Người thầy trong màu áo lính của những học sinh ngỗ ngược

Chủ Nhật, 20/11/2016 00:17  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Họ là giáo viên đang công tác tại trường Giáo dưỡng số 4, xã An Phước, H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Học sinh ở đây là những đứa trẻ bụi đời, xăm trổ và gia đình đã hết “thuốc chữa”.

Quê ở Phú Thọ, cô gái đôi mươi Lưu Thị Thám vào tận Cần Thơ theo học ngành sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, cô gái trẻ mang trong mình đầy nhiệt huyết xin về ngôi trường này công tác và bây giờ đã trở thành thiếu tá.

“Năm 1998, tôi về trường nhận nhiệm vụ bổ túc văn hóa lẫn giáo dục các em. Ban đầu gặp nhiều khó khăn lắm vì hầu hết học sinh ở đây thuộc thành phần quậy phá nhưng được sự giúp đỡ của các giáo viên đi trước nên dần cũng quen”, thiếu tá Thám nhớ lại.

Thiếu tá Thám trong một buổi dạy học cho các học sinh

Theo thiếu tá Thám, dạy học sinh bình thường đã khó, nay dạy các em ngỗ nghịch, phá làng, phá xóm, gây gỗ đánh nhau thì càng khó gấp bội. “Ngoài kỉ luật, nội quy của trường, giáo viên phải khéo léo trong việc giảng dạy, định hướng tư tưởng thì các em mới từ bỏ các thói hư, tật xấu, dần dần trở thành công dân tốt”, thiếu tá Thám chia sẻ.

Trong 18 năm làm nghề giáo viên, thiếu tá Thám nhiều lần bị học sinh chống đối, thách thức, gây khó dễ. Năm 2010, trong nhóm 20 học sinh nữ do cô phụ trách nổi lên trường hợp nữ sinh tên Ken.

Với bề dày “thành tích” bụi đời, nữ sinh này tự nhận là “thủ lĩnh”, nếu học sinh nào không đồng ý hoặc báo với giáo viên sẽ bị đánh đập, riêng các học sinh còn lại phải “hầu hạ” Ken.

Phát hiện sự việc, thiếu tá Thám xin ý kiến của ban giám hiệu và tách riêng Ken ra ở một phòng riêng. “Sau thời gian chấp hành tốt, tôi đưa Ken về ở chung với nhóm nhưng sau đó lại tái phạm và phải mất nhiều thời gian dạy bảo thì Ken mới bỏ hẳn những thói xấu ấy”, thiếu tá Thám cho hay.

Đại úy Phú tâm sự với các học sinh sau những giờ làm việc, học tập tại trường

Về trường công tác từ năm 1999, đại úy Nguyễn Hữu Phú, giáo viên chủ nhiệm đội Nguyễn Văn Trỗi cũng nhiều lần “lên bờ, xuống ruộng” với các hành xử của học sinh nơi đây. Lúc mới về, các học sinh cá biệt luôn tìm cách “nắn gân” thầy Phú bằng nhiều kiểu chống đối khác nhau.

“Đa số các em đều khuyết cha, mẹ, chưa hoàn thiện về nhân cách nên mình phải đứng vai trò là người cha, người mẹ để quản lý, giáo dục về thể chất lẫn tinh thần. Phải tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của từng em để có cách hướng dẫn, giáo dục phù hợp”, đại úy Phú cho hay.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến 20-11 là học sinh cũ gọi điện chúc mừng, có học sinh thì đến tận trường để thăm thầy, cô. Tôi lấy đó là niềm vui và cũng là động lực để bám với nghề này”, thiếu tá Lưu Thị Thám chia sẻ.

Ăn chơi lêu lỏng có tiếng, Đ. N. H. H. được xem là đối tượng cá biệt của trường lẫn nơi cư ngụ. Học hết lớp 9, H. đàn đúm cùng đám bạn đi đánh lộn, gây rối trật tự công cộng. Ba mẹ của H. là giáo viên nhưng cũng đành “bó tay”.

Tháng 9-2015, H. được đưa đưa vào trường để giáo dưỡng. Những ngày đầu, H. tỏ ra bất mãn và không chấp hành nội quy nhưng với kỹ luật chặt chẽ và hướng dẫn tận tình của thầy Phú, H. dần bỏ những thói hư tật xấu và đang được nhà trường xét duyệt cho về địa phương trước thời hạn.

“Vào đây em mới hối hận vì những hành vi nông nổi của mình đã gây ra bao nhiêu điều không hay cho gia đình”, H. nói trong ân hận.

Khác với H., P. T. H. (16 tuổi, quê Cần Thơ) bị mẹ bỏ từ nhỏ nên sống với ba. Tiền làm thuê ít ỏi của người cha không đủ lo việc học hành, ăn uống hằng ngày của hai chị em. Do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người thân, H. bị kẻ xấu lợi dụng và nhanh chóng rơi vào vòng xoáy ma túy.

Nữ sinh H. luôn coi thiếu tá Thám như là người mẹ thứ 2 của mình

Hiện nay, H. là học sinh nữ duy nhất của trường và được chính thiếu tá Thám phụ trách. “Cô Thám tốt lắm. Lúc đầu em không nghe lời nhưng sau này em mới nhận ra. Cô Thám giống như người mẹ thứ hai của em vậy”, H. tâm sự.

Những ngày đầu thành lập, số lượng học sinh ở đây lên đến hơn 1.000 và hiện nay chỉ còn gần 100 em. Dù vậy, những người thầy, người cô nơi đây vẫn tận tâm với nghề gõ đầu trẻ trong màu áo lính.

Bình luận (0)

Lên đầu trang