(CATP) TPHCM, thành phố náo nhiệt bậc nhất cả nước, dòng người cuộn chảy không ngừng qua từng ngả đường tấp nập, nơi mỗi góc phố, con hẻm đều lưu giữ những câu chuyện mưu sinh. Giữa nhịp sống hối hả ấy, cốt cách người Sài Gòn vẫn vẹn nguyên: hào sảng, chân thành, nghĩa tình như một lẽ sống.
TỪ NHỮNG CHUYẾN XE CƠM GIỮA CƠN BÃO COVID-19
Mảnh đất này không chỉ là trung tâm kinh tế - văn hóa, mà còn là nơi dung chứa những phận người từ tứ phương, mở lòng đón nhận những ai tìm đến với giấc mơ đổi đời. Nhưng TP không chỉ giàu có bởi nhà cao tầng hay phố thị sầm uất, mà còn bởi một giá trị bền bỉ hơn: tinh thần sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong hoạn nạn. Nhắc đến TPHCM, không ai quên được những ngày dịch COVID-19 hoành hành, khi cả TP chìm trong nỗi lo lắng, đau thương. Nhưng ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, truyền thống tương thân tương ái, sẻ chia nghĩa tình của người Sài Gòn lại bừng sáng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Khách du lịch uống nước lạnh miễn phí trên vỉa hè ở TPHCM
Thống kê cho thấy giai đoạn cao điểm dịch bệnh năm 2021, hơn 20.000 tấn lương thực thực phẩm đã được các cấp chính quyền TP và các tổ chức thiện nguyện phân phát miễn phí đến người dân. Hơn 4.000 điểm cứu trợ từ nhỏ đến lớn mọc lên khắp TP, từ những quầy hàng 0 đồng, bếp ăn từ thiện, đến các trạm ATM gạo, ATM oxy...
Còn nhớ hình ảnh những chiến sĩ Công an, Quân đội trên những chuyến xe cứu trợ len lỏi giữa màn mưa, chuyển từng bao gạo, từng chai nước đến những khu vực bị phong tỏa. Họ không chỉ làm nhiệm vụ mà còn mang theo sự ấm áp của tình người. Bao đêm khuya, khi TP chìm vào giấc ngủ, vẫn có những nhóm thiện nguyện lặng lẽ đi trao hơn 200.000 suất cơm mỗi ngày cho người lao động nghèo, những phận đời không còn chốn nương náu giữa đại dịch. Những chiếc ATM gạo tự động, những quầy hàng 0 đồng, những tờ giấy viết vội: “Ai khó cứ lấy, ai khá góp thêm” dường như đã trở thành một phần của TPHCM, một thứ đặc sản mà không phải TP nào cũng có.

Những bình nước nghĩa tình giải nhiệt nắng nóng ở TPHCM
Không chỉ trong đại dịch, ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường, TPHCM vẫn luôn là TP của sự sẻ chia. Cứ mỗi mùa mưa đến hay khi nước triều lên, những trận ngập bất chợt ào về nhiều tuyến đường, ta lại bắt gặp những hình ảnh đầy nhân văn: người dân xúm vào đẩy xe chết máy, các tiệm sửa xe miễn phí cho người đi đường, hay những anh bảo vệ xắn tay áo giúp cụ già qua đường. Có câu chuyện nhỏ, nhưng bao quát cả tinh thần đùm bọc của TP: Một chiều mưa lớn, góc đường Phan Đình Phùng ngập nặng, một bà cụ bán vé số đứng co ro trước hiên nhà người ta. Chỉ vài phút sau, một chị chủ tiệm tạp hóa gần đó mang ra chiếc áo mưa: “Bà ơi, mặc vào cho đỡ lạnh!”. Một anh xe ôm công nghệ thì ghé tai nói nhỏ: “Bữa nay con ế cuốc, nhưng con vẫn còn đủ tiền mua tô hủ tiếu, con mời bà ăn nha”.
Mỗi năm, TPHCM có trung bình hơn 100 ngày mưa, gây ra hàng trăm điểm ngập úng lớn nhỏ. Nhưng không vì thế mà người Sài Gòn trở nên xa cách hay ngại ngần giúp nhau. Hàng loạt nhóm thiện nguyện đã chủ động phát hơn 50.000 áo mưa miễn phí cho người dân mỗi mùa mưa, giúp hàng trăm lượt xe bị chết máy mà không lấy một đồng công...

Các cháu trường mầm non tổ chứ đập “heo đất” tại Báo Công an TPHCM để gửi tặng chiến sĩ Trường Sa
NGHĨA TÌNH - DÒNG CHẢY BẤT TẬN
TPHCM không chỉ là TP của người giàu, mà còn là nơi dung chứa những người nghèo, những phận đời bấp bênh. Nhưng dù ai đến đây, họ cũng không cảm thấy mình lẻ loi. Mỗi năm, TP tiếp nhận hàng trăm ngàn lao động nhập cư từ khắp nơi đổ về. Trong số đó, không ít người bắt đầu với đôi bàn tay trắng. Nhưng chính nhờ sự bao dung, hào sảng của TPHCM, họ tìm được cơ hội mưu sinh, tìm được hơi ấm của tình người. Thực tế đã cho thấy những người lao động nhập cư - những người chạy xe ôm, bán hàng rong, công nhân xây dựng - có thể chật vật kiếm sống, nhưng luôn nhận được sự chở che từ những người không quen biết tại TP.
Ở đây, không khó để thấy cảnh một nhóm bạn trẻ cùng nhau sửa nhà miễn phí cho các hộ nghèo, nhiều quán ăn mở suất cơm 2.000 đồng để giúp người lao động; đã có nhiều trường hợp người dân đưa người xa lạ gặp tai nạn giữa đường đi cấp cứu tại bệnh viện, sẵn sàng ứng tiền viện phí dùm rồi lặng lẽ bỏ đi không để lại danh tính…

Quán cơm phục vụ bà con lao động
Trong một con hẻm nhỏ ở Quận Bình Thạnh, có một bà cụ 70 tuổi vẫn đều đặn nấu cơm mỗi ngày để phát cho người vô gia cư. Bà không giàu tiền của, nhưng giàu lòng nhân ái. Bà bảo: “Ngày xưa tôi cũng khổ, cũng được người ta giúp, giờ tôi trả ơn đời”. Đó chính là Sài Gòn - TPHCM, nơi mà những người dư dả chưa bao giờ quên những người khốn khó.
TPHCM là một TP không ngủ, nhưng không phải chỉ vì ánh đèn đô thị hay tiếng xe cộ chạy xuyên đêm. TP không ngủ vì luôn có những trái tim thao thức nghĩ về nhau. Khi một đứa trẻ bị lạc giữa trung tâm thương mại, sẽ có hàng chục người đến hỏi han, giúp đỡ. Khi một người chẳng may ngã giữa đường, lập tức sẽ có người dừng xe lại đỡ dậy. Khi một gia đình gặp hỏa hoạn, chỉ vài ngày sau, các nhóm thiện nguyện đã kêu gọi đủ tiền để họ dựng lại mái nhà. Mỗi năm, các hội nhóm thiện nguyện tại TPHCM thực hiện hàng ngàn chiến dịch hỗ trợ cộng đồng, từ giúp đỡ trẻ em vùng sâu vùng xa, xây cầu, xây trường học, đến cứu trợ người già neo đơn, người vô gia cư…
Ở đây, không ai bị bỏ lại phía sau. Và không ai xem việc giúp đỡ người khác là điều gì quá lớn lao. Người TPHCM cứ thế mà sống, mà thương nhau, tự nhiên như hơi thở. Người ta thường nhớ đến TPHCM vì những tòa nhà chọc trời, những con đường tấp nập hay những khu chợ sầm uất. Nhưng có lẽ điều đáng nhớ nhất về TP này, chính là tình người.
Có những giá trị không nằm trong bản đồ quy hoạch, không được đo lường bằng GDP, nhưng lại là thứ giữ chân con người ta mãi mãi. Nghĩa tình chính là linh hồn của TPHCM. Và chính điều đó đã giúp TP này đứng vững sau bao cơn hoạn nạn, để rồi mỗi ngày lại hồi sinh, rực rỡ hơn, ấm áp hơn.