Những người thầm lặng giữ bình yên cho dân

Thứ Sáu, 02/12/2016 12:11

|

(CAO) Trong 10 năm qua (2006-2016), tại TP.HCM, trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nổi lên nhiều tấm gương không quản mưa nắng, ngày đêm, âm thầm góp tâm sức cho sự bình yên của từng con hẻm, khu phố.

ÔNG TƯ “THÔNG TIN”

Gần 10 năm nay, ở phường An Lạc, quận Bình Tân (TPHCM), người dân thường quen miệng gọi ông Phạm Văn Tranh (SN 1948) bằng cái tên thân thương: Ông Tư “thông tin”. Vốn đam mê xe cổ nên năm 2003, ông Tư mua một chiếc La Dalat về tân trang, tính chạy loanh quanh thăm bạn bè, câu cá an hưởng tuổi già. Lúc bấy giờ, xe giống như đống sắt vụn, ông phải mất hai năm tìm kiếm nguyên, vật liệu thay thế mới đảm bảo xe vận hành tốt.

Một thời gian sau, ông Tư thắp thỏm không yên khi thấy nạn trộm, cướp, mua bán ma túy… diễn biến phức tạp. Trong khi đó, để tuyên truyền pháp luật cho người dân, cán bộ chuyên tránh phường phải lội bộ hoặc chạy xe đạp cầm loa phát rất vất vả. Vậy là, thay vì thong dong đi chơi, ông quyết định gắn thêm ampli, băng cát-sét, đầu DVD (về sau là ổ cắm USB), loa phát thanh cho chiếc La Dalat, nhờ cán bộ phường, quận thu âm giúp thông tin rồi chạy quanh các con đường trong phường An Lạc tuyên truyền tình hình an ninh trật tự, phòng chống các loại tệ nạn (ma túy, mại dâm…), cảnh giác trước thủ đoạn trộm cướp, những quy định xử phạt vị phạm giao thông…

Ông Tư “thông tin

Ông Tư đi không biết mỏi 3-4 lần/ngày, 2-3 giờ đồng hồ/lần, từ chợ An Lạc, Bến xe Miền Tây đến từng ngóc ngách trong các khu phố, nơi nào xe ông qua, bà con cũng bắt ghế ngồi nghe thông tin. Những người buôn bán thì tay làm, tai nghe. Có kiến thức pháp luật, bà con phường An Lạc cũng bắt đầu cảnh giác hơn với bọn tội phạm. Dần dần, “cổ xe tứ mã” La Dalat trở thành “đặc sản” của khu An Lạc. Chiếc xe đa năng này không chỉ cung cấp nhiều thông tin bổ ích, góp phần phòng, chống tội phạm mà còn là nơi người dân báo án.

Lần nọ, ông Tư “thông tin” dừng xe tại một khu phố có “số má”. Ông đang lui cui bắt lại mấy con ốc vít thì một chị khá quen đi tới cười cười rồi lại cái kiếng chiếu hậu soi gương, sửa tóc. Chuyện cũng bình thường nên ông không để ý mấy, chỉ đến khi quay vào xe, thấy trên nệm là tờ giấy nhỏ gấp tư, ghi vỏn vẹn mấy dòng: “Tổ A. hàng ngày từ 10 - 11 giờ khuya có một nhóm người đánh bài lừa đảo”.

Ông chạy về phường báo cho các anh công an ngay. Tối đó, ổ cờ bạc bị đánh sập. Những đối tượng xin đểu, tụ tập gây rối, ông chụp hình, ghi địa điểm làm bằng chứng cung cấp cho công an. Riết rồi người dân tin ông, có khúc mắc hay phát hiện những điều trái khoáy đều tìm cách thông báo.

Bà Trần Thị Mỹ (SN 1952, vợ ông Tư) chia sẻ: “Nhiều khi mưa gió, đường ngập tới chân, tôi kêu ở nhà nghỉ mà ổng đâu có chịu, nói trọng trách của mình làm sao bỏ được. Dăm bữa, nửa tháng lại có người chạy tới siết tay ổng cảm ơn, dúi gói xôi, bịch nước mía dặn ăn cho mát lòng, có sức đi tuyên truyền. Tôi mừng, bà con có tin, có thương ổng mới làm vậy”.

