Kênh