TPHCM: Còn khoảng 15 điểm ngập các tuyến đường chính; 24 điểm ngập tức thời

Thứ Năm, 09/06/2022 21:32

|

(CAO) Qua theo dõi tình hình, dự báo trong năm 2022, TPHCM có khoảng 15 điểm ngập trên các tuyến đường chính; 24 điểm ngập tức thời trong mưa (nước rút dưới 30 phút) gồm các tuyến đường.

Chiều 9/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tại cuộc họp, trả lời báo chí về nguyên nhân dẫn đến tình trạng gần như toàn bộ tuyến đường trung tâm TPHCM bị ngập nặng sau cơn mưa kéo dài chiều 2/6 vừa qua, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kĩ thuật (Sở Xây dựng) Vũ Văn Điệp cho biết: Trên địa bàn TP hiện có 735 tuyến đường trục chính.

Qua theo dõi tình hình, dự báo trong năm 2022, có khoảng 15 điểm ngập trên các tuyến đường chính: Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, Quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

24 điểm ngập tức thời trong mưa (nước rút dưới 30 phút) gồm các tuyến đường: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Quốc lộ 1A, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Tân Hòa Đông.

Ngoài ra, khi đỉnh triều đạt +1,71m, có 9 tuyến đường ngập do triều gồm: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc Lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.

Đường Bùi Viện ở trung tâm TPHCM ngập nặng trong cơn mưa vưa qua

Để chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa, Trung tâm Quản lý hạ tầng kĩ thuật đã triển khai duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng phương án để tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa; tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước.

Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thống nhất các phương án điều tiết giao thông tại những điểm có khả năng ngập nặng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các phương tiện lưu thông trên đường và người dân.

Mở chiến dịch vận động người dân tiêm chủng

Thông tin về việc tiêm nhiều mũi vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng sức khỏe không, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Lê Hồng Nga nhận định, mũi nhắc lại cho người dân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Theo thời gian, kháng thể từ các liều tiêm trước đây giảm dần. Do đó, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ giúp người dân khôi phục khả năng phòng bệnh, được bảo vệ tốt hơn.

“Một khi cá nhân được bảo vệ thì cả cộng đồng sẽ được bảo vệ. Từ đó, dịch bệnh sẽ không xảy ra trên địa bàn TP”, đại diện HCDC nhấn mạnh.

Theo bà Nga, thời gian tới, ngành y tế TP sẽ mở chiến dịch vận động người dân tiêm chủng với thông điệp “Vắc xin phòng COVID-19 - Tiêm nhắc đúng lịch - Duy trì miễn dịch”.

Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế, phòng y tế tại các địa phương lập kế hoạch tiêm chủng. Trong đó, lên danh sách, lịch tiêm, các địa điểm tiêm tiêm chủng, lịch hoạt động của các địa điểm để thông báo rộng rãi, công khai đến người dân.

“Việc tổ chức tiêm chủng sẽ được tổ chức an toàn, thận trọng, đảm bảo đúng theo tất cả những quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, từ khâu bảo quản vắc xin đến khám, chỉ định, theo dõi, xử lý phản ứng bất lợi sau tiêm chủng (nếu có)”, lãnh đạo HCDC biết.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP cũng khuyến cáo, dù dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, nhưng việc đeo khẩu trang vẫn được xem là cần thiết. Đây là biện pháp dự phòng được nhiều quốc gia áp dụng nhằm kiểm soát dịch bệnh. Không chỉ COVID-19, một số bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang.

Vi phạm về nồng độ cồn chiếm gần 10% tổng số vi phạm giao thông

Liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính về nồng độ cồn, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, 5 tháng đầu năm 2022, Công an TP xử phạt hơn 18.140 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong tổng số 181.220 vi phạm về trật tự ATGT. Thống kê từ ngày 15/12/2021 đến 9/6/2022, đã xử lý 21.214 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chiếm tỷ lệ khoảng 9,6% tổng số vi phạm.

Vi phạm về nồng độ cồn đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT. Do đó, Công an TP đã có chỉ đạo các lực lượng tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Nội dung này vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo, trao đổi về việc ứng dụng mạng xã hội vào phục vụ công tác bảo đảm ANTT, Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ: Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và mạng xã hội, tháng 1/2021, Công an TP đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và sử dụng các trang mạng xã hội để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cải cách hành chính, các phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch…

Qua hơn 01 năm triển khai, Công an TP đã đưa vào sử dụng 31 trang mạng xã hội của các đơn vị cấp phòng, Công an cấp quận – huyện; 136 trang mạng xã hội của Công an phường – xã; đăng tải 3.586 tin, bài, 2.115 video, 5.184 hình ảnh; thu hút trên 5,3 triệu lượt người xem; có hơn 60.800 lượt người tra cứu thông tin vi phạm giao thông qua hình ảnh; 10.967 lượt truy cập dịch vụ công trực tuyến; 3.079 tin báo của người dân liên quan đến ANTT.

“Trên cơ sở đánh giá kết quả, Công an TP chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT; quan tâm hơn nữa việc đưa thông tin và bảo vệ bí mật Nhà nước trên các trang mạng xã hội để việc ứng dụng các trang mạng xã hội phục vụ người dân đạt hiệu quả nhất” – Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Trao đổi thêm về việc CSGT Công an TPHCM có xử phạt qua điện thoại hay không, cũng tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin: Hiện nay, lực lượng CSGT TP đang thực hiện xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trên lĩnh vực giao thông thông qua 02 hình thức: (01) Trực tiếp phát hiện hành vi VPHC để xử lý và (02) Xử phạt VPHC qua hình ảnh (được thu từ hệ thống camera quan sát, ghi hình trực tiếp của CSGT và hình ảnh do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp cho lực lượng CSGT).

Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý: “Đối với hình thức xử phạt VPHC qua hình ảnh (hay còn gọi là phạt nguội), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) sẽ gửi phiếu thông báo về hành vi vi phạm kèm theo hình ảnh đến người vi phạm bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện, chứ không gọi điện thoại, nhắn tin hoặc gửi email”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang