Về nơi cua đồng chất như... 'núi'

Thứ Ba, 06/10/2015 07:54  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Mỗi ngày, hàng chục tấn cua được các thương lái chở ra các xã, thị trấn biên giới của huyện An Phú, tỉnh An Giang tiêu thụ. Tại nơi tập kết, cua đồng được vô bao lưới chất thành đống to đùng như…“núi”.

Người bán chuyển cua từ vỏ lãi lên cân còn người mua thì hì hục phân loại, đưa hàng lên xe vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.

Cua đồng được phân loại trước khi vận chuyển đi tiêu thụ

Nghề đón lũ

Nghề đặt lọp cua đồng ở các xã giáp biên giới (tỉnh Anh Giang) diễn ra quanh năm, tuy nhiên thời điểm chính vụ bắt đầu từ khoảng tháng 5 – 12 (âm lịch). Nghề này muốn làm không phải dễ bởi để có địa bàn hoạt động các ngư dân phải đóng “thuế” với số tiền khoảng chục triệu đồng/vụ.

Người dân đi đặt cua sau đó chở về các xã, thị trấn biên giới bán

Gắn bó với nghề đặt lọp cua đã nhiều năm nay, ông Võ Thanh Vấn ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông cho biết: “Để đặt được lọp chúng tôi phải thuê đất với giá từ 10 – 12 triệu đồng. Người đặt lọp di chuyển bằng xuồng máy từ Vĩnh Hội Đông lên đồng Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo. Lượng cua đặt nhiều nhất vào khoảng tháng 8 – 10 âm lịch do nước lũ về nhiều. Với 200 cái lọp mỗi ngày kiếm được từ 50 – 70kg cua”.

Theo nhiều hộ dân, nghề đặt cua là công việc dễ làm, cho thu nhập từ vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, điều lo lắng mấy năm nay là tình trạng mất lọp ngày một nhiều vì nước cạn lọp dễ bị phát hiện và lấy trộm khi làm nghề nơi xứ lạ quê người.

Nghề đặt lọp cua mỗi người có thu nhập từ 200.000 – 1.000.000 đồng/ngày

Chở hàng về cân cho bạn hàng ở xã Vĩnh Hội Đông, ông Nguyễn Văn Đáp (ngụ xã Nhơn Hội) nói: “Đầu vụ sắm 300 cái lọp và thuê đất đặt. Mỗi ngày, “chiến lợi phẩm” thu được là 70 – 120kg, tuy nhiên cứ ngày mất vài cái và đến nay thì xuồng lọp chỉ còn lại khoảng 250 cái. Năm nay, nước ít nên ai cũng mất nhiều hơn”.

Chị Pho Li (27 tuổi) cho biết: “Mùa nước nổi không việc làm nên tôi đã tham gia nghề đặt lọp cua đã hơn một năm nay. Vụ này mới đặt hơn nửa tháng mà đã mất hơn 30 cái. Giá mỗi cái lọp mua vào là 35.000 đồng nên hôm nào mất là coi như làm không công”.

Hiện cua đồng được cân với giá từ 9.000 – 25.000 đồng/kg (tùy loại)

Do nhiều hộ làm nghề đặt và dỡ không đồng loạt nên việc thu mua cũng có phần khác nhau. Chẳng hạn các vựa cố định thì mua vào buổi sáng cho đến khoảng 18 giờ chiều là vận chuyển hàng đi tiêu thụ, còn các thương lái ở xa thì hoạt động khoảng từ 16 - 21 giờ. Cứ thế công việc diễn ra liên lục hàng ngày.

Nhộn nhịp lúc chiều tà

Vợ thì cân hàng tại vựa, chồng thì chạy vỏ lãi thu mua và ngày nào cũng đạt “chỉ tiêu” giao hàng.

Ông Trần Văn Trung (40 tuổi, ở ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội) cho biết: “Năm nay, dân đặt lọp trúng mùa, được giá nên sản lượng thu mua cũng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Mỗi ngày, cơ sở thu mua ít nhất là 5 tấn, nhiều lên đến cả chục tấn, sau đó, giao lại cho vựa ở TP. Châu Đốc. Giá cua xô hiện tại là 9.000 - 10.000 đồng/kg, cua lựa là 25.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với năm vừa rồi”.

Mỗi túi lưới đựng 25 – 30 kg cua (tùy thương lái)

Theo lời vợ ông Trung, mỗi ngày có khoảng 120 xuồng chở cua đến cơ sở bán. Mỗi xuồng đặt khoảng từ 200 – 500 cái lọp.

Cua được chất theo mé sông thành đống như thế này

Gom hàng bằng xe tải, anh Nguyễn Văn Lượm cho biết: “Chợ cua ở mé sông thuộc thị trấn An Phú, huyện An Phú là điểm tập kết hàng nhiều nhất. Mỗi ngày, có từ 5 – 6 thương lái, mỗi người cân vài tấn, tính ra là khoảng 30 tấn cua”. 

Mỗi ngày, bến sông thị trấn An Phú có khoảng 30 tấn cua được tập kết

Ông Tăng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, cho biết: “Toàn địa bàn có trên 40 hộ gia đình làm và đặt lọp cua đồng. Ngày nào trúng thì mỗi người được trên 80kg, thất thì cũng có 30 - 40kg”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang