Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm đến người dân

Thứ Sáu, 23/06/2023 23:38

|

(CAO) Sáng 23/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu đã làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TPHCM.

Báo cáo của Sở Y tế TPHCM cho thấy, về dịch bệnh Covid-19, tính từ ngày 1/1/2023 đến 20/6/2023, toàn TP cps 5.108 ca xác định, trong đó có 214 ca bệnh nặng, 11 ca tử vong (5 ca của TPHCM), tất cả các trường hợp tử vong đều là người có bệnh nền. Từ đầu tháng 5 đến nay, số ca bệnh giảm nhanh chóng. Trong tuần qua, mỗi ngày có khoảng 5-6 ca mắc mới.

Về bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 8.091 ca, thấp hơn 46.2% so cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn 33,7% so với số ca mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2018-2022; chưa ghi nhận ca tử vong tại TP.

Về bệnh tay chân miệng, số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 2.933 ca, thấp hơn 53,2% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn 45,1% so với số ca mắc tích lũy cùng kỳ giai đoạn 2018-2022; chưa ghi nhận ca tử vong trên địa bàn TP. Mặc dù chưa ghi nhận ca tử vong tại TP nhưng số ca nặng cũng gia tăng và đã phát hiện Enterovirus 71 (EV71) trong các trường hợp bệnh tay chân miệng nặng ở TPHCM và ở các tỉnh phía Nam. EV71 là tác nhân gây các vụ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018. Dự kiến số ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới.

Quang cảnh hội nghị.

Tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác: Ổn định, không ghi nhận các ca bệnh xâm nhập.

Trong thời gian qua, TP đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh như: Sở Y tế tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP; duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp.

Ngoài ra, TP duy trì thường xuyên các điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các trạm y tế, trung tâm y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời kích hoạt lại Chiến dịch bảo vệ người nguy cơ.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh các hoạt động giám sát và phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, TP tiếp tục duy trì giải pháp giám sát điểm nguy cơ, xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân và tập thể không thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết theo hướng dẫn của ngành Y tế. Từ giữa tháng 5 đến nay, TP đang thực hiện Chiến dịch Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết với nhiều hoạt động nhằm vận động sự tham gia của cộng đồng…

Cũng như hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, hoạt động phòng chống tay chân miệng được duy trì thường xuyên tại TP. Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Đối với hoạt động điều trị, TPHCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối nên ngoài việc thu dung điều trị cho bệnh nhân của TP còn tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh khác đến khám, điều trị và đặc biệt là tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng từ các bệnh viện tỉnh chuyển đến.

Về hoạt động phòng chống dịch bệnh trong 6 tháng cuối năm, TP tiếp tục duy trì các hoạt động củng cố hệ thống giám sát, phòng chống dịch và điều trị như đã và đang triển khai; tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh ở cả chiều rộng và chiều sâu; duy trì nâng cao chất lượng hoạt động giám sát hỗ trợ của TP đối với quận huyện, phường xã.

Tại buổi làm việc, TP đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành kế hoạch quản lý bền vững Covid-19; tăng cường năng lực về khám và điều trị cho các tuyến từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh hoạt động truyền thông cho các tỉnh, thành phố.

Về chuỗi cung ứng thuốc, TP kiến nghị Bộ Y tế sớm cung ứng vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng; thành lập trung tâm dự trữ thuốc quốc gia đối với thuốc hiếm, đặc trị; có phương án quốc gia trong tự chủ nguồn thuốc chế phẩm sinh học.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định, hoạt động phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm luôn được lãnh đạo TP đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm 2023 đến nay, TP đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế số ca mắc, số ca mắc trở nặng và tử vong. Thời gian tới, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân để hạn chế số ca mắc, hạn chế tiêu tốn nguồn lực.

Đối với vấn đề thành lập các trung tâm dự trữ thuốc hiếm của từng khu vực, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề xuất Bộ Y tế tận dụng nguồn lực của Bệnh viện Chợ Rẫy để phát triển thành Trung tâm dự trữ thuốc hiếm cho khu vực phía Nam.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề phát sinh về mặt tài chính khi không sử dụng hết cơ số thuốc để “giải phóng” tâm lý lo ngại cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện mua sắm, đấu thầu, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trong điều trị dịch bệnh.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao công tác triển khai phòng chống dịch của TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Với các điều kiện khách quan, năm nay tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm dự báo sẽ phức tạp hơn. Để ứng phó với tình hình, Thứ trưởng đề nghị TPHCM và các tỉnh, thành ngoài việc nâng cao cảnh giác với bệnh lý tay chân miệng ở trẻ em thì cần quan tâm đến đối tượng người lớn bởi nhiều người lớn nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng và trở thành nguồn lây trở lại cho trẻ em.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc lấy mẫu xét nghiệm đánh giá gen, chủng virus gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc các đơn vị trên địa bàn TPHCM làm công tác này để có sự đánh giá đúng các biến chủng, kịp thời có các biện pháp phòng, chống. Trong công tác giám sát dịch, cần có sự phối hợp, cung cấp thông tin giữa khối dự phòng và khối điều trị, từ đó xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Thứ trưởng cũng đề nghị TPHCM và các tỉnh, thành phải khẩn trương ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ. Song song đó, cần tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tập huấn, hỗ trợ, cung cấp kiến thức nâng cao năng lực cho các phòng khám tư nhân, cơ sở y tế ngoài công lập nhằm nâng cao kiến thức dự phòng, điều trị bệnh theo phân tầng; thực hiện tốt công tác dự trù thuốc, vật tư y tế; đẩy mạnh các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường khử khuẩn; tuyên truyền thông tin về dịch bệnh đến người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang