Sự khó khăn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh mà còn tác động đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có điều kiện tích lũy tài sản.
Giữa lúc dịch bệnh vẫn còn hoành hành, nền kinh tế cần nhiều thời gian phục hồi, nỗi lo về “tín dụng đen” lại tiếp tục bao trùm, đe doạ cuộc sống của người dân lao động.
“Miếng bánh”… khó nuốt!
Suốt từ đầu tháng 2 đến nay, anh Nguyễn Ngọc D. (30 tuổi, ngụ Q.9) liên tục gặp khó khăn vì tình hình sản xuất trì trệ. Dù là chủ của một xưởng mộc trên địa bàn, nhưng vì không nhận được bất kỳ đơn đặt hàng nào của khách, nên việc gồng ghánh nhiều khoản chi phí từ tiền nhà, tiền nhân công và cả hàng loạt những chi phí sinh hoạt khác của cả gia đình đã khiến người đàn ông 30 tuổi chịu nhiều áp lực.
Cũng vì lẽ này, anh D. trong lúc túng quẫn đã tìm đến giải pháp “hỗ trợ tài chính nhanh chóng”, được quảng cáo trên cột điện trước nhà. “A… lô! Tôi muốn hỏi thăm hình thức vay trả góp bên này thủ tục như thế nào?” – anh D. hôm ấy đang cần tiền để mua vật liệu sản xuất một đơn hàng, nên đã đánh liều gọi đến số điện thoại được quảng cáo. Từ đầu dây bên kia, một nam thanh niên nói giọng Bắc, hồi đáp nhẹ nhàng: “Đúng là mình cho vay, anh cần tư vấn gì nào?”.
Anh Nguyễn Ngọc D. kể lại với phóng viên về câu chuyện mà mình vừa trải qua
Sau khi biết anh D. có nhu cầu vay tiền “nóng” và có cơ sở kinh doanh đàng hoàng, đầu dây bên kia đề nghị sẽ trực tiếp đến xưởng gỗ của anh D. , để “làm thủ tục”. Cuộc trao đổi qua điện thoại kết thúc chóng vánh sau khi cả 2 đi đến thống nhất thực hiện thủ tục vay tiền. Một tiếng sau, xưởng gỗ của ông chủ D. xuất hiện 2 nam thanh niên ăn mặc rất lịch sự, với danh nghĩa những “chuyên viên hỗ trợ tài chính”.
Chưa ngồi nóng ghế, người này và cộng sự đã gật đầu cho anh D. vay số tiền 20 triệu đồng (theo hình thức trả góp) mà không cần bất cứ tài sản thế chấp gì. Tuy nhiên, để cuộc giao dịch này thành công, người này cũng đưa ra mức lãi suất không hề “dễ nuốt”… Theo lời thuật lại của anh D. , với số tiền 20 triệu đồng vay nóng từ 2 người lạ mặt, anh phải trả góp trong vòng 50 ngày - mỗi ngày là 560 ngàn đồng.
Một đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” ở TPHCM đang thu tiền con nợ
Chưa hết, phía dịch vụ “hỗ trợ tài chính” còn có quy định bắt buộc người vay phải đóng “2 triệu đồng phí giao dịch” và thu trước 5 ngày tiền góp. Cấn qua cấn lại, số tiền thực nhận chỉ là 15,2 triệu đồng nhưng đến 50 ngày sau, số tiền mà anh phải trả cho chủ nợ là 28 triệu đồng (!). Như vậy, với vụ cho vay này, chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ, sau một thời gian ngắn, những ông chủ nợ ngồi không cũng bỏ túi được 10 triệu đồng tiền lời (lãi suất tương đương 30%/tháng).
Ngoài số tiền mặc định phải trả, hàng loạt những điều kiện quái gở được đưa ra khiến vị chủ xưởng giật mình. Biến đây không phải là “miếng bánh” dễ nuốt như những lời quảng cáo, anh D. đã phải khước từ “ý tốt” đến từ 2 chuyên viên “tài chính” này. “Quả thật đây là một hình thức cho vay theo kiểu nặng lãi. Người dân chỉ cần sơ xảy là ngay lập tức rơi vào chiếc bẫy do các đối tượng xấu giăng ra” – anh D. tâm sự.
Liên minh “tín dụng đen”
Giữa thời điểm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp, công ty phải tạm thời đóng cửa dẫn đến tình trạng thất nghiệp đối với nhiều người, nhất là nhóm công nhân hoặc những người kiếm sống bằng công việc thời vụ. Đây cũng được xem là những “con mồi” béo bở mà những đường dây “tín dụng đen” hướng đến.
Do đặc thù nghề nghiệp, tài sản tích luỹ không có nên khi gặp phải khó khăn, đây chính là nhóm đối tượng rất dễ bị “tổn thương” trong xã hội. Lý do giải thích cho vấn đề này chính là việc, họ rất khó có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng hợp pháp. Đây chính lẽ kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng, tạo ra các liên minh “tín dụng đen”.
Đào Duy H. và nỗi lo về "tín dụng đen"
Đào Duy H. (22 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) tâm sự, H. là viên năm cuối một trường đại học tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Do hoàn cảnh khó khăn nên dù không tới trường, H. vẫn cố gắng ở lại TP bám trụ, tìm một chân phụ bán cà phê gần trường, thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng đủ chi phí cuộc sống.
