Người dân than giá đền bù dự án cầu Mỹ Thuận 2 quá thấp!

Thứ Năm, 09/04/2020 14:29  | An Hoà

|

(CATP) Người dân tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) gửi đơn cầu cứu đến Báo Công an TPHCM vì cho rằng, mức giá đền bù dự án "Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn cầu" đưa ra quá thấp. Ngoài ra, họ đã có đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng suốt ba tháng qua chưa có sự phúc đáp của các cơ quan chức năng.

BIÊN BẢN ĐỀN BÙ "QUÊN"... NGÀY THÁNG

Trong đơn, người dân trình bày, cuối năm 2019, Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Cái Bè (gọi tắt Ban Quản lý - BQL) đưa ra bảng giá niêm yết công khai đối với dự án.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều biên bản do ông Đỗ Thành Tâm - Phó giám đốc BQL đưa cho dân tại trụ sở liên ấp 1 và ấp Thống, xã Hòa Hưng nhưng lại không ghi... ngày giờ. Do đó, theo thời hạn 20 ngày nếu không có ý kiến nghĩa là đồng ý với cách bồi thường này (?!).

Vậy thì người dân căn cứ vào ngày giờ nào để khiếu nại (nếu có). Ngoài ra, trên biên bản này còn ghi sai địa chỉ. Chẳng hạn, người dân ngụ ấp Thống, xã Hòa Hưng lại ghi thành ấp Thái Hòa, xã An Thới Đông (cùng H.Cái Bè).

Không những giá đền bù đất thấp mà chi phí hỗ trợ cho các hạng mục như bồi thường công trình phụ, trợ cấp... cũng thấp. Đến nay, một số hộ dân nhận thấy tiền bồi thường không đủ chi phí mua đất, di dời nhà cửa nên họ vẫn chưa nhận tiền đền bù và di dời.

Các hộ dân rầu vì mức giá đền bù quá thấp, không đủ chi phí để di dời nhà

Cụ thể, hộ gia đình anh Nguyễn Trần Thanh (SN 1965, ngụ số 26 ấp Thống, xã Hòa Hưng) có diện tích 543,6m2 thuộc thửa đất số 139, tờ bản đồ số 16 đã được cấp "sổ hồng".

Theo anh Thanh, miếng đất có chiều dài 40m, tuy nhiên 20m đầu tiên giáp mặt đường thì bồi thường 2 triệu đồng/m2; 20m sau chỉ 1,6 triệu đồng/m2. Trên đất, anh Thanh còn có căn nhà tiền chế, diện tích 252m2 nhưng chỉ được bồi thường 40,57 triệu đồng (làm tròn), nghĩa là một mét vuông được bồi thường... 161 nghìn đồng. Giải tỏa xong, gia đình của anh chỉ còn 20m2, được bồi thường thêm tiền giải tỏa là 40 triệu đồng, trong khi nhiều hộ khác được nhận hỗ trợ 80 - 100 triệu đồng. Còn tiền hỗ trợ di dời đồng hồ điện, nước chính, cây kiểng anh không hề có; hỗ trợ tiền thuê nhà trong bốn tháng, mỗi tháng chỉ có 300 nghìn đồng.

Anh Thanh bức xúc: "Chúng tôi cần đền bù có giá trị tương đương căn nhà hoặc diện tích đất mà gia đình tôi đang sinh sống. Tôi không hiểu phía cơ quan chức năng vì sao mà người dân khiếu nại suốt nhiều tháng trời (gửi đơn ngày 24-12-2019 - PV) mà cứ im bặt, không phản hồi?".

Cạnh đó, gia đình anh Lê Văn Sang (SN 1973, ấp Thống, xã Hòa Hưng) mua 100m2 đất với giá 100 triệu đồng từ bảy năm trước nhưng đến nay chỉ được BQL áp mức đền bù... 37 triệu đồng.

Anh Sang kể, năm 2013 sau khi mua 600m2 đất, anh đã xây nhà cấp bốn kiên cố. Tiền thuế chuyển lên đất thổ cư cứ 100m2 là 20 triệu đồng. Tiền xây nhà là 1,3 tỷ đồng với diện tích 13 x 32m. Riêng lắp đặt máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời hơn 20 triệu đồng nhưng khi giải tỏa thì không được bồi thường. Giá đền bù tổng thể cả căn nhà chưa được 120 triệu đồng. Nếu so với mức giá thị trường thì tiền đền bù chỉ bằng khoảng 10% nên gia đình anh không đủ chi phí để di dời. Anh Sang nói, nếu có hộ khẩu tại địa phương sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng nhưng anh lại không có nên BQL không giải quyết được.

Hộ chị Đặng Thị Thùy Trang (SN 1974, ngụ 25 ấp Thống) cũng bị giải tỏa 220m2 trên cùng một lô đất nhưng mặt trước thì bồi thường 2,4 triệu đồng/m2, phía sau chỉ 1,68 triệu đồng/m2. Diện tích nhà đất được bồi thường là 550 triệu đồng (làm tròn), cộng thêm các khoảng đền bù cơ sở vật chất, hỗ trợ di dời được 1,8 tỷ đồng (làm tròn), khó mà mua được nơi mới.

Tương tự, hộ chị Phan Kim Cúc (SN 1973, ngụ 23 ấp Thống) cũng bị giải tỏa trắng 307m2, chỉ còn lại vỏn vẹn 6,1m2, tiền đền bù là 1,5 tỷ đồng (làm tròn). Nhà chị có bốn nhân khẩu, sống trên nhà đất mà ông bà cho 30 năm qua, có sổ đỏ và hộ khẩu từ lâu.

SẼ TRẢ LỜI TỪNG HỘ KHIẾU NẠI

Trước khiếu nại của người dân, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè. Theo ông Thanh, khoảng 120 hộ dân đã nhận tiền đền bù, 63 hộ chưa nhận tiền đền bù vì họ cho rằng, giá bồi thường thấp. Huyện nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân, Chủ tịch UBND huyện giải thích tại chỗ, chỉ còn một số hộ dân khiếu kiện.

UBND huyện đã cho lập tổ kiểm tra để xem xét việc này, nếu có cơ sở cơ quan chức năng sẽ có văn bản trả lời từng hộ dân để nâng giá đền bù.

Hiện tại các hộ dân vẫn không thể di dời qua nơi ở mới vì chi phí quá thấp

Tuy nhiên, khác với lời của ông chủ tịch huyện, nhiều người dân địa phương khẳng định rằng từ trước Tết Nguyên đán đến nay không thấy cán bộ hay tổ kiểm tra nào đến gặp các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại. Từ ngày 24-12- 2019, nhiều hộ dân đã gửi đơn đến Trung tâm phát triển quỹ đất (thuộc UBND H.Cái Bè). Đơn vị này đã có nhận đơn nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời cho dân.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, nhiều hộ dân bị "giải tỏa trắng" chỉ còn vài mét vuông mong muốn được cấp lô đất diện tái định cư, chỉ cần bồi thường ít tiền để yên tâm xây nhà và sinh sống. Bởi với số tiền đền bù như hiện nay, họ không thể mua được lô đất như cũ.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Cái Bè cần nhanh chóng có những phản hồi khiếu nại và đưa ra mức giá bồi thường hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân theo đúng chủ trương mà Nhà nước đã quy định.

Dự án "Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn cầu" chính thức thi công ngày 27-2-2020, có tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 3.389,6 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí đền bù giải tỏa... Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang