Rốn lũ miền Trung: Ruộng mới sạ biến thành ‘sa mạc’

Chủ Nhật, 18/12/2016 20:21

|

(CAO) Hàng chục hecta ruộng mới sạ, hoa màu, gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi trong đợt lũ kinh hoàng vừa diễn ra tại Bình Định khiến người dân lâm cảnh trắng tay, khốn cùng.

Ngồi trên nóc nhà chờ đoàn tiếp tế 

Đến chiều ngày 18-12, hàng nghìn ngôi nhà ở Bình Định vẫn ngập sâu trong nước lũ, chính quyền địa phương triển khai nhiều đợt cứu hộ, mang lương thực đến tiếp tế cho người dân ở những vũng bị nước lũ cô lập.

Dầm mình trong cơn mưa nặng hạt, anh Lê Tùng Châu (49 tuổi, đoàn phật tử chùa Linh Phong) cho biết: “Nước cao tới 4m, nhiều người dân phải ngồi trên nhà để chờ đoàn tiếp tế mang lương thực đến. Thấy chúng tôi là họ giơ tay vẫy vẫy. Hai ngày nay chúng tôi dùng thuyền thúng chở nhu yếu phẩm đến cho người dân ở trong vùng nước lũ, riêng hôm nay thì được 10 chuyến”.

Ngoài việc mang lương thực đến cho người dân không thể di chuyển ra ngoài, đoàn của anh Châu còn chở 4 người bị thương đến trạm xá để chữa trị. Theo anh Phong, xã Cát Tân, xã Cát Chánh… thuộc huyện Phù Cát cũng bị ngập sâu trong biển nước, hàng trăm hộ dân nơi đây bị nước lũ bao vây.

Bà Thái Thị Hương khóc nức nở khi kể về số tài sản bị lũ cuốn trôi

Còn ông Nguyễn Ngọc Trung (46 tuổi, xã Cát Tiến, H.Phù Cát) thì cho hay: “Tình hình ngập lụt kinh khủng lắm, nhà cửa ngập, khiến tài sản trôi nổi tùm lum. Ngập nặng nhất là ngày hôm qua (17-10), nước tràn vô nhà, cao hơn mặt đường cả 1m khiến toàn khu vực bị cô lập hết”.

Đưa con lên gác tránh lũ

“Nước vào nhanh quá. Khoảng 10 phút là muốn ngập lút đầu. Tôi chỉ kịp đưa hai đứa con để khỏi bị nước cuốn trôi”, chị Nguyễn Thị Hân (ngụ thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, H.Phù Cát) bàng hoàng kể lại. Do áo quần, gạo bị lũ cuốn đi nên chị Hân phải nhờ người chị gái cho 2kg gạo ăn đỡ qua ngày, còn áo quần thì hàng xóm cho mặc tạm.

Đợt lũ kinh hoàng vừa qua còn cuốn theo 2 con heo nái, 3 cái mô tơ, 1 tivi và 2 triệu đồng tiền tiết kiệm khiến ngôi nhà của chị trở nên trống hoác.

Tương tự như chị Hân, chị Đồng Thị Xuân Thủy (37 tuổi) cũng vội vàng đưa 3 đứa con của mình lên gác để không bị lũ cuốn trôi. “Trong tích tắc là nước tràn hết nhà, đồ đạc nổi lềnh bềnh, cái này nối tiếp cái khác bị cuốn đi. Tôi chẳng kịp giữ lại gì. Nhiều đồ dùng không kịp kê lên cũng ướt mem, hư hỏng”, chị Thủy kể lại.

Chợt Chánh Danh ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định trở thành nơi phơi đồ của người dân

Chiều ngày 18-12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết số người chết, mất tích trong trận lũ lịch sử tại Bình Định là 34 người. Ba người chết mới được báo cáo gồm: ông Nguyễn Văn Quốc (51 tuổi, ngụ xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn); anh Trần Long Thả (20 tuổi, ngụ xã Tam Quang Nam, H.Hoài Nhơn) và anh Đăng Quang Việt (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Lộc, H.Phù Mỹ).

