(CAO) Làng rèn Nhị Thành (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), nghề thủ công truyền thống đã có từ thuở khai hoang mở cõi ở vùng đất phương Nam. Cho đến nay, làng rèn vẫn đang nổ lực duy trì “giữ lửa” trước nguy cơ “thất truyền” .
Không biết tự bao giờ làng rèn Nhị Thành đã xuất hiện. Theo những nghệ nhân cao tuổi thì nghề rèn đã có mặt từ rất lâu đời, trải qua biết bao thăng trầm.
Lò rèn gia đình ông “Út Nhựt” ở ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An
Thời hoàng kim ở làng rèn Nhị Thành là vào giai đoạn 1978 – 1988. Thời kì của công cuộc mở cõi, khai phá đất hoang ở vùng Đồng Tháp Mười, vùng tứ giác Long Xuyên…
Thời điểm ấy, các bếp lò ở làng rèn Nhị Thành luôn đỏ lửa cả ngày lẫn đêm, tiếng đe tiếng búa đập chan chát vang lên đều đặn nhằm cung ứng sản phẩm kịp thời cho bà con vốn sống bằng nghề nông với những vật dụng quen thuộc nhưng sử dụng rất bền, lâu như lưỡi búa, lưỡi liềm, cái cày, cái cuốc,…
Để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh đến với người tiêu dùng phải trải qua các công đoạn từ đập, đe, nung lửa, cho đến công đoạn mài, bào, gọt, liết, làm chuôi, tra cán
Cụ Lê Minh Nhựt, người có thâm niên trên 60 năm theo nghề, năm nay 82 ở ấp 4, xã Nhị Thành, cho biết: “Nghề rèn lắm công phu. Đòi hỏi người thợ rèn phải luôn bền bỉ, kiền trì và tỉ mỉ.
Quy trình rèn phải qua biết bao công đoạn từ việc chọn lựa nguyên vật liệu, chuẩn bị nhiên liệu đến thổi bể khí, cặp sắt tôi, quai búa nung đập… cho đến khi định hình được sản phẩm.
Khi sản phẩm thành hình thì chuyển qua khâu gia công bào, gọt, liết, làm chuôi, tra cán, lau chùi và cuối cùng là bàn giao sản phẩm cho người tiêu dùng.
Điều quan trọng là phải biết chọn lựa nguyên liệu như sắt đủ độ tuổi và nhìn độ lửa nung sắt để làm sao tạo ra độ sắc, bền cho sản phẩm”.
Người thợ rèn tỉ mỉ
Điều quan trọng là phải biết chọn lựa nguyên liệu như sắt đủ độ tuổi
Từng được xem là nghề “hái ra tiền”, sản phẩm rèn Nhị Thành làm ra được người dân ưa chuộng, lượng tiêu thụ mạnh cung ứng không chỉ cho người dân trong tỉnh mà còn ở khắp các tỉnh thành lân cận.
Thế nhưng công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, máy móc dần thay thế sức người. Những dàn máy móc hiện đại, theo hệ thống dây chuyền có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm công nghiệp trong thời gian ngắn. Máy móc nông nghiệp đã thay thế cái cày, cái cuốc, lưỡi liềm,… vốn gắn liền với người nông dân khiến cho “đầu ra” sản phẩm gặp khó khăn trên thị trường tiêu thụ.
Thành phẩm
Hiện nay, số hộ còn bám trụ lại với nghề rèn không còn nhiều
Còn nhớ trước đây khi nhắc đến xóm rèn Cầu Bông thì ai ai cũng biết lò rèn “đỏ lửa” cả ngày lẫn đêm.
Hiện nay, số hộ còn bám trụ lại với nghề rèn không còn nhiều, thế hệ tiếp nối cha ông cũng không còn mặn mà với nghề vừa nặng nhọc, thu nhập không cao, vất vả lại đòi hỏi cả ở sự cần cù, tỉ mỉ.
Sản phẩm hoàn thành đến với người tiêu dùng
Hiện tại, xã Nhị Thành chỉ còn lại một vài người tâm huyết nỗ lực “giữ lửa” cho nghề cha truyền con nối này, trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hồng, người con trai của cụ Nguyễn Minh Nhựt ở lò rèn “Út Nhựt”.
Xã Nhị Thành chỉ còn lại một vài người tâm huyết nỗ lực “giữ lửa” cho nghề
Ông Bùi Văn Phơ (ấp 4, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) thợ rèn lâu năm ở xóm rèn Cầu Bông tâm sự: “Những năm gần đây nghề rèn khó khăn lắm, đặc biệt là bị cạnh tranh bởi những sản phẩm được làm bằng chat liệu inox của Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, bắt mắt, sáng bóng được bày bán phong phú, đa dạng nên sản phẩm rèn truyền thống khó có thể cạnh tranh".
Nghề vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ
Nghề lò rèn Nhị Thành đang đứng trước nguy cơ mai một dần
Ông Lê Văn Kịp, Chủ tịch Hội nông dân xã Nhị Thành cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Nhị Thành còn hơn 40 hộ vẫn bám trụ với nghề rèn nhưng hoạt động cầm chừng, nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các ấp 3, 4 và ấp 5. Con số này ngày càng giảm qua mỗi năm. Với thực trạng này, nghề lò rèn Nhị Thành đang đứng trước nguy cơ mai một dần”.