Làng "siêu đẻ" ở Gia Lai

Chủ Nhật, 19/07/2015 11:36  | Lam Hồng

|

(CAO) Từ lâu, làng Ea Lũh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai được người ta gắn cho biệt danh làng “siêu đẻ”. Ea Lũh chỉ có hơn 100 hộ gia đình, nhưng có tới hơn 700 nhân khẩu. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy ngôi làng nhỏ, chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku chưa đầy 20km.

Khi đặt chân đến huyện Chư Păh hỏi về làng Ea Lũh rất ít người biết đến, còn nói về làng “siêu đẻ” thì dễ dàng nhận được câu trả lời, “làng đó nó nằm ở xã Nghĩa Hưng”. Ở đó, nhà nhà trong ngôi làng nổi tiếng do đẻ nhiều này không bao giờ vắng tiếng trẻ con.

Gần 100% người dân ở đây đều là người Xê Đăng, công việc chính của họ là đi hái chè thuê cho một xí nghiệp ở trong xã. Lý do đẻ nhiều được người dân cho là do quan niệm “trời sinh voi, ắt sinh cỏ”. Cỏ đâu chẳng thấy, chỉ thấy cả chục con người chui vô, chui ra trong những căn nhà làm bằng tôn xập xệ.

Ghé thăm gia đình bà Y Set (SN 1965), người lâu nay vẫn giữ kỷ lục về sinh đẻ của làng, bởi bà có đến 12 người con, sàn sàn từ độ tuổi 3 đến 20. Cứ chưa đầy 2 năm lại có một đứa mới ra đời. Giờ người trong nhà cũng chẳng nhớ nỗi đứa nào là anh chị, đứa nào là em, may mà còn nhớ cái tên để gọi. Nhiều người trong làng tự tin kỷ lục đẻ của bà có thể bị phá vỡ trong nay mai. 

Làng Ea Lũh nổi tiếng Tây Nguyên vì sinh nhiều con - Ảnh: Lam Hồng

Cũng không phần kém cạnh là gia đình nhà chị A Mon, mới 41 tuổi mà có tới 11 đứa con. Lấy chồng từ lúc 18 tuổi, 23 năm làm vợ, tính thời gian mang thai, đẻ rồi lại chăm con nhỏ đã chiếm gần hết. Vì thế chuyện làm ăn, phát triển kinh tế hầu như chỉ dựa vào người chồng.

Cả nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ mà chồng chị làm phương tiện đi làm. Đã sinh đến đứa thứ 11, vợ chồng chị A Mon vẫn chưa biết mình sẽ sinh đến đứa thứ bao nhiêu nữa. Chị và chồng vẫn không dùng một biện pháp tránh thai nào.  

Từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng thấy trẻ em - Ảnh: Lam Hồng

Dù đã được cán bộ xã vận động nhiều lần dừng việc sinh đẻ để nuôi con cho tốt, nhưng xem ra không lay chuyển được "ý chí" của người chồng. Chị vẫn đang ở trong tuổi sinh đẻ nên việc sinh thêm các đứa con nữa sẽ là bình thường. Theo chị A Mon: “Chị cũng muốn sinh ít con cho đỡ khổ nhưng chồng và nhiều người trong làng không ai đồng ý hết. Chồng chị vẫn giữ lập trường, đẻ hết trứng thì thôi. Con chị đứa thì nay ốm, mai đau, chồng đi làm quần quật, nhưng không thể nuôi nổi 14 miệng ăn, lấy gì mua thuốc men cho con”.

Anh K Pă Hon (SN 1974) - Thôn trưởng của làng, người được xem là gương mẫu nhất trong mọi công việc, hiện là bố của 8 đứa con. Anh cho biết, vợ kém anh 1 tuổi, đang đi hái chè thuê. Đứa con lớn 19 tuổi đang đi học tại TP.HCM, còn đứa nhỏ nhất mới được một tuổi rưỡi. Cứ đà này anh nói vợ sẽ còn sinh nữa.  

Sinh con nhiều nên nhiều điều kiện học hành, vui chơi cho trẻ nơi đây không được đảm bảo - Ảnh: Lam Hồng

Vị trưởng thôn còn tiết lộ, các cặp vợ chồng bằng tuổi mình, nhà nào cũng có 8 đến 9 đứa con cả. Sinh nhiều vậy, nhưng trẻ trong làng đều được học hành đến nơi, đến chốn. Điểm trường tiểu học của làng nhìn còn đông học sinh hơn trường chính của xã. Con của mình 8 đứa cũng vậy, vẫn theo học các lớp bình thường.

Anh trưởng thôn cũng không giấu giếm nguyên nhân làng được mệnh danh là làng “siêu đẻ”: Trong làng, người dân rất ít dùng các biện pháp tránh thai an toàn. Theo luật lệ làng, sinh đẻ không được hạn chế, cứ đẻ theo quy luật tự nhiên, sinh được bao nhiêu thì cứ sinh. Mình là người trong làng cũng phải theo cái lệ của làng. Biết là sinh con nhiều sẽ khổ, nhưng không ai muốn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhất là nam giới. Các kiến thức về sinh sản đối với làng gần như về con số không. Các bà mẹ khi sinh đều do các bà đỡ trong làng tự tay làm, cũng chính vì vậy mà các ca tử vong trong sinh đẻ khá lớn, như bà Y Set mất 3 đứa con lúc sinh. 

Những phụ nữ trong làng quan niệm đẻ đến khi nào... không đẻ được thì thôi - Ảnh: Lam Hồng

Theo chị Trần Thị Thanh Nga, cán bộ kế hoạch hóa gia đình xã Nghĩa Hưng cho biết: Làng gần 100% là người dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Không chỉ tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con bằng nhiều lý lẽ, các cán bộ nơi đây còn hướng dẫn và phát thuốc tránh thai cho phụ nữ, bao cao su cho đàn ông để tự kế hoạch. Khi phát thì họ hào hứng nhận, nhưng nhận về… để đó.

Sau khi phát một thời gian, chúng tôi đến từng nhà kiểm tra thì thấy thuốc tránh thai và bao cao su để trên đầu giường vẫn còn nguyên. Thậm chí nhiều gia đình còn mang bao cao su ra cho con mình... thổi bong bóng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang