Điện là mặt hàng... lạ!
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phàn nàn rằng ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ.
“Tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Đó là điệp khúc mà có lẽ ra đời từ khi khai sinh ra ngành điện của nước nhà”, đại biểu Cương mô tả.
Theo ông Cương, việc tăng giá điện không phải là không có lý, nhưng lẽ ra việc tăng gia điện khiến người dân được lợi, vì về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và một khi có nhiều doah nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ hạ.
Tuy nhiên, đại biểu Cương thắc mắc, cái quy luật đúng với mọi ngành này lại không đúng với ngành điện.
Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, tăng giá điện là vấn đề không mới nhưng luôn là vấn đề đặt ra với Quốc hội và nhân dân cả nước.
“Chúng ta điều chỉnh giá vào tháng 8-2013, suốt 2014 giữ giá ổn định, đến tháng 3-2015 mới điều chỉnh tăng 7,5%. Việc điều chỉnh giá là nằm trong chủ trương đưa theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện, khi giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi thì xem xét điều chỉnh giá điện, còn các yếu tố khác có thay đổi thì tùy từng điều kiện cụ thể phải xem xét mới được điều chỉnh”, Bộ trưởng Hoàng lý giải.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Cũng theo người đứng đầu ngành Công thương, Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh dưới 10% thì giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trên 10% mới báo cáo Chính phủ. Vừa rồi, Bộ Công thương đề nghị 3 phương án (tăng 7,5%; 9,5% và 12%), chúng tôi có tổ tư vấn liên ngành (4 Bộ) tham mưu vĩ mô, nghe ngành điện trình bày và báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện chứ không chỉ có Bộ Tài chính, Công Thương.
Bao giờ xóa được độc quyền trong kinh doanh điện?
Nói về lý do “giá điện chỉ tăng chứ không giảm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích, giá điện hiện nay mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành. Trước đây do duy trì bao cấp, chưa phải là giá thị trường nên giờ phải điều chỉnh giá theo thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trường Hoàng khẳng định, ngành điện không dám tăng thường xuyên theo thị trường mà phải đảm bảo ổn định an sinh xã hội.
Ông Lê Hoàng Vui (53 tuổi, ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, Cần Thơ):
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, giá điện, giá xăng tăng phù hợp. Là người kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn nhưng giá điện tăng, giá xăng tăng, chi phí tăng. Mỗi lần tăng giá xăng, giá điện, doanh nghiệp như ngồi “đống lửa”. Người dân cần tính minh bạch trong giá điện, giá xăng dầu.
Trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương chưa thuyết phục gây nghi ngờ cho người tiêu dùng trước lộ trình tăng giảm mà Bộ điều hành. Người dân đề nghị xóa độc quyền trong ngành điện. Bao giờ còn độc quyền kinh doanh điện, người dân sẽ vui mừng. Còn giá xăng dầu, Bộ trưởng có nói đảm bảo lợi ích hài hòa lợi ích nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp; tôi thấy lợi ích của doanh nghiệp được đặt đầu tiên là đúng hơn. Người tiêu dùng xếp cuối cùng nên khó khăn chồng cất.
Thiện Thảo (ghi)
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương tiếp tục chất vấn: “Vấn đề tôi đặt ra là bao giờ xóa được độc quyền trong kinh doanh điện? Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về lộ trình vào năm 2016. Nếu nói 2016 xóa bỏ được độc quyền kinh doanh điện thì rất đáng mừng”.
Đáp từ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2016 sẽ tính giá điện theo cơ chế giá thị trường. Theo kế hoạch, năm 2016 thí điểm bán buôn điện cạnh tranh, từ năm 2021 thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh, lúc đó người mua điện được tự do mua điện của những nhà sản xuất phù hợp với yêu cầu của mình.
Ông Trần Văn Hai (46 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang):
Tôi bất ngờ khi nghe Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng phê duyệt dự án thủy điện không lường hết tác động môi trường. Tôi thật bất ngờ, một dự án được phê duyệt bao giờ có đánh giá tác động môi trường. Tôi đề nghị xem xét trách nhiệm của những người lập và phê duyệt dự án.
Thiện Thảo (ghi)
Xăng dầu đang đi đúng hướng?
Liên quan đến mặt hàng thường hay “gây bão” sau mỗi lần điều chỉnh là xăng, dầu, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) khẳng định, kinh doanh xăng dầu ở nước ta không theo cơ chế thị trường bởi Nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với quy luật của thị trường.
Vì thế, đại biểu Nam đề nghị Bộ trưởng Công thương nêu biện pháp tham mưu cho Chính phủ chuyển cơ chế điều hành xăng dầu như hiện nay sang cơ chế thị trường giống như các nước trong khu vực.
Điện và xăng dầu là hai mặt hàng hết sức đặc biệt, liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Ảnh minh họa
Làm rõ yêu cầu này của đại biểu Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin, giá xăng dầu được điều hành theo quy định của Nghị định 83. “Dù còn có một số ý kiến chưa thống nhất nhưng theo đánh gia chung, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83 đã từng bước đưa mặt hàng này theo giá thị trường và có tính tới yếu tố quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Để làm rõ hơn yếu tố “Nhà nước quản lý”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân trần, vì giá xăng dầu cũng là yếu tố tác động tới đời sống nên bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng đã sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn giá để trong trường hợp phải tăng giá thì mức tăng không ảnh hưởng nhiều tới người dân và đời sống xã hội.
“Tôi đồng tình với quan điểm cho rằng điện, xăng dầu nếu biến động sẽ ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người dân và sản xuất nên chúng tôi sẽ cố gắng vừa thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước, vừa đáp ứng được yêu cầu của đời sống và sản xuất”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận, điện và xăng dầu là hai mặt hàng hết sức đặc biệt, liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Tăng giá 2 mặt hàng này dù ít cũng đều tác động đến cuộc sống của người dân.
“Chúng ta nhất quán thực hiện theo cơ chế thị trường. Riêng với hai mặt hàng này còn có thêm “sự quản lý của nhà nước”. Mỗi khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm được giao chủ trì, chúng tôi rất băn khoăn nên chúng tôi cố gắng tính toán rất chặt chẽ, cố gắng không bù giá, làm sao giảm tác động đến người dân”, Bộ trưởng chia sẻ.
Các Bộ trưởng chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý ngành
Chia sẻ với báo chí về phần trả lời chất vấn của hai Bộ trưởng đăng đàn, nhiều đại biểu lưu ý các Bộ trưởng cần làm rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM):
“Cá nhân tôi chưa hài lòng phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp căn cơ cho vấn đề nông nghiệp trong khi các nước có rất nhiều cách làm khoa học. Chúng ta có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, hơn nữa thế giới có nhiều giống cây, con được kiểm nghiệm trong thực tiễn sản xuất mình có thể đưa về áp dụng vì sao không về được? Vì sao người nông dân cứ phải loay hoay tìm giống này sang giống khác một cách tự phát như vậy. Đó là trách nhiệm của chúng ta, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng nông nghiệp”.
|
|
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về vấn đề liên kết “bốn nhà”:
“Tôi hỏi bốn nhà thì nhà nào đóng vai trò chính, là nhạc trưởng, Bộ trưởng nói là nhà doanh nghiệp. Đúng là nhà doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, nhưng theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp có phải là nhạc trưởng để làm chuyển biến tình hình hay không thì rõ ràng là một vấn đề cần suy nghĩ”.
|
|
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Đà Nẵng:
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời còn thụ động, chưa bao quát. Từ khi Bộ Thủy sản (TS) nhập thành Bộ NN&PTNT, dường như nhiều mảng quá nên việc chỉ đạo mảng TS không còn sâu sát như trước nữa.
Như Nghị định 67 của Chính phủ về TS, ngư dân rất mừng, thỏa lòng mong ước nhờ có nhiều chính sách mới ưu tiên cho ngư dân nhưng dường như vẫn còn vướng mắc nên đến nay số lượng ngư dân đóng mới tàu thuyền còn ít. Ở Đà Nẵng từ đầu năm 2014 khi thực hiện chỉ thị đến nay mới được 4 tàu được phê duyệt, 1 tàu vỏ gỗ đang đóng, còn 3 tàu vỏ sắt đang làm thủ tục. Hay nói việc xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá ở Đà Nẵng nhưng đến nay vẫn chưa thực thi…
Hay như ở lĩnh vực con tôm cũng rất nhiều bất cập, ngành tôm bị sụt giảm, không đủ sức cạnh tranh như trước. Giá tôm Việt Nam hiện vẫn đắt hơn Ấn Độ, thức ăn cho tôm ở Việt Nam cũng cao hơn ở Ấn Độ, Thái Lan, tôm giống Việt Nam phụ thuộc nước ngoài nên giá bao giờ cũng cao hơn…Tôi có cảm tưởng dường như Bộ NN&PTNT chưa chú trọng làm việc này.
Xuân Hoài (ghi)
|
|
Ông Đặng Công Thắng- Phó chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng:
Giống, vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, trong khi đó đầu ra thì lại giảm.Có lúc sản xuất được nhiều, thủy hải sản khai thác, đánh bắt được nhưng qua nhiều trung gian nên giá lại bị “bóp” lại khiến người nông dân bao giờ cũng gặp khó. Bài toán đầu tư và thị trường nói mãi rồi cũng gặp khó khăn. Bởi vậy, nhà nước phải có chính sách thị trường gắn với quy hoạch, cần tìm đầu ra trước để người nông dân chủ động sản xuất, đầu tư.
Xuân Hoài (ghi)
|
|
Ông Hoài Hãn (42 tuổi, ngụ xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang):
Đã 40 năm đất nước giải phóng, người dân và doanh nghiệp phải chờ giải pháp căn cơ để phát triển tiềm năng sẳn có. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương phải xuất tiến mở rộng thị trường nông sản. Việt Nam được xem nước xuất khẩu gạo thứ nhất thừ nhì trên Thế giới nhưng chưa có thương hiệu. Bên cạnh đó, thế mạnh về thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Tôi mong muốn Bộ trưởng Bộ Công thương phải trả lời thiết thực hơn và phải thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội. Bộ trưởng không thể đỗ lỗi, người dân trồng ồ ạt, thu hoạch không đúng thời điểm, sản phẩm không đạt chất lượng được khi mà mình là “thuyền trưởng.
Thiện Thảo (ghi)
|
|
Bà Lê Thị Ngân (62 tuổi, ngụ xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau):
Khi chính quyền địa phương triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như phong trào toàn dân xây dựng văn hóa hơn 10 năm trước. Mới ban đầu phát động rầm rộ nhưng để có hiệu quả thiết thực không phải dễ dàng. Tôi đồng tình với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quá trình thực hiện còn khó khăn nhưng giải quyết khó khăn đó bằng cách nào chưa được nghe cụ thể. Không khéo một chương trình lớn sẽ “chạy theo phong trào, chạy theo thành tích.
Thiện Thảo (ghi)
|
|
Ông Nguyễn Phương Thuận (44 tuổi, ngụ phường 3, TP.Sóc Trăng):
Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận chưa quyết liệt trong việc tìm giống và tổ chức sản xuất để người dân khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm. Chúng tôi đề nghị có biện pháp căn cơ phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Hiện người dân không còn thiết tha với cây lúa bởi quần quật một nắng hai sương ngoài đồng nhưng không đủ cái ăn. Trả lời câu hỏi làm gì để ổn định đầu ra cho nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức phát trả lời chung chung: Sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; duy trì, giúp đỡ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm tránh để nông sản giảm giá quá sâu, thua lỗ... không thuyết phục.
Thiện Thảo (ghi)
|