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch của Nhà nước để đảm bảo an toàn.

… Tìm mọi cách thích nghi

Sau nhiều lần nếm trải sức công phá mạnh mẽ của dịch bệnh, bà con tiểu thương, kinh doanh nhỏ lẻ ở thành phố đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống mới. Đã không còn những bỡ ngỡ hay nỗi âu lo thường trực mỗi khi thành phố có nguy cơ phải “đóng cửa” vì dịch, ai rồi cũng phải thích nghi.

Cô Út Thu (52 tuổi, ngụ Q1), gắn liền với xe cơm trưa ở con hẻm nhỏ trên đường Đặng Trần Côn (Q1) suốt hàng chục năm trời, tâm sự: Mới năm trước thôi cả gia đình nhỏ phải lao đao vì “cần câu cơm” duy nhất đình trệ do dịch bệnh, nhưng rồi trong khó khăn, con người ta buộc phải thích nghi để đổi mới. Định là sẽ nghỉ bán cơm đến hết tháng Giêng vì sợ ế, nhưng thấy nhiều khách “ruột” (đa phần là người lao động chân tay, bán hàng rong) hỏi nên cầm lòng không đặng. Sau khi nắm đầy đủ quy định phòng chống dịch, cô Thu mới quyết định bán lại.

Cô Út Thu gắn liền cuộc sống với xe cơm trưa của mình...

“Ngày xưa không có dịch, mình làm sao cũng được; nhưng giờ phải kỹ hơn xưa trăm lần mới đủ. Từ lúc nấu nướng cho đến khi đứng bán, tôi đều bắt mấy đứa nhỏ trong nhà đeo khẩu trang đàng hoàng. Bàn ghế trước kia để thoải mái thì nay chỉ chừa một vài cái cho khách ngồi lại, còn hầu hết đều được bán mang về” – cô Thu kể.

... ở con hẻm nhỏ trên đường Đặng Trần Côn (Q.1)

Anh Tuấn Ngọc (42 tuổi) hơn 10 năm qua đều đón Tết ở quê nhà. Nhưng năm nay là năm đặc biệt, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, ông chủ của xe hủ tiếu “gõ” buộc phải ăn Tết xa quê. Bắt đầu bán từ mùng 1 Tết, giữa lúc tình hình dịch “cô vi” ở thành phố vẫn còn phức tạp, anh Ngọc vẫn đảm bảo đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch để bảo vệ an toàn cho bản thân cũng như thực khách.

Cứ thế, xe hủ tiếu “gõ” của người đàn ông quê Nam Định dần thích nghi để tồn tại giữa lúc khó khăn. “Cả nước bây giờ còn đang gồng mình chống dịch, nhiều địa phương và không ít hoàn cảnh cần được chăm lo, nên ngay chính bản thân mình phải tự nỗ lực trước khi trông chờ vào bất kỳ sự trợ giúp nào từ xã hội”, anh chia sẻ.

Anh Ngọc đảm bảo đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch để phục vụ khách hàng

Trong khi đó, với chú Nguyễn Ngọc Hoàng (55 tuổi, ngụ Q3, tiểu thương kinh doanh đồ lưu niệm ở chợ Bến Thành), dù nguồn thu nhập chính trong 1 năm trở lại đây bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng vẫn quyết tâm bám trụ, giữ lại nét đặc trưng cho khu chợ đặc biệt giữa lòng TP.

Chú Hoàng và gian hàng lưu niệm ở chợ Bến Thành

Người đàn ông này cho biết, nguồn thu nhập chính của gian hàng trước đây đều đến từ du khách phương xa và người nước ngoài. Gần đây, do dịch Covid nên gần như giảm đến 2/3 so với trước, nhưng vì nghĩa tình gắn bó với khu chợ đặc biệt này, chú vẫn chấp nhận bỏ tiền thuê ki - ốt để duy trì hoạt động, dù trước đó đã có nhiều người cầm cự không nổi phải trả mặt bằng.

Thấy chúng tôi, người đàn ông ấy nở nụ cười đầy sức sống. “Dù khó khăn vẫn phải lạc quan và chỉ có lạc quan mới giúp con người ta tự tin để bước tiếp”, chú chia sẻ.

Sài Gòn, mảnh đất nghĩa tình

Một buổi tối giao thừa tại góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu, chúng tôi bắt gặp những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đang chở đẩy quà bánh đang đi trao cho những hoàn cảnh cơ nhỡ, sinh sống nơi góc đường. Những phần quà tuy không lớn nhưng lại là sự sẻ chia cần thiết của người trẻ muốn dành tới những phận đời tha hương, khổ cực.

“Dạ tụi em tâm niệm rằng sự sẻ chia, cho đi là sẽ còn mãi. Nên năm nào cũng tới thời khắc cuối cùng trong năm, cả nhóm đều dành ra chút tiền tiết kiệm để mua quà và trao tặng tới bà, con lang thang, có hoàn cảnh khó khăn trên đường” – bạn Nguyễn Duy, ngụ TP Thủ Đức tâm sự.

Giữa bão dịch, những người lao động chân chất đang ngày ngày nỗ lực mưu sinh vẫn tiếp tục bám trụ, dần thích nghi trong thời cuộc mới

Tâm sự với phóng viên Báo CATP, một cán bộ chỉ huy của Đội CSGT tuần tra – dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an TPHCM) chia sẻ, anh dự tính chỉ trong ít hôm nữa thôi sẽ lại vận động gia đình, bạn bè và đồng đội mua quà, gạo để tặng cho những hòan cảnh khó khăn sau tết. Dù phần quà không nhiều nhưng ít nhất cũng thể hiện sự sẻ chia của các anh với bà giữa lúc dịch bệnh vẫn còn đang ảnh hưởng.

Các cán bộ chiến sĩ Đội CSGT tuần tra dẫn đoàn tặng gạo cho người dân vào đợt bùng phát dịch bệnh năm 2020

Câu chuyện của người chiến sĩ CSGT mà chúng tôi vừa nêu cũng là tấm lòng chung của cán cán bộ, chiến sĩ CATP hướng tới người dân, đồng bào giữa lúc dịch dã đe dọa. Bằng cách này hay cách khách, họ, những người lính khoác trên mình màu áo xanh vẫn miệt mài đóng góp sức mình cho xã hội.

Đó chính là nghĩa cử cao đẹp luôn ngập tràn ở mỗi con người sinh sống ở vùng đất Phương Nam. Dù mức thu nhập của người dân TP trong năm vừa qua bị ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh nhưng sự sẻ chia vẫn được lan tỏa trong cộng đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang