Phóng sự xã hội

Theo chân "Phá sơn lâm"

Thứ Sáu, 12/06/2015 11:24  | Đào Văn

|

(CAO) Trời chiều, cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo đến. Anh Thắng loay hoay sửa lại cái chòi tạm bợ, dựng ven đê thuộc lâm phần (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau). Mỗi cơn gió lùa qua, mái nhà được dựng bằng tấm cao su nghe ào ào… Xóm tạm bợ ven rừng bỏ bữa cơm chiều.

XÓM TẠM BỢ VEN RỪNG

Cả xóm tạm bợ ven rừng trở nên tất bật. Mấy đứa trẻ không bỏ cơ hội mình trần trùng trục rủ nhau tắm mưa. Ngồi trong căn chòi của anh Thắng, tiếng mưa rơi lộp độp. 

Anh Thắng cho biết, anh năm nay 36 tuổi nhưng có thâm niên nghề “phá sơn lâm” ngót gần chục năm. Cũng như những cư dân ở xóm này, hành trang họ là chiếc ghe tam bản. Nơi họ đến là cánh rừng già đang cần người khai thác.

Một góc xóm ven rừng tại lâm phần thuộc huyện Ngọc Hiển - Ảnh: Đào Văn

Anh Thắng cho biết, quê quán anh ở vùng ven biển Bạc Liêu. Không vốn, không đất,… anh quyết mưu sinh bằng kiếp thương hồ. Do không rành buôn bán, anh Thắng lỗ nặng.

Vậy là, để có cơm bỏ trong bụng, anh chuyển nghề “phá sơm lâm” bằng cây cưa và sức lao động lênh đênh trên sông nước. Khi được thuê chặt cây rừng, anh dựng chòi tại rừng để vợ con che nắng che mưa.

Căn chòi khoảng 10 m2 nhưng có đến bốn thế hệ sinh sống - Ảnh: Đào Văn

Tờ mờ sáng, anh thức dậy sớm để mài lưỡi cưa, rồi nuốt vội bát cơm nguội vào rừng. Vợ anh ở nhà nấu cơm cho hai đứa con ăn. Đến trưa lại ra rừng chở gỗ cưa  được ra bờ đê cho chủ.

“Chặt cây rừng để rừng mới sinh sôi nhưng những người như chúng tôi vẫn hoàn nghèo. Trời mưa còn dễ chịu nhưng nắng thì nóng như lửa. Tụi tui quen câu, sống ở rừng, ăn ở rừng…” - anh Thắng tâm sự.

Anh Thắng chuẩn nuốt vội cục cơm chuẩn bị ra rừng - Ảnh: Đào Văn

Tuy cực khổ vất vả là vậy nhưng tìm hiểu của chúng tôi, tiền công của họ chỉ đủ cơm ngày hai bữa. Anh Thắng nhẩm tính, trung bình mỗi ngày lao động cận lực được 150.000 đồng, gạo mua ở chợ,… nên hết mùa khai thác không dư dã bao nhiêu. Dọc xóm tạm bợ ven rừng, nhiều hộ trong hoàn ảnh với anh Thắng. Nghĩa là không đất, không nghề,… mưu sinh bằng nghề "hạ bạc", bán sức lao động.

Tôi có dịp tháp tùng cùng với “phá sơm lâm”. Mỗi người dụng cụ chỉ là cây cưa bằng tay cuốc bộ gần cả chục cây số vào rừng, mới đến khu vực được phép khai thác thuộc Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển.

Đây là khu rừng đước già được phép khai thác để trồng mới. Mỗi “phá sơn lâm” trước khi chặt phải xác định hướng cây ngã. Sau đó, chặt nhánh, cưa ra từng khúc để vận chuyển ra đê.

Sau khi cưa xong, cây rừng phải vận chuyển ra đê cách đó gần cả chục cây số - Ảnh: Đào Văn

Để có được 150.000 đồng một ngày không phải dễ dàng. “Phá sơn lâm” Đức vừa cưa xong một cây đước, gương mặt anh nhễ nhại giọt mồ hôi, cánh tay chai sần bởi có 15 năm theo nghề.

Cũng như anh Thắng, nơi nào có cánh rừng già nua cần khai thác, anh Đức tìm đến. Hớp vội ly nước lạnh, Đức giải bày: “Nghèo lắm mới theo nghề này anh ạ. Bao năm nay, em có ước mơ có chỗ ở ổn định để trồng lúa, nuôi cá như bao người bình thường khác có được đâu. Cái nghiệp không bao giờ dứt ra được”.

Đức quê quán ở Thất Sơn, An Giang. Sau khi lập gia đình với cô bạn nghèo cùng quê, Đức bán nhẫn cưới và tài sản bao năm dành dụm để mua cái ghe, cây cưa lênh đênh sông nước.

Cả cha và mẹ đều đi làm, đứa trẻ này phải trông giữ em - Ảnh: Đào Văn

Hai vợ chồng nhịn ăn xuôi về vùng đất cuối miền cực Nam của Tổ quốc để mưu sinh. Đức nói: “Năm vừa rồi, em giành dụm được vài chục triệu định giải nghệ. Em đang kêu bán cái ghe thì người tính không bằng trời tính. Vợ em bệnh phải điều trị. Bao năm vợ chồng cận lực dưới tán rừng bằng một tuần vợ em nằm viện”.

Mấy tháng trước, xóm ven rừng xôn xao tin ông Năm Hùng gãy chân giải nghệ. Tội nhất là mấy đứa trẻ theo chân gia đình vào rừng. Các em không được đến lớp nên khái niệm con chữ chỉ là mong ước.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, các em phải theo cha mẹ tất bật cho cuộc mưu sinh. Chị Thuý, vợ anh Thắng chỉ vào hai đứa con phụ khiêng những khúc gỗ lên xuồng vận chuyển ra đê cho chủ nói: “Thấy vậy bọn chúng ngoan. Mỗi lần nghe nó hỏi, mẹ ơi khi nào con được đến lớp là em rơi nước mắt. Thằng lớn, con em năm nay được 9 tuổi rồi nhưng có biết chữ đâu. Em định gởi nó cho người thân theo học nhưng hoàn cảnh nghèo, ai đâu mà nhận”.

Những đứa trẻ theo cha mẹ hành nghề "hạ bạc" không biết chữ - Ảnh: Đào Văn

Ở cái xóm này, tôi đếm sơ gần 20 chục đứa trẻ. Đứa đang tập bò, đứa giao nhiệm vụ trông em hoặc ra rừng phụ giúp khiêng cây, chặt nhánh. Nhìn gương mặt lem luốt đứng phía cửa chòi chờ cha mẹ về mà không khỏi chạnh lòng.

BỐN THẾ HỆ SỐNG DƯỚI RỪNG

Được sự giới thiệu của anh Thắng, tôi tìm đến anh Trần Văn Phương (42 tuổi). Căn chòi tạm bợ dựng bằng tấm ni-lông khoảng 10 m2 nhưng có 4 thế hệ gia đình sinh sống. Anh Phương cho biết, hàng ngày, vợ chồng anh cùng vợ chồng thằng Tính, con trai anh ra rừng.

Bà Hai, mẹ anh năm nay ngót 82 tuổi ở nhà phụ trách “hậu cần” và trông giữ ba đứa cháu. Hôm tôi đến thăm, bà Hai một tay đung đưa hai đứa cháu cố say ngủ và vừa vót những chiếc đũa nhờ người khác đem ra chợ bán. Bàn tay nhăn nheo, yếu ớt của bà lão vẫn phải cố sức lao động nhằm giúp cải thiện cuộc sống cho con, cháu.

Bà Hai ngồi vót đũa bán ngày được vài chục ngàn đồng - Ảnh: Đào Văn

Nghe tôi hỏi thăm, bà Hai nhoẻ miệng cười: “Hồi đầu giữ cháu, nấu cơm cho mấy đứa đem ra rừng ăn. Sau đó, những thân đước già bị chê, tui rãnh vót mớ đũa cho mấy đứa nó ăn cơm. Nhiều người vô hỏi mua, tui bán. Mỗi ngày kiếm phụ tụi nó được vài chục ngàn”. Theo lời bà Hai, đước càng già càng khó vót. Để có được đôi đũa bóng nhẵn, bà Hai phải tỉ mĩ từng chút.

Đang ngồi trò chuyện với bà Hai, em Trần Văn Tính trên người lấm lem bùn đất vô lấy cơm đem ra rừng cho cả gia đình ăn. Nghe tôi hỏi về dự định của mình, Tính tâm sự: “Em chẳng biết nữa. Tụi em sống ngày nào hay ngày đó. Dù sao cũng nhờ nghề “phá sơn lâm” này mà em lấy được vợ”.

Một gia đình phá sơn lâm - Ảnh: Đào Văn

Năm nay 22 tuổi, Tính vẫn không biết mặt chữ. Lúc chào đời, em đã theo cha mẹ lênh đênh trên dọc sông nước miền Tây tìm đến những cánh rừng vào mùa khai thác.

Ba năm trước trong lúc đến Ngọc Hiển khai thác rừng đước, Tính quen biết với Hằng, cũng theo cha mẹ hành nghề “phá sơn lâm”. Hai cuộc đời nghèo khó, thiếu thốn nên gặp và thông cảm, chia sẻ nhau. Hôm tổ chức đám cưới chỉ có người cùng hội cùng thuyền, uống vội ly rượu mừng rồi lại tiếp tục ra rừng, vì sợ mất ngày công lao động…

“Không bao lâu nữa, gia đình em dời chỗ. Nơi đây khai thác xong, em tìm nơi khác để mưu sinh” - Tính nói. Nói rồi, Tính từ giã tôi, nhanh nhẹn cầm thức ăn ra cho gia đình để tiếp tục hành nghề “phá sơn lâm”, bỏ lại căn chòi tạm bợ và tiếng khóc trẻ thơ như đang vồn vã gọi mẹ…

Bình luận (0)

Lên đầu trang