Quận 4:

Nước mắt người mẹ và một bản án “thiếu tình”

Thứ Ba, 10/09/2019 09:55  | Mỹ Thanh

|

(CAO) Đã từng tham dự vụ kiện dân sự “Yêu cầu thay đổi người nuôi con” tại Tòa án nhân dân (TAND) Q4, trong đó chị Trần Thanh Hải (SN 1974, ngụ P1Q4) là bị đơn, chúng tôi mới hiểu hết nỗi đau người mẹ.

CUỘC SỐNG CỦA TRẺ BỊ XÁO TRỘN

Ly hôn chồng, người phụ nữ này rời quê nhà ở Hà thành, vào Sài Gòn lập nghiệp, một mình nuôi các con nhỏ. Những tưởng cuộc sống của chị sẽ thôi sóng gió với những tháng ngày bình yên bên con, nào ngờ người cha từng từ chối chăm sóc các con bất ngờ gửi đơn kiện chị ra tòa...

Một ngày cuối tháng 6-2019, chúng tôi có mặt tại phiên xử “Yêu cầu thay đổi người nuôi con” do ông Nguyễn Hải Nam giữ vai trò chủ tọa. Hôm ấy, chị Hải phải nhập viện vì kiệt sức. Tại tòa chỉ có ông Đ.H.T (SN 1959, chồng cũ của chị Hải) đứng ở bục nguyên đơn cùng luật sư bào chữa quyền lợi cho chị Hải.

Tuy nhiên đến giờ nghỉ giải lao, chị Hải đã xuất hiện vì không yên tâm dưỡng bệnh và khóc không thành tiếng khi chồng cũ một mực đổ lỗi cho gia đình chị không chăm sóc chu đáo cho các con, chỉ với mục đích: giành lại quyền nuôi 2 con gái. Hôm ấy, phiên tòa đã tạm hoãn để 2 bên có thêm thời gian hòa giải và tự thỏa thuận.

Theo lời chị Hải, sau khi hai vợ chồng ly thân năm 2010, chị đã đưa 2 con là: Đ.T.V.L (SN 2005) và Đ.T.L.A (SN 2008) vào Nam sinh sống. Năm 2015, TAND quận Đống Đa, TP.Hà Nội công nhận việc thuận tình ly hôn giữa 2 người. Lúc đó, ông T. đồng ý giao 2 con cho chị nuôi dưỡng. Sau nhiều năm bươn chải, cuộc sống của mấy mẹ con đã ổn định trong căn hộ khang trang.

Giữa năm 2019, chị Hải vô cùng bất ngờ khi ông T. gửi đơn ra TAND quận 4, TPHCM yêu cầu được thay đổi quyền nuôi 2 con. Kể từ đó, cuộc sống của mấy mẹ con hoàn toàn đảo lộn. Sau phiên xử tạm hoãn, TAND quận 4 mở phiên tòa sơ thẩm vào ngày 26-7-2019. Một lần nữa, ông T. đưa ra lý do: chị Hải gây khó dễ khi ông đến thăm con, trong khi chị cũng đã có 1 con chung với người đàn ông khác nên không thể chăm sóc tốt cho 3 đứa trẻ cùng lúc được.

Chị Hải nhất quyết không đồng ý giao con vì nhiều lẽ: ông T. đã 60 tuổi, trong khi 2 con gái đang tuổi dậy thì nên liệu ông T. có thể thấu hiểu, chăm sóc tốt được không? Và dù có con riêng nhưng chị Hải vẫn là người mẹ đơn thân, hoàn toàn độc lập về tài chính, đủ sức lo cho cả 3 đứa trẻ khôn lớn, trưởng thành.

Điều đáng nói, tại các buổi hòa giải, cả hai cháu L. và A. đều muốn được tiếp tục sống với mẹ. Khi phiên tòa diễn ra, bản thân ông T. không chứng minh được chị Hải không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục và cản trở ông thăm con. Do vậy, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Q4 nhận định, 2 cháu ở với mẹ từ năm 2012 đến nay được chăm sóc tốt về vật chất và tinh thần, để tránh xáo trộn cuộc sống hai chị em gái phải xa nhau, đề nghị tòa bác đơn của nguyên đơn.

Cuối cùng, TAND Q4 vẫn tuyên xử: giao ông T. nuôi bé A., còn L. tiếp tục sống với mẹ. Theo nhận định của tòa, việc chị Hải nuôi 3 con sẽ vất vả nên không đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho các con; ngoài ra, việc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con lúc nhỏ; còn con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp của dân tộc được quy định tại khoản 2 điều 70 Luật Hôn nhân gia đình.

Chị Hải hạnh phúc bên các con

MONG MỘT PHÁN QUYẾT THẤU TÌNH, ĐẠT LÝ

Chị Hải chết lặng vì không thể tưởng tượng có ngày phải xa núm ruột mà mình đã chăm sóc ngần ấy năm trời. Quá bức xúc trước quyết định của tòa, chị làm đơn kháng cáo. Theo chị, có đạo lý nào buộc đứa con gái còn chưa đủ tuổi trưởng thành, chưa thể tự chăm sóc cho bản thân phải chăm sóc cha mẹ khi về già?

Trao đổi với chúng tôi, chị Hải buồn bã chia sẻ: “Tôi không ngăn cấm việc bố con gặp nhau, dù gì tôi cũng là một người mẹ hiểu chuyện nên luôn tạo cơ hội để chồng cũ vào thăm con hoặc cho tụi nhỏ ra chơi với bố vào dịp hè, Tết. Có điều là, nhiều khi ông T. chủ động gọi đến và dẫn con đi mà không thông báo với tôi nên tôi rất lo lắng”.

Ngay sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án, Viện trưởng VKSND quận 4 đã có kháng nghị, cho rằng tòa án tuyên như trên là chưa phù hợp với điều 60 Luật Trẻ em, trong đó nêu rõ: nếu trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên thì tòa phải lấy ý kiến của trẻ; trường hợp trẻ em có anh, chị, em ruột thì được ưu tiên sống cùng nhau. Hơn nữa, cả L. và A. đều dưới 16 tuổi, nên theo điều 37 Luật Trẻ em, bổn phận của các cháu là học tập, phụ giúp cha mẹ những công việc phù hợp với độ tuổi, chứ không thể áp dụng khoản 2 điều 70 Luật Hôn nhân gia đình như HĐXX đã nhận định.

Nhận thấy bản án sơ thẩm của tòa có nội dung trái với quy định pháp luật; không xem xét đến nguyện vọng, điều kiện học tập của cháu A. và nhu cầu tình cảm của 2 chị em L., A. nên VKSND quận 4 đề nghị TAND TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T.

Lần gặp chúng tôi mới nhất, chị Hải đang xốc lại tinh thần để chuẩn bị hồ sơ cho phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Chị nhớ lại, hôm tòa tuyên án, mấy mẹ con cứ ôm nhau khóc, không ai ngủ được. Đặc biệt là A. (năm nay lên lớp 6) lúc nào cũng sợ hãi, đi đâu cũng đòi mẹ và chị theo cùng, vì thế chị càng kiên quyết bảo vệ con đến cùng.

Nhìn vào thực tế bao năm qua chị Hải không nhận được trợ cấp nuôi dưỡng từ chồng cũ, bản thân chị vẫn có thể một mình chăm sóc cho các con ăn học đàng hoàng. Thời điểm này, các con của chị lại đang độ tuổi dậy thì nên rất nhạy cảm, cần có mẹ bên cạnh chỉ bảo những kỹ năng cần thiết để biết cách tự chăm sóc bản thân và bảo vệ mình khỏi mọi cám dỗ bên ngoài. Chị Hải không phủ nhận tình cảm cha con và đạo lý ở đời, nhưng dẫu gì thì tâm sinh lý của con trẻ vào lúc này rất cần có chị chở che, chăm sóc.

Câu chuyện gia đình xét về nhiều góc độ, nhiều khi chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nhưng rõ ràng bản năng của người phụ nữ, đặc biệt là người mẹ mong muốn được chăm sóc và bảo vệ các con thì không ai có thể thay thế được và cũng không ai có thể làm tốt hơn được. Những trăn trở, nỗi niềm của chị Hải về một bản án “thiếu tình” là hoàn toàn có cơ sở. Mong rằng phiên xử phúc thẩm tại TAND TPHCM sẽ đưa ra phán xét công tâm nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang