(CATP) Ngày 18/9 vừa qua, Báo CATP có bài phản ánh về nguyện vọng được cấp mã số hẻm của các hộ dân nghèo trong hẻm 369/12 Vườn Lài. Vừa qua, UBND phường An Phú Đông và đại diện các phòng ban chuyên môn thuộc UBND Q12 có mặt tận nơi để lắng nghe và ghi nhận sự khó khăn của người dân.
Theo đó, ông Lê Phan Quang Tiến - Phó chủ tịch UBND phường An Phú Đông đã cùng nhiều cán bộ xuống gặp, trao đổi trực tiếp với các hộ dân trong con hẻm 369/12 Vườn Lài. Tại buổi làm việc còn có đại diện Phòng Quản lý đô thị Q12, Công ty Điện lực An Phú Đông, Công ty Cấp nước Trung An. Sau khi khảo sát hiện trạng, ghi nhận biên bản, sẽ báo cáo lãnh đạo UBND Q12 xem xét, giải quyết vụ việc.
Tại trụ sở UBND phường An Phú Đông, bà Hoàng Thị Thịnh - cán bộ Tư pháp Hộ Tịch, ông Nguyễn Duy Doãn - cán bộ địa chính phường đã họp với các hộ dân để trao đổi, lấy ý kiến thống nhất.
Các hộ dân tại con hẻm nhỏ này đã đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống ống cống thoát nước, hố ga bố trí dọc tuyến hẻm, mặt hẻm là bê tông rộng 5m, dài 52m. Hệ thống cấp nước máy đã đầu tư hoàn thiện, có biên bản nghiệm thu và bàn giao.
Công ty Điện lực An Phú Đông có trồng 2 trụ điện bê tông cốt thép và đã làm hợp đồng mua bán điện, gắn đồng hồ điện kế cho các hộ sử dụng ổn định từ năm 2018 đến nay. Đèn chiếu sáng các hộ dân cũng gắn dọc theo con hẻm.
Đại diện phường An Phú Đông và Q12 khảo sát con hẻm vào sáng 08/10
Bảy hộ dân cũng xin nêu ra 3 khó khăn về pháp lý mà các hộ gặp phải. Thứ nhất, hẻm đất đã hình thành từ việc hộ ông Lê Anh Quang trong quá trình tách thửa cho 5 hộ đã hiến đất làm phần đường rộng 4m chạy dọc theo hẻm, thể hiện trong bản đồ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 03695, do Phó chủ tịch UBND Q12 Trần Ngọc Hổ ký, số vào sổ H02270/05 ngày 28/5/2008. Các hộ rất đồng thuận và không có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến phần đường hẻm đã hiến và tự đầu tư.
Thứ hai, do tiếp giáp hẻm lúc đó đã có một căn nhà hiện hữu của ông Trần Ngọc Thanh (SN 1960, chủ sở hữu căn nhà 369/12 Vườn Lài), thuộc thửa đất số 488, tờ bản đồ số 57, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà kiên cố. Do vướng vật kiến trúc nên các hộ trong hẻm chỉ cố gắng làm được 5m chiều rộng, không thể đủ 7m như công văn của UBND Q12 hướng dẫn.
Lối vào hẻm nghèo, cạnh căn nhà số 369/12 đường Vườn Lài, khu phố 2, phường An Phú Đông
Cuộc sống tạm bợ bên túp lều của một người dân
Thứ ba, do hoàn cảnh các hộ dân đều thuộc diện kinh tế khó khăn, chưa có nhà ở, đều đang phải đi thuê nhà trọ suốt nhiều năm trong khi để xây cầu đạt chuẩn (dẫn vào hẻm) giá từ 1,5 tới 1,8 tỷ đồng. Do vượt quá khả năng của tất cả mọi người nên các hộ dân chủ động cố gắng đầu tư làm cầu mới tạm, kết cấu bê tông, cốt thép rộng khoảng 4m, dài 6m (thay cho cầu cũ xuống cấp nghiêm trọng, đã bị gãy sập) để bà con và các cháu nhỏ trong hẻm lưu thông được an toàn.
Kết thúc buổi họp lấy ý kiến do địa phương tổ chức, các hộ dân đều rất phấn khởi, gửi lời cảm ơn tới đại diện UBND phường An Phú Đông. Họ cùng mong chờ và kỳ vọng lãnh đạo UBND Q12 quan tâm xem xét chấp thuận việc cấp mã số hẻm. Điều này giúp cho người dân nghèo có cơ sở để giải quyết các thủ tục đất đai và ổn định đời sống, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng cây lâu năm lên thổ cư, từ đó xây nhà để ở, an cư lạc nghiệp và con cái được học hành.
Anh Phạm Ngọc Thành, một người dân nghẹn ngào: "Chúng tôi khát khao có một mái ấm, căn nhà để ở, nơi sinh hoạt và học tập cho các gia đình và các cháu nhỏ. Người dân hy vọng chính quyền chia sẻ bớt khó khăn vất vả cho cảnh đi thuê mướn suốt hàng chục năm. Các hộ dân tha thiết kính mong UBND Q12 xem xét lắng nghe, thông cảm, có ý kiến chỉ đạo giúp đỡ, tạo điều kiện thông thoáng hơn, tháo gỡ cho người dân nỗi bức bách này".
Đề nghị chính quyền Q12 nên sớm xem xét mong mỏi từ các cư dân của hẻm nghèo để họ vượt qua khó khăn và ổn định trong cuộc sống.