Do tình hình buôn bán ế ẩm, quán cà phê này cũng phải tạm dừng hoạt động. Tới tháng đóng tiền trọ, H. không thể xoay xở nổi đành vay một khoản tiền tại công ty tài chính. Nói là công ty cho oai, thực chất đây là ổ nhóm "tín dụng đen" hoạt động trá hình.
Dù chỉ vay 5 triệu đồng nhưng mức lãi suất mà nhóm đối tượng đưa ra khá cao. Sau 2 ngày chậm trả, H. tiếp tục nhận được sự giới thiệu từ những vị chủ nợ, vay tiếp tiền của những người lạ mặt khác để tất toán khoản nợ cũ. Lo sợ không còn khả năng chi trả sẽ bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen, H. đem chuyện báo với gia đình để cầu cứu.
“Do em là sinh viên nên không thể tự mình tìm đến những khoản vay chính thống do không đủ tín nhiệm thế chấp nên mới đánh liều vay tiền xã hội” – H. kể.
Trường hợp của H. cũng chính là ví dụ điển hình cách thức “vươn vòi bạch tuột”, đưa “con mồi” vào chiếc bẫy do mình đưa ra. Con nợ sau khi rơi vào chiếc bẫy do các đối tượng gày công sắp đặt sẽ bị cuốn vào dòng xoáy nợ nần. Nợ chồng nợ, người vay tiền tiếp tục bị các đối tượng khác tìm đến để xâu xé. Và thế là, tài sản quý giá, nhà cửa, xe cộ cũng dần dần “mọc cánh” ra đi.
Đại diện một công ty dịch vụ thu hồi vốn chia sẻ, suốt từ đầu năm 2020 đến nay, công ty liên tục gặp phải những trường hợp nợ nần do rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”.
Vị này cho rằng, các ngành chức năng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng... nên phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền cấp nhà nước để đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ đồng vốn tới người dân.
“Và chỉ có khi có sự thống nhất giữa các bên, xử lý triệt để các hạn chế, rào cản trong việc giải ngân vay vốn đối với nhóm người nghèo, có tài sản thế chấp thì lúc đó nhà nước và các cơ quan quản lý mới có thể kiểm soát triệt để vấn nạn tín dụng đen” – lãnh đạo công ty này chia sẻ.
Thời gian qua các tổ chức tín dụng đen thời gian qua đã bị các ngành chức năng triệt xóa nên đã có những tín hiệu đáng mừng. Cạnh đó người dân đã phần nào cảnh giác với thủ đoạn bất nhân của bọn xấu.
Một đối tượng chủ chốt trong đường dây cho vay nặng lãi từng bị CAQ.Tân Phú bắt giữ
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của một số bộ phận người lao động, các tổ chức kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đen đã bắt đầu hoạt động trở lại. Dự đoán trong thời gian tới,diễn biến của các vụ việc này sẽ ngày càng phức tạp, khó lường, với nhiều chiêu thức tinh vi và khó đấu tranh hơn.
Thiếu tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm Giảng viên Khoa lý luận chính trị, Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an:
Có nhiều phương cách gắn với lực lượng Công an nhân dân (CAND) nhằm đẩy lùi và xử lý triệt để vấn nạn “tín dụng đen”. Song theo tôi, cách tốt nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để người dân đủ khả năng nhận ra những mối nguy của “tín dụng đen”.
Các số liệu thống kê thời gian qua đã cho thấy, nguyên nhân quan trọng nhất tạo khe hở để tín dụng đen vẫn tồn tại là do mức độ hiểu biết của người dân còn hạn chế nên họ chưa thể hình dung được tác động xấu của tín dụng đen ảnh hưởng sâu xa thế nào đối với gia đình họ cũng như trật tự an toàn xã hội.
Hiện nay, CAND có một điều kiện rất thuận lợi, đó là Bộ Công an đã và đang thực hiện chủ trương đưa cán bộ công an chính quy về xã. Đây là những cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, vì vậy sẽ là lực lượng quan trọng trong giáo dục, tuyên truyền nhằm kiểm soát loại hình này.
Ông Lý Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm an ninh Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng
Để loại bỏ loại hình “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội, góp phần ổn định xã hội, sẽ cần tới nhiều biện pháp tổng hợp khác nhau và sự bắt tay, kết hợp đồng bộ các các cấp các ngành. Đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho người dân tiếp cận nguồn vốn.
Song, tôi lại tâm đắc nhất những nhóm giải pháp gắn với sinh kế của người dân. Như đã nói, khi người dân lâm vào cảnh khó khăn, họ sẽ dễ sinh rơi vào thế túng quẫn, làm liều. Đặc biệt, dưới tác động của dịch bệnh, họ lại càng lâm vào tình cảnh khó khăn hơn.
Vậy nên, giải pháp tốt nhất là cần triển khai các gói hỗ trợ để đảm bảo sinh kế, an sinh xã hội cho họ. Như tại TPHCM, chính quyền đã có hỗ trợ kịp thời, những hộ nghèo và cận nghèo bị mất việc làm, buôn bán ế và mất nguồn hỗ trợ từ cộng đồng do tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ 3 tháng liên tục để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đồng thời các cơ quan bảo vệ pháp luật cần thường xuyên liên tục có các biện pháp đấu tranh, triệt phá các băng nhóm hoạt động dưới các hình thức tính dụng den chứ không làm theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó chính quyền địa phương, các cơ quan thông thông nên tăng cường tuyên truyền sâu rộng đúng đối tượng để người dân hiểu và nâng cao nhân thức của họ về tác hại và hậu quả khi vướng vào "tín dụng đen".