Anh Phạm Vệt Quốc Khanh tuyên truyền kiến thức pháp luật, phòng, chống tội phạm cho người dân.

“KHẮC TINH” CỦA TỘI PHẠM

Bữa chúng tôi ghé nhà, anh Phạm Việt Quốc Khanh (SN 1963), Trưởng ban Bảo vệ dân phố (BVDP) phường 15, quận Gò Vấp vừa chuẩn bị xong bữa tối cho cả nhà. Ngoài 50 tuổi, anh vẫn chưa lập gia đình mà sống cùng cha mẹ già. Nhìn người đàn ông hiền lành hết lui cui trong bếp, lại cần mẫn lau nhà, dọn dẹp đồ đạc gọn gàng, thật khó hình dung 10 năm qua, anh đã trực tiếp, phối hợp cùng cơ quan chức năng bắt giữ 92 đối tượng phạm pháp, nhất là nhóm đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Anh Khanh cười hiền: “Tôi đã được huấn luyện trong quân ngũ nên chất lính thấm vào máu, gặp cảnh bất bình thì không thể làm ngơ được”.

Năm 1979-1982, anh là du kích ấp Ngọc Lâm 2, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn 1982-1985, anh đi nghĩa quân sự, là tiểu đội trưởng hậu cần thuộc tiểu đoàn 8, Trường sỹ quan chỉ huy kỹ thuật công binh. Xuất ngũ, anh về Gò Vấp chạy xích lô ngót nghét 3 năm.

Anh Phạm Việt Quốc Khanh

Từ năm 2004-2009, anh làm đội trưởng đội dân phòng chuyên trách của phường. Khi lực lượng Bảo vệ dân phố (BVDP) ra đời, anh lại được công an và anh em BVDP tín nhiệm bầu làm trưởng ban. Hiền lành, ít nói, nhưng anh lại “lì đòn” và kiên nhẫn. Nhiều khi còn bị đối tượng đe dọa, chửi bới bằng những ngôn từ tục tĩu, anh Khanh tự an ủi bản thân: “Việc gì tốt cho dân thì ráng làm. Bà con thương mình, lãnh đạo ủy ban, công an lúc nào cũng hỗ trợ, động viên, mình không đơn độc”.

Năm 2009, từ nguồn tin của quần chúng, anh Khanh phát hiện và theo dõi dối tượng mua bán ma túy suốt mấy tháng ròng. Vào một sáng chủ nhật, khi đối tượng đang giao dịch với người chơi ma túy, anh ập vào bắt gọn khiến tên này không kịp trở tay dù trong người có súng K54 và lựu đạn.

Lần khác, tháng 7-2014, lợi dụng trời tối, một đối tượng tìm cách trộm xe máy trước nhà số 3/58 Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp. Đang trên đường đi tuần, phát hiện kẻ gian, không chần chừ mọt giây, anh Khanh liền áp sát, bắt giữ tên này giao công an xử lý. Nhiều lần giáp mặt với đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trộm cướp nguy hiểm, anh Khanh bị tấn công, đâm, đến giờ vẫn còn sẹo trên đầu và hông bên trái. Những lúc trái gió trở trời, vết thương cũ lại đau. Dẫu vậy, anh vẫn giữ tâm niệm, chừng nào còn khỏe thì còn góp sức giữ bình yên cho người dân.

Nhắc đến anh Khanh, anh Nguyễn Minh Chương (SN 1976, người dân khu phố 2, phường 15, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Ở đây, chúng tôi quý anh Khanh lắm. Dù đã có tuổi, nhưng anh luôn gan dạ, đấu tranh không mệt mỏi với bọn tội phạm. Về nhà, anh sống chân chất, nghĩa tình với ba con khu phố. Không chỉ vậy, anh còn phổ biến kiến thức phòng, chống tội phạm cho từng hộ dân, qua đó, chúng tôi hiểu biết pháp luật và cảnh giác hơn”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang