(CAO) Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, phù hợp với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.
Nhằm phục vụ mở cao điểm tuyên truyền việc thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an Thành phố - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Thành phố đã phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng tài liệu tuyên truyền về những lợi ích, tiện ích của việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Theo đó, lãnh đạo Thành phố khuyến khích và mong muốn người dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng đợt cao điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Việc thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo bằng Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022, đồng thời là một trong những mô hình điểm theo Đề án 06/CP trên địa bàn TPHCM đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân.
Trong đó, người dân thuộc diện được hưởng chính sách trợ cấp an sinh xã hội đảm bảo nhận trợ cấp đầy đủ, nhanh chóng, đúng số tiền theo danh sách chi trả do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp. Công tác tổ chức chi trả được thực hiện một cách khoa học và hợp lý, đảm an toàn, tiết kiệm thời gian của người nhận trợ cấp an sinh xã hội.
Về các phương thức thanh toán: Công tác chi trả ưu đãi an sinh xã hội được thực hiện bởi các đơn vị Nhà nước và dịch vụ bưu chính công ích bảo đảm tính chuyên nghiệp, được quản lý thống nhất, bảo đảm an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp.
Việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cũng đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tránh tình trạng mất cắp, giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt; sử dụng các phương thức thanh toán điện tử cũng giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước; khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham những và tội phạm kinh tế trên địa bàn Thành phố.
Nhằm tạo điều kiện, thúc đẩy việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money để nhận trợ cấp an sinh xã hội; Tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện mở tài khoản thanh toán, Ví điện tử, tài khoản Mobile Money để nhận trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký nhận chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, người dân có thể liên hệ UBND, Công an phường/xã/thị trấn nơi cư trú để được hướng dẫn, hỗ trợ.