Những nhân tố xuất sắc của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực nhận giải thưởng KOVA

Thứ Bảy, 17/12/2016 12:04  | Ngô Đồng

|

(CAO) Họ là những bác sĩ đã nghiên cứu tạo ra một loại sữa dành cho người bệnh nặng, nghiên cứu ra phương pháp sử dụng chế phẩm hồng cầu lắng đông lạnh; hay những người lính tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sáng 17-12, Lễ trao Giải thưởng KOVA lần thứ 14 đã diễn ra trang trọng tại Hội trường Dinh Thống nhất TP.HCM.

Đến tham dự có lãnh đạo của các cơ quan Trung ương và các ban ngành tại TP.HCM.

Những công trình có ích cho đời

Giải thưởng KOVA hạng mục Kiến tạo được trao cho tập thể (50 triệu đồng/giải) và 1 cá nhân (30 triệu đồng/giải). Đó là công trình khoa học đã ứng dụng mang lại hiệu quả cho cộng đồng.

Cụ thể, tập thể y bác sĩ BV Truyền máu Huyết học TP.HCM với công trình: "Đánh giá hiệu quả sử dụng chế phẩm hồng cầu lắng đông lạnh tại TP.HCM". BV đã nghiên cứu bảo quản hồng cầu bằng kỹ thuật đông lạnh ở -80 độ C với glycerol nồng độ cao, có thể lưu trữ đến 10 năm (so với phương pháp thông thường, máu chỉ có thể lưu giữ được 42 ngày). Được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, BV trở thành nơi tiên phong trên cả nước thực hiện và cấp phát sử dụng hồng cầu đông lạnh cho nhiều BV khác.

Tập thể y bác sĩ BV Truyền máu Huyết học TP.HCM

Nghiên cứu được ứng dụng lưu trữ lâu dài các nhóm máu hiếm, tạp yên tâm cho cộng đồng xã hội. Trong thời gian qua, đã cung cấp hàng trăm túi hồng cầu đông lạnh cho nhiều BV tại khu vực phía Nam, cứu các bệnh nhân máu hiếm, đặc biệt là người nước ngoài.

Giải Kiến tạo cá nhân vinh danh đóng góp của PGS TS BS Tạ Thị Tuyết Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhân dân Gia Định, với công trình tạo ra sữa dành cho người bệnh nặng kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông.

Đây là loại sữa có độ đạm cao đầu tiên ở Việt Nam được nghiên cứu để nuôi ăn bệnh nhân nặng. Lượng sữa cần nuôi ít hơn nhưng hiệu quả cải thiện dinh dưỡng tốt hơn sữa cao năng lượng trên thị trường.

Đặc biệt giá thành chỉ bằng 1/4 giúp người nghèo có điều kiện chi trả. Nghiên cứu có ý nghĩa nhân văn, mang lại lợi ích cho gia đình bệnh nhân và bệnh viện. Áp dụng từ tháng 1-2016, đến nay đã nuôi ăn thành công hàng trăm bệnh nhân cần nuôi ăn qua ống thông ở BV Nhân dân Gia Định và BV Ung Bướu.

Công trình đã đăng ký bằng độc quyền sáng chế và hướng tới thương mại hóa, đóng gộp để mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân.

Những người tử tế truyền cảm hứng nhân ái cho thế hệ trẻ

Hạng mục Sống đẹp, trao cho 2 tập thể (30 triệu đồng/giải) và 4 cá nhân (20 triệu đồng/giải), vinh danh những việc làm tử tế, cao đẹp, nhân ái,.. góp phần truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Giải được trao cho Tập thể Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân và Thiếu tá Phạm Văn Sơn, Thuyền trưởng tàu 375 (Lữ đoàn 162, vùng 4, Quân chủng Hải quân). Họ là những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc.

Trao giải cho tập thể Lữ đoàn Đặc công 126 và Thiếu tá Phạm Văn Sơn

Ngoài ra, hạng mục Sống đẹp còn vinh danh 4 tấm gương khác là Tập thể y bác sĩ khoa Phục hồi chức năng Làng Hòa bình BV Từ Dũ TP.HCM. Đây là nơi nhận nuôi dưỡng, điều trị và dạy dỗ hàng trăm trẻ em khuyết tật nhiễm chất độc da cam bị bỏ rơi.

Trao giải hạng mục Sống đẹp

Vinh danh bà Nguyễn Thị Cúc (79 tuổi), Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre lá Ba Nhất (Bình Dương). Sản phẩm mây tre lá của Hợp tác xã hiện có mặt trên 30 quốc gia; đặc biệt những người làm ra sản phẩm này là những lao động nghèo được bà Cúc cưu mang, hỗ trợ. Hơn 40 năm nay, bà Cúc đã tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động nghèo ít học, đặc biệt là lao động nữ, sẵn sàng bảo bọc những mảnh đời cơ nhỡ hay từng lầm lỡ...

Trao giải hạng mục Sống đẹp

Ông Dương Văn Ngộ (86 tuổi, TP.HCM), người đã hơn 70 năm gắn liền với lịch sử của Bưu điện Trung tâm, từ làm bưu tá đến nghề viết thuê. Ông đã viết hàng nghìn bức thư tay với 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt; giúp kết nối bốn phương,... Hình ảnh của ông góp phần tạo hình ảnh đẹp của người Việt Nam với du khách quốc tế.

Chị Trần Thị Mỹ Quyên, sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Quảng Nam, bị khuyết tật cả 2 bàn tay và 2 bàn chân do nhiễm chất độc màu da cam nhưng chị lôn nỗ lực vượt qua số phận. Hơn 12 năm nay, chị là đại diện của tổ chức hỗ trợ Nạn nhân chất độc màu da cam Việt - Pháp, lặn lội về vùng sâu vùng xa để làm cầu nối, mang giúp đỡ của mạnh thường quân quốc tế đến hàng trăm trẻ em khuyết tật, với nguồn hỗ trợ từ 2-3 tỷ đồng/năm.

Với qui mô trên cả nước, Giải thưởng KOVA gồm 4 hạng mục chính ở nhiêu lĩnh vực, giải có giá trị cao nhất lên đến 50 triệu đồng. Năm nay, giải thưởng KOVA vinh danh đóng góp của 2 công trình khoa học ứng dụng (hạng Kiến tạo); 6 tấm gương với những việc làm tốt đẹp, nhân văn (hạng mục Sống đẹp) cùng 16 sinh viên xuất sắc có thành tích nghiên cứu khoa học (hạng mục Triển vọng).

Ngoài ra, Ủy ban Giải thưởng KOVA còn trao 110 suất học bổng, mỗi suất trị giá 8 triệu đồng, cho các em sinh viên giàu nghị lực đến từ 58 trường đại học công lập trên cả nước. Các em có hoàn cảnh khó khăn như: mồ côi, bố mẹ bệnh tật, khuyết tật,... nhưng vẫn vươn lên học giỏi.

Ngoài tiền mặt, Giải thưởng KOVA còn hỗ trợ chi phí đi lại và lo chỗ ăn ở cho hơn 100 người đạt giải tử khắp cả nước về TP.HCM dự lễ trao giải.

Đặc biệt đối với sinh viên, các em còn được bố trí tham quan các điểm nổi tiếng tại TP.HCM và tham gia các lớp đào tạo kĩ năng và được giao lưu, chia sẻ để có thêm nhiều động lực tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho xã hội và cho đất nước.

Đây là giải thưởng thường niên uy tín do PGS TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA kiêm Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam và Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình sáng lập vào năm 2002.

Từ năm 2012, vị trí Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA được Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chuyển giao cho Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Qua 14 lần trao giải, Giải thưởng KOVA đã trao cho hàng trăm công trình khoa học ứng dụng, tấm gương người tốt việc tốt, cũng như trao giải thưởng/học bổng cho sinh viên trên khắp cả nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang