(CATP) Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, ngành xây dựng đã đạt được một số thành tựu nhất định, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đô thị hóa vượt kế hoạch đề ra, thể chế chính sách ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản (BĐS) đã qua giai đoạn khó khăn nhất…
Theo Bộ Xây dựng, năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tình hình hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt dự báo của các tổ chức và kịch bản điều hành đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn.
Trước tình hình đó, quán triệt quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Xây dựng đã tập trung triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó phải kể đến công tác quản lý, phát triển nhà ở và thị trường BĐS.
Về công tác phát triển nhà ở, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 644 dự án (DA) nhà ở xã hội (NƠXH) đã được triển khai với quy mô 580.109 căn, trong đó có 96 DA hoàn thành với quy mô 57.652 căn; đã khởi công xây dựng 133 DA với quy mô 110.217 căn; có 415 DA đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.240 căn. Riêng nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, đến nay mới có 36/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố DA đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử.
Tính đến hết quý III/2024, đã có 50 dự án nhà ở thương mại hoàn thành với quy mô khoảng 13.715 căn (ảnh minh họa)
Về công tác quản lý thị trường BĐS, Bộ Xây dựng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp. Nhìn chung, thị trường BĐS từ đầu năm 2024 đến nay đã có phản ứng tích cực; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng; nguồn cung BĐS đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho khách hàng đã gia tăng thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng biến động giá cục bộ tại một số phân khúc và một số khu vực, tâm lý sợ sai, trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh, giải quyết chậm tại một số địa phương.
Theo thống kê, tính đến hết quý III năm 2024; về DA nhà ở thương mại: đã có 50 DA hoàn thành với quy mô khoảng 13.715 căn, bằng 86,21% so với cùng kỳ năm 2023; 76 DA cấp phép mới với quy mô khoảng 38.701 căn, bằng 108,57% so với cùng kỳ năm 2023; 192 DA đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với quy mô khoảng 59.336 căn, bằng 102,1% so với cùng kỳ năm 2023. Về DA đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở: có 59 DA hoàn thành với quy mô khoảng 5.498 lô/nền, bằng 63,4% so với cùng kỳ năm 2023; 71 DA được cấp phép mới bằng 82,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, báo cáo khảo sát về giá của một số tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy trong năm 2024, giá BĐS tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục tăng ở cả DA mới và cũ, mặt bằng giá DA mới tăng khoảng 6% theo quý và 25% theo năm, một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35% - 40%. Tổng lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ khoảng 137.386 căn, bằng 102,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng lượng giao dịch đất nền khoảng 446.899 lô, bằng 138,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo số liệu từ NHNN, đến cuối quý III/2024, dư nợ tín dụng BĐS đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1,274 triệu tỷ đồng, tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt hơn 349,3 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Riêng về nguồn vốn FDI, tính đến ngày 30/11/2024 lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS thu hút được số vốn đăng ký của DA đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,39 tỷ USD, đứng vị trí thứ hai trong tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ 2023.
Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở phát huy mặt tích cực và hạn chế những vướng mắc về công tác quản lý, phát triển nhà ở và thị trường BĐS, Bộ cũng đã đề ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2025, đó là diện tích nhà ở bình quân: 27m2 sàn/người; số lượng căn NƠXH hoàn thành trên 100.000 căn (59/63 địa phương đăng ký).
Để đạt được chỉ tiêu đề ra, theo Bộ Xây dựng, trong năm tới cần tập trung triển khai Quyết định số 21/2024/QĐ- TTg ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bố vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025, kịp thời tổ chức hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, ngập lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp; cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường BĐS, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung NƠXH, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường BĐS, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.