Lúa mới xuống giống biến thành “sa mạc”

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần thứ 4 tỉnh Bình Định hứng chịu lũ lụt và thiệt hại nặng nề về người cũng như tài sản.

Riêng xã Cát Tài có 1.174 nhà dân bị ngập nước, 507,3 hecta lúa bị ngập úng, 161.1 hecta hoa màu bị hư hại, trong đó có 2,4 hecta hành. Ông Hồ Ngọc Liên, Bí thư xã Cát Tài cho biết: “Trận lũ vừa rồi tàn phá quá nặng nề, nhiều diện tích lúa, ớt, hành của người dân gần như bị mất trắng. Vấn đề cấp bách hiện nay là hỗ trợ người dân về lương thực, xử lý nước sạch và môi trường để tránh dịch bệnh xảy ra”.

Theo ông Liên, trận lũ vừa qua cuốn trôi gần 4.000 con vịt, 1.000 con gà, 8 con heo, sạt lở 1.500m đường bê tông và 2.500m đường đất…

Cặm cụi dọn bùn đống bùn non dày hơn 20cm trong nhà, bà Thái Thị Hương (50 tuổi, ngụ thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, H.Phù Cát) méo máo: “Hơn 700kg lúa, 3 con heo, 7 chỉ vàng và 5 triệu đồng bị nước lũ cuốn sạch rồi. Gạo không có mà ăn, áo quần cũng không còn để mà mặc. Tất cả nhờ chòm xóm giúp đỡ mỗi người một ít”.

Đồ đạc bị ngâm trong nước được người dân mang ra để ngoài nhà

Theo bà Hương, 4 trận lũ vừa qua đã làm mất trắng 2 lần sạ lúa giống của gia đình. Trong đợt này, 5 xào ruộng của chị biến thành “sa mạc” do cát bồi lên và bây giờ chị không biết lấy lúa giống ở đâu để tiếp tục gieo cấy.

Tương tự, chị Hân bị lũ cuốn trôi 2 xào lúa, 3 xào ớt, 4 xào khổ qua và 1 xào dưa leo. Còn bà Nguyễn Thị Biên (68 tuổi) thì bị mất trắng 7 xào lúa. “Đợt trước vừa xuống giống cũng bị, bây giờ bị nữa thì coi như chẳng còn gì. Nếu giờ có trồng lại lúa cũng khó vì ruộng bị bồi cát và lở dở thời vụ”, bà Biên nói.

Chị Nguyễn Thị Hân kể lại lúc đưa 2 con nhỏ lên gác khi bị nước lũ tràn vào nhà

Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Định cho biết, đến trưa ngày 18-12, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa tiếp tục xuống, riêng các sông ở Bình Định còn dao động ở mức cao.

Mực nước trên các sông như sau: trên sông Kôn tại Thạnh Hòa 7,7m, dưới BĐ3: 0,3m; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, sông Ba (Phú Yên) và sông Cái Ninh Hòa (Khánh Hòa) ở mức BĐ1-BĐ2.

Dự báo, đêm 18-12, các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến 20-40mm, có nơi trên 50mm. Người dân cần đề phòng lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận có khả năng lên lại.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và các nhu cầu thiết yếu cho nhân dân vùng ngập lũ; dọn vệ sinh môi trường ngay khi nước rút.

Để chia sẻ một phần khó khăn cùng người dân Bình Định trong đợt lũ lịch sử, ngày 18-12, Báo Công an TP.HCM dành tặng 40 phần quà với tổng trị giá 30 triệu đồng cho những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ ở hai xã Cát Tài và Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định).

Báo Công an TP.HCM trao phần quà từ thiện cho các hộ dân bị lũ lụt ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định
 
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang