Kỷ niệm 32 năm ngày mất của cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành (25/01/1993 - 25/01/2025):

Nhớ anh Ba Ớt!

Thứ Ba, 21/01/2025 16:03

|

(CATP) Nhiều năm rồi, cứ giáp Tết âm lịch, cơ quan lại giao tôi mang quà đến thắp nhang anh Ba Ớt (tức cán bộ điệp báo, nhà văn, nhà báo, họa sĩ Huỳnh Bá Thành - cố Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM). Lần nào đứng trước di ảnh của anh trên bàn thờ, tôi cũng rưng rưng xúc động!

Đầu tháng 5/1992, anh Huỳnh Bá Thành cùng vợ là chị Nguyễn Thị Ninh - Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình và nhà thơ Từ Kế Tường - Thư ký tòa soạn Báo Công an TPHCM đến dự lễ trao thưởng cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, tại 43 Đồng Khởi, quận 1. Từ trước 1975, tên tuổi anh đã rất nổi tiếng với tư cách "họa sĩ Ớt" vẽ tranh trên báo Điện Tín, châm biếm các ông, bà "tai to mặt lớn" (chính khách, tướng lĩnh) của chế độ VNCH - kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và quan chức Mỹ. Tranh của anh đã được nhiều tờ báo lớn của Mỹ, phương Tây, Nhật Bản đăng lại. Khi mới 30 tuổi anh đã được gọi là "ký giả quốc tế"...

Hồi nhỏ tôi hay đọc ké báo Điện Tín của ba tôi, thích xem biếm họa với cái tên "Ớt" ngồ ngộ. Lúc tôi học 2 năm cuối Đại học Tổng Hợp (1987 - 1988) thì tờ Báo Công an TPHCM đã "lớn nhanh như Phù Đổng", thành "hiện tượng" trong làng báo Việt Nam. Cái tên Huỳnh Bá Thành luôn gắn với "những điều kỳ diệu" của Báo Công an TPHCM... Vì thế khi được gặp anh - con người tôi đã ngưỡng mộ từ hồi 10, 11 tuổi, thì cảm xúc thật khó tả. Càng sung sướng hơn, khi anh hứa sẽ nhận tôi về làm phóng viên Báo Công an TPHCM và hẹn tôi "3 ngày nữa đến gặp anh"...

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ và nhà báo Huỳnh Bá Thành (Bộ Nội vụ được đổi tên thành Bộ Công an từ 1998)
Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đến thăm Báo Công an TPHCM

Sáng 06/5/1992, tôi đến tòa soạn ở 110 Nguyễn Du, quận 1, để xin làm phóng viên. Anh cao lớn, bệ vệ, sang trọng tháo kính, nheo mắt nhìn tôi rồi lắc đầu... tôi tự nhủ, "bị từ chối rồi, thôi đi xin việc chỗ khác"... Bất ngờ anh nói một câu làm tôi bàng hoàng: "Bộ đồ em mặc vừa xấu vừa quê, em sẽ có 6 bộ quần áo đẹp để từ đầu đến cuối tuần lúc nào cũng đẹp. Làm Báo Công an TPHCM thì phải ăn mặc đàng hoàng, thắt cravat như anh nè!". Tôi cứ tưởng mình nằm mơ khi nghe câu đó, vậy là anh nhận tôi rồi sao? Mừng quá, nhưng tôi cố nén để hỏi lại: "Thưa anh, ai vào Báo Công an TPHCM cũng được cấp 6 bộ quần áo?". Anh cười hiền hậu: "Không, để anh nói chị Ba (tức chị Nguyễn Thị Ninh - vợ anh, sau này là Phó giám đốc Sở Giáo dục TPHCM) mua vải may cho em!

Tôi lật đật thưa:

- Dạ! Em không dám nhận, em còn tiền thưởng sẽ mua 6 bộ quần áo như anh dặn!

- Bậy nào! Tiền đó em gửi cho cha mẹ ở quê. Chiều nay ghé nhà anh ăn cơm rồi chị Ninh sẽ chọn vải cho em!

Chân dung nhà báo, họa sĩ Huỳnh Bá Thành
Tập ký sự nhân vật của tác giả Huỳnh Bá Thành

Anh bước đến quay điện thoại: - "Chiều nay có thằng bạn của anh, thằng Lại Văn Long đó, ăn cơm với gia đình mình, em chuẩn bị vài món...!". Tôi sững sờ, không tin vào tai mình khi nghe anh gọi tôi là... "thằng bạn". Tuổi anh đáng cha, chú tôi; anh từng làm nhiều việc lớn cho cách mạng, tên tuổi lưu sử sách. Anh lại đang là quyền Tổng Biên tập một tờ báo lớn, biết bao người ngưỡng mộ, kính phục. Còn tôi - một "chú nhóc" te tua, thất nghiệp, sống lang thang bữa đói bữa no; nếu được anh coi như "thằng đệ”, "thằng lính", "thằng em"... đã là hãnh diện lắm rồi. Vậy mà anh gọi tôi là "thằng bạn" - nằm mơ cũng không dám nghĩ đến! Tôi bàng hoàng, xúc động đứng trân người; anh lại cười hiền hậu: - "Để anh nói mấy đứa thu xếp cho em vào ở khu tập thể cơ quan"... Tôi ngộp thở với may mắn đến dồn dập, mừng đến cứng lưỡi không nói được lời cảm ơn anh! (Sau này anh còn mai mối cho tôi với một cô diễn viên xinh đẹp và tạo mọi điều kiện giúp tôi... Nhưng tôi không làm được như ý anh...).

Dãy lầu 6 phòng học này Báo Công an TPHCM cùng gia đình Phúc An tặng xã Hồng Vân - huyện Ân Thi - Hưng Yên hơn 10 năm trước
Một trường mẫu giáo Báo Công an TPHCM cùng các nhà tài trợ xây dựng trên vùng biên giới tỉnh Điện Biên

Anh Huỳnh Bá Thành mất vào đêm mồng 2 Tết Quý Dậu (tức ngày 25/01/1993) sau một cơn đau tim khi bước qua tuổi 50 đúng một ngày! Đám ma của anh được tổ chức 3 ngày 2 đêm tại tòa soạn Báo Công an TPHCM với hàng ngàn lượt người đến viếng, từ vị lãnh đạo, văn - nghệ sĩ đến tầng lớp lao động nghèo, xích lô, vé số, ai cũng thương tiếc anh! Đến ngày di quan, dòng người, xe kéo dài mấy cây số, đó là một trong những đám tang lớn nhất Sài Gòn. Nếu anh sống thêm 10 năm nữa sẽ làm được rất nhiều việc lớn cho Báo Công an TPHCM, cho tiến bộ xã hội và cho hàng vạn người nghèo. Chỉ 9 tháng được làm lính anh, tôi đã học được rất nhiều từ con người tài đức vẹn toàn này!

Một lời cảm ơn không bao giờ đủ với những gì anh đã lo cho tôi và cả trăm anh chị em trong tòa soạn Báo Công an TPHCM. Anh luôn luôn là "anh Ba" thân thương hay "ông tiên" nhân hậu mang hạnh phúc đến cho chúng tôi và rất nhiều gia đình nghèo ở nhiều vùng miền của đất nước qua công tác xã hội - từ thiện của Báo Công an TPHCM được khởi xướng từ những ngày đầu anh tham gia lãnh đạo tờ báo. Nhớ tới anh là nhớ đến những cái Tết vì người nghèo, nhớ đến "Xuân yêu thương, chia sẻ” và rất nhiều chương trình từ thiện - xã hội khác!

Bình luận (0)

Lên đầu trang