(CAO) Mặc dù trận động đất có độ lớn 7.3 độ richter trên xảy ra tại Myanmar, song dư chấn của trận động đất này ảnh hưởng rộng, nên người dân sống, làm việc tại các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, TPHCM và một số địa phương ở Việt Nam có thể cảm nhận được sự rung lắc.
Khoảng 13 giờ 30 phút hôm nay, 28/3, nhiều người dân ở một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội, TPHCM cho biết họ đã cảm nhận rõ sự rung lắc mạnh, nghi do dư chấn của động đất. Tại khu vực TPHCM, nhiều người làm việc tại các tòa nhà cao tầng, sinh sống trong các chung cư đã hoảng sợ chạy xuống đất. Người dân sống ở một chung cư trên địa bàn TP.Thủ Đức, TPHCM cho biết sự rung lắc khiến họ cảm thấy chóng mặt, các vật dụng trong căn nhà cũng động đậy.

Nhân viên làm việc trong các tòa nhà cao tầng tại TPHCM chạy xuống đất sau khi cảm nhận được sự rung lắc
Chuyên gia Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết những biểu hiện rung lắc trên là do dư chấn của trận động đất có độ lớn 7.3 vừa xảy ra tại Myanmar vào lúc 13 giờ 20 phút 57 giây.
Theo vị chuyên gia trên, độ sâu chấn tiêu của trận động đất trên vào khoảng 10km. Dù trận động đất trên xảy ra tại Myanmar, song dư chấn của trận động đất này có thể ảnh hưởng rộng, nên người dân tại Việt Nam có thể cảm nhận được sự rung lắc. Hiện tại, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Theo quy định, ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn; bảo đảm an ninh, trật tự khu vực. Với người dân, khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.