(CAO) Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp ở TP.HCM cần khoảng 155.000-165.000 chỗ làm việc, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu là chế biến lương thực, hóa chất, cơ khí, điện tử và dịch vụ.
Thị trường lao động trong nước và thế giới dự báo vẫn có những biến động trong thời gian tới.
Một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, song cũng có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ năng phù hợp. Thực tế này đòi hỏi công tác đào tạo nghề, cung ứng nhân lực chất lượng tiếp tục có bước chuyển, đổi mới hoạt động hướng nghiệp, đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường.
TP.HCM cần 165.000 chỗ làm việc mới trong nửa cuối năm 2023. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Thị trường lao động tại Việt Nam, đặc biệt là tại các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm dự báo tiếp tục có những thách thức, thay đổi cả về nhu cầu tuyển dụng lẫn cơ cấu nguồn nhân lực.
Tác động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh gặp khó do nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm sút.
Cùng với đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động tới nhiều lĩnh vực, làm thay đổi cả về cơ cấu cũng như thị trường lao động.
Một số chuyên gia nêu dẫn chứng, Tổ chức Lao động quốc tế đã dự báo trong vòng hai thập niên tới, khoảng 56% lao động tại năm quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc do tự động hóa trong các khâu, công đoạn sản xuất.
Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay tại Việt Nam cho thấy, nhiều nhà máy sản xuất gốm sứ, mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản… đã đầu tư các dây chuyền tự động hóa cao, góp phần tăng sản lượng và giảm giá thành sản phẩm, giảm thâm dụng lao động.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngắn hạn, thị trường lao động có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp tăng đơn hàng xuất khẩu. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, kinh tế thế giới cũng có biến động, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động.
Trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 155.000-165.000 chỗ làm việc, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu là chế biến lương thực-thực phẩm, hóa chất-cao su-nhựa, cơ khí, điện tử và các ngành dịch vụ chủ yếu như: thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải-kho bãi.
Đáng chú ý, nhu cầu lao động qua đào tạo chiếm trên 86% tổng nhu cầu nhân lực.
Tại Bình Dương - địa phương cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, số lao động phổ thông (không có bằng cấp hay chứng chỉ nghề chuyên môn) rơi vào tình trạng thất nghiệp chiếm tới gần 92% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Trong điều kiện thị trường lao động nhiều biến động, thách thức, lao động có tay nghề, chứng nhận, chứng chỉ nghề vẫn có lợi thế. Vì vậy, công tác giáo dục, đào tạo cần tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới để cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng, góp phần phát triển thị trường lao động hiệu quả...