Quảng Ngãi:

Làng nghề hấp cá Tịnh Kỳ nhộn nhịp vào mùa

Thứ Năm, 23/03/2023 09:52

|

(CAO) Thời gian này, tại làng nghề hấp cá cơm ở xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang tất bật vào mùa hấp cá để làm cá khô.

Phơi cá cơm ở làng hấp cá thuộc xã Tịnh Kỳ

Từ sáng sớm, tại đầu làng của xã Tịnh Kỳ đã ngửi thấy mùi thơm nồng lan tỏa từ các lò hấp cá bay ra. Hàng chục công nhân vận chuyển hàng tấn cá cơm tươi rói từ bến cảng đưa về lò hấp để sơ chế giữ độ tươi ngon.

Công nhân đang hấp cá cơm trong lò

Ông Nguyễn Văn Tùng (xã Tịnh Kỳ) cho hay, từ đầu tháng 3 cho đến nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông hấp chín hơn 3 tấn cá cơm.

“Muốn hấp cá đạt chất lượng tốt phải thường xuyên cung cấp đủ lượng muối để đảm bảo độ mặn thì cá hấp ra mới đạt yêu cầu, sau đó công nhân đem phơi khô bán cho thương lái”, ông Tùng chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Liêu, chủ lò hấp cá ở Tịnh Kỳ cho biết, các cơ sở hấp cá đều có những chiếc thùng nhựa lớn được xếp thành dãy hàng dài chứa đầy nước đá. Cá cơm tươi được đưa từ thuyền về đem ngâm ngay vào những thùng nước này, sau đó vớt ra để ráo và bỏ vào vỉ lưới đưa vào lò hấp. Trong khi nhóm công nhân này đảm nhiệm công việc ngâm và vớt cá thì nhóm người khác đẩy xe đem vỉ cá hấp chín đi phơi nắng. Cứ như vậy, công việc hấp cá trở nên sôi nổi.

Từ thuyền trở về, cá cơm được ngâm vào thùng nước, sau đó vớt ra để ráo rồi đưa vào lò hấp

 Theo nhiều chủ lò hấp cá ở xã Tịnh Kỳ, trung bình 6 tấn cá tươi, sau khi hấp cá chín đem phơi khô thì thu về được 2 tấn cá khô. Cá cơm thành phẩm trong đó có cả loại 1 nắng được chọn lựa theo tiêu chí của thương lái: đẹp, không quá khô hoặc được loại bỏ phần đầu. Sau đó đóng gói và xuất đi các tỉnh và các thị thường nước ngoài...

Cá sau khi hấp được đưa ra phơi nắng

Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết, hằng năm, nghề hấp cá ở địa phương bắt đầu từ tháng 3 đến cuối tháng 8. Thời điểm này toàn xã có 15 cơ sở hấp cá cơm, trung bình mỗi cơ sở có khoảng từ 15 đến 20 người lao động, qua đó cũng góp phần vào tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị thủy sản sau khi đánh bắt. Về lâu dài, chính quyền xã cũng kiến nghị với các cấp mở các khu làng nghề để tập trung duy trì phát triển ngành nghề này. 

Công nhân đang phân loại cá cơm khô
Nghề hấp cá cơm giải quyết đáng kể lượng lao động tại địa phương

Bình luận (0)

Lên đầu trang