Kỷ niệm 39 năm thành lập Báo Công an TPHCM (15-6-1976 - 15-6-2015):

Huỳnh Bá Thành: Nhà báo của dân nghèo

Thứ Bảy, 13/06/2015 12:04  | Lại Văn Long

|

(CATP) Anh Huỳnh Bá Thành sinh ngày 2-7-1944 tại xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (Quảng Nam - Đà Nẵng) trong một gia đình lao động nề nếp, luôn trọng nghĩa, tôn sư, nhân hậu. Lớn lên ở vùng quê có truyền thống cách mạng nên từ thời trung học, anh đã tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên miền Trung.

Năm 1966, anh vào Sài Gòn vừa học đại học vừa hoạt động cách mạng. Năm 1969, anh được kết nạp Đảng CSVN.

Vào nghề báo

Với kiến thức về văn học, hội họa, anh được cấp trên giao nhiệm vụ thâm nhập, hoạt động trong làng báo Sài Gòn. Tháng 2-1974, anh được phân công hoạt động điệp báo thuộc Cụm A10 An ninh Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1975, khi nhật báo Điện Tín nơi anh làm việc để tạo vỏ bọc hợp pháp bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa, anh được đưa ra căn cứ để nhận nhiệm vụ mới là thâm nhập hoạt động trong lực lượng thứ ba của Dương Văn Minh, để cùng các đồng chí khác tác động, vận động lực lượng chống đối, cô lập, chia rẽ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nhằm vô hiệu hóa sự chống phá của kẻ thù.

Anh Huỳnh Bá Thành

Sau ngày giải phóng, với cương vị là Đội trưởng Đội trinh sát bảo vệ chính trị thuộc An ninh thành phố, anh cùng đồng đội phá nhiều vụ án quan trọng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự TPHCM trong buổi giao thời.

Năm 1976, tờ tin sau đó là tờ báo nội bộ CATP được thành lập. Năm 1981, anh được cấp trên điều về tăng cường cho ban biên tập. Đến ngày 2-9-1986, Báo CATP ra công khai, phát triển lớn mạnh, anh là Phó sau đó là Tổng biên tập. Đây cũng chính là thời kỳ Báo CATP đạt mức phát hành cao nhất 710.000 tờ/kỳ...

Cả đời đau đáu về người nghèo

Anh Huỳnh Bá Thành là nhà báo đa tài, viết được tất cả thể loại, kể cả những truyện dài kỳ đậm chất văn học. Anh còn là một họa sĩ biếm họa số 1, trình bày và quản lý cả tờ báo lớn. Tài năng đó của anh được hình thành, trui rèn từ quá trình giác ngộ cách mạng, chiến đấu sinh tử âm thầm trong lòng địch.

Với tư tưởng “làm báo vì người nghèo”, anh đã dũng cảm xả thân dùng sức mạnh báo chí để đấu tranh hợp pháp trong lòng địch suốt những năm tháng chiến tranh. Bao nhiêu nguy hiểm, áp lực đè nặng lên vai người chiến sĩ điệp báo “nằm vùng” đó, nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do cấp trên phân công và trách nhiệm của nhà báo với cuộc đấu tranh vì người nghèo, vì mục tiêu giải phóng dân tộc.

Những bài viết, biếm họa của anh trên Báo Điện Tín từ năm 1969 đến 1975 (khi tờ báo này bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa) đã đứng về phía dân nghèo, đấu tranh mạnh mẽ với bọn tham nhũng, lật tẩy những trò mị dân của các chính khách, nghị sĩ, quan lại và mỉa mai, châm chích chế độ Sài Gòn làm tay sai ngoại bang, đàn áp tự do báo chí, dân chủ nhân quyền...

Sau ngày thống nhất đất nước và trở thành người lãnh đạo tờ Báo CATP, anh Huỳnh Bá Thành càng sống hết mình vì dân nghèo. Phòng làm việc của anh luôn mở cửa đón đủ các thành phần: văn nghệ sĩ nghèo, dân đạp xích lô, bán vé số, người tật nguyền và cả những người tù tội trở về muốn tìm đường hoàn lương. Rồi có cả những nông dân bị cường hào mới ức hiếp, những gia đình chịu oan sai, những người cùng khổ vì tai họa... Anh thông cảm với tất cả, muốn chia sẻ giúp đỡ.

Tấm lòng vì dân nghèo của anh Huỳnh Bá Thành đã truyền lửa nhân ái cho toàn cơ quan, ảnh hưởng ra ngoài xã hội. Các thế hệ lãnh đạo Báo CATP sau này luôn phát huy truyền thống nhân ái đó. Hàng ngàn nhà hảo tâm đồng hành cùng Báo CATP trong công tác vì người nghèo với số tiền hỗ trợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Từ những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn nổi tiếng của nước ngoài đến anh xích lô, bác xe ôm, chị bán vé số, bà bán rau... cùng chung tay góp cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, Báo CATP kể từ thời anh Huỳnh Bá Thành thường xuyên có các chuyên mục vì người nghèo như: Mảnh đời bất hạnh, Gõ cửa quan, Điều tra theo yêu cầu bạn đọc, Ngọc trong đá, Gia đình và xã hội, Quật ngã số phận... Nhờ những hoạt động từ thiện - xã hội và những chuyên mục, tin bài hướng về tầng lớp lao động, đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ trên một tờ báo giản dị, mộc mạc mà chân thành như vậy nên suốt 30 năm kể từ ngày được ra công khai, Báo CATP đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của hàng chục triệu độc giả trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài.

Bút pháp Huỳnh Bá Thành

Ngày nay, ngồi thưởng lãm lại các tranh biếm họa ký tên Họa sĩ Ớt và các bài báo ký bút danh Ba Trung, Lai Vu, Hai Mã Tấu... chúng ta không khỏi giật mình kinh ngạc vì tài năng, bản lĩnh của anh. Dưới nét cọ và ngòi bút của anh, các nhân vật trong chính giới Sài Gòn trước năm 1975 hiện ra sinh động, đặc sắc và trào phúng đến bất ngờ. Anh đưa những ông “tai to mặt lớn” lên báo để tố cáo, mỉa mai thói cơ hội, tham nhũng, ôm chân ngoại bang của họ; biến những chính khách quyền lực thành những bộ mặt trơ tráo, lì lợm, độc ác và hài hước cho thiên hạ cười cợt, cho những người bị áp bức thật sự hả dạ!

Dưới ngòi bút, nét cọ của anh, nhiều nhân vật chóp bu của thể chế Sài Gòn bị biến thành những sinh vật dị dạng, nửa người nửa thú. Đã vậy, kèm theo những biếm họa đó là những lời bình luận chua chát, sâu cay phản ánh sinh hoạt nghị trường Sài Gòn bát nháo, lộn sòng với những ông quan, bà nghị vô trách nhiệm với dân, vun vén, cơ hội...

Với những người thực sự đấu tranh vì đồng bào miền Nam như: Trưởng đoàn “ký giả ăn mày” Nguyễn Kiên Giang, Ni sư Huỳnh Liên, đại biểu của người Chàm (Chăm) - Tôn Ái Liên, Hồ Ngọc Nhuận, Phan Thiệp... chỉ vài nét cọ hay vài dòng ký sự, Huỳnh Bá Thành đã làm nhân vật của mình hiện lên đầy khí phách yêu nước, yêu dân và can trường với lý tưởng của mình.

Ngoài các ký sự nhân vật, trên Báo Điện Tín còn có “góc biếm của Ớt” để Huỳnh Bá Thành thi thố tài năng châm biếm của mình. Những tranh không lời đó được vẽ theo bút pháp “ma mị”, cuốn hút vô cùng. Càng xem kỹ tranh, càng phát hiện những ẩn ý ghê gớm chứa trong đó. Bút pháp của Huỳnh Bá Thành thể hiện dũng khí đấu tranh công khai với cường quyền ác bá của một nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng.

Những tác phẩm của anh có ảnh hưởng lớn trong xã hội, tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, nhân quyền ở miền Nam. Nó còn là những nhát kiếm đâm vào tử huyệt của chế độ Sài Gòn vốn bị ngoại bang chi phối và rệu rã vì tham nhũng, bè phái, cơ hội... Tranh biếm của anh đã được nhiều tờ báo danh tiếng của Mỹ, phương Tây thời đó đăng lại và khi mới 30 tuổi, anh đã được gọi là “ký giả quốc tế”.

Nhìn lại di sản của Huỳnh Bá Thành đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chúng ta càng ngưỡng mộ, thương tiếc cho một bậc tài hoa, một nhân cách lớn đã ra đi khi vừa chớm tuổi 50 (25-1-1993). Báo CATP luôn tự hào có một Tổng biên tập như anh - một nhà báo của dân nghèo và được đông đảo dân nghèo kính trọng, thương yêu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang