Những mô hình nhân văn của Công an ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Kỳ 1: Mô hình cấp cứu người bị tai nạn giao thông

Thứ Hai, 22/02/2021 12:09  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Bị tai nạn giao thông không được cứu chữa kịp thời, hoàn cảnh khó khăn không có nguồn sinh kế, chấp hành xong án không nghề nghiệp… Công an các tỉnh ĐBSCL đã vận động kinh phí thành lập những mô hình, quỹ hỗ trợ mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Lần lượt kể đến là mô hình cấp cứu người bị tai nạn giao thông, quỹ đền ơn đáp nghĩa ở xứ cù lao, quỹ người hoàn lương…

Lãnh đạo Bộ Công an và Công an tỉnh An Giang ra mắt mô hình và trao xe cứu thương cho Công an huyện Tri Tôn.

Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh An Giang còn nhiều diễn biến phức tạp. Phần lớn sau khi tai nạn xảy ra nạn nhân không được đưa đi cấp cứu kịp thời, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Xuất phát từ tình hình trên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã triển khai mô hình “Cấp cứu người bị tai nạn giao thông” tại TP.Long Xuyên và huyện Tri Tôn. Bước đầu mô hình đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn.

Số vụ tai nạn, vi phạm ở mức cao

Thượng tá Võ Hoàng Hải (Phó trưởng Công an huyện Tri Tôn) cho biết: Trong năm 2020, trên địa bàn huyện Tri Tôn đã xảy ra 12 vụ TNGT, làm 12 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại tài sản 10,2 triệu đồng. So năm 2019, số vụ TNGT, số người chết và bị thương đều tăng (năm 2019 xảy ra 4 vụ TNGT, làm 4 người chết, không có người bị thương). Trong số các nguyên nhân gây TNGT, việc lái xe sau khi sử dụng bia, rượu vẫn chiếm phổ biến (5 vụ), tiếp theo là vi phạm làn đường, phần đường (3 vụ), còn lại là nguyên nhân khác.

Công an huyện Tri Tôn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.052 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), thu nộp kho bạc nhà nước gần 2,16 tỷ đồng.

Theo đánh giá, tình hình trật tự ATGT và vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua trên địa bàn TP.Long Xuyên diễn biến phức tạp. Theo đó, vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 14-12-2020, tại đường Trần Hưng Đạo (QL91, P.Bình Đức) xe ô tô khách BS:67B-012.98 do Mai Hiếu Phước (35 tuổi, ngụ P.Bình Thạnh) điều khiển lưu thông theo hướng TP.Long Xuyên đi huyện Châu Thành thì xảy ra va chạm với lan can cầu Cần Xây, khiến phương tiện bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân do Hiếu điều khiển xe khi trong hơi thở có nồng độ cồn 0,56mg/lít khí thở. Hiếu bị phạt 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Trung tá Lê Thanh Sơn (Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an TP.Long Xuyên) - cho biết: “Trong năm 2020 xảy ra 17 vụ TNGT, tăng 6 vụ so với năm 2019. Trong đợt cao điểm từ ngày 1-8 đến ngày 31-12-2020, đơn vị đã tổ chức 277 ca tuần tra kiểm soát, qua đó phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 1.442 trường hợp, trong đó vi phạm về nồng độ cồn 268 trường hợp (chiếm 18,6%), phạt số tiền gần 900 triệu đồng, tước 241 giấy phép lái xe, tạm giữ 268 phương tiện”.

Nạn nhân bị TNGT được Công an TP.Long Xuyên đưa đi cấp cứu.

Những chuyển biến tích cực

Trước tình hình trật tự an toàn giao thông ATGT trên địa bàn TP.Long Xuyên diễn biến phức tạp, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã quyết định thành lập mô hình “Cấp cứu người bị TNGT” vào ngày 9-9-2020. Tại lễ ra mắt, Công an tỉnh An Giang đã trao tặng 1 xe cứu thương chuyên dụng cho Công an TP.Long Xuyên, có trị giá 755 triệu đồng; trao số tiền 100 triệu đồng cho Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang quản lý để chi, xuất cấp cứu cho những trường hợp bị TNGT khi chưa có người thân đến kịp.

Trung tá Nguyễn Đức Hậu (Trưởng công an TP.Long Xuyên) đánh giá: Việc làm này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp giảm bớt khó khăn cho nạn nhân và gia đình có người bị TNGT. “Để mô hình đi này hoạt động có hiệu quả và phát huy tốt công tác từ thiện xã hội, Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 100 triệu đồng làm quỹ cứu chữa người bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn”, Trung tá Hậu chia sẻ.

Nói thêm về việc hỗ trợ các nạn nhân bị TNGT, Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết: “Khi sự cố xảy ra, nhiều người gặp khó khăn trong việc cứu chữa do thiếu tiền, hoặc người thân chưa kịp đến bệnh viện. Mong muốn giải quyết nhu cầu cấp bách trên nên tôi quyết định thành lập ban điều hành cấp cứu người bị TNGT với các lực lượng thành viên gồm: công an, bệnh viện, đoàn thể và ngành y tế địa phương…”.

Trung tá Lê Thanh Sơn (Đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an TP.Long Xuyên) cho biết: “Trước đây, một số người dân khi thấy tai nạn họ còn e ngại chở đi cấp cứu, còn sau khi triển khai có nhiều chuyển biến tích cực. Từ lúc thành lập đến nay đã chở khoảng 10 trường hợp chuyển đến bệnh viện nhanh chóng”.

Theo Trung tá Sơn, nhận được tin báo là tổ 3 cán bộ chiến sĩ (CBCS) điều khiển xe cấp cứu đến hiện trường. Sau khi sơ cứu xong, 2 người theo xe đưa nạn nhân đến bệnh viện, còn 1 người giữ hiện trường, rồi quay lại hỗ trợ. Việc này sẽ rút ngắn thời gian so với trước. Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn là CBCS trực tiếp thực hiện về kỹ năng vẫn còn hạn chế.

Do vậy, ngày 18-12-2020, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh An Giang đã phối hợp với Công an TP.Long Xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị TNGT cho CBCS Đội CSGT trật tự Công an TP.Long Xuyên. Cụ thể là đánh giá tình trạng nạn nhân để tiến hành sơ cấp cứu, phương pháp cầm máu, cố định khi nạn nhân bị gãy xương, vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sở y tế…

Sau khi triển khai mô hình ở TP.Long Xuyên, ngày 27-10, Công an tỉnh An Giang tổ chức lễ ra mắt và trao tặng xe 1 cứu thương cho Công an huyện Tri Tôn quản lý, nhằm kịp thời đưa người bị TNGT đến bệnh viện cấp cứu.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá cao và cho biết đây là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tăng thêm tính tương tác gắn kết giữa lực lượng Công an và nhân dân. Thứ trưởng yêu cầu sau khi tiếp nhận và triển khai mô hình, các lực lượng liên quan phải phân công quản lý, bảo quản, sử dụng phương tiện đúng mục đích để mô hình phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả TNGT gây ra trong thời gian tới.

Đại tá Đinh Văn Nơi – Giám đốc Công an An Giang cho biết thêm: “Tỉnh chọn 1 huyện miền núi, dân tộc (Tri Tôn) và thành phố trung tâm kinh tế - xã hội (Long Xuyên) để triển khai, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm, tính toán nhân rộng. Đây là một trong những giải pháp kiềm chế số người chết do TNGT”.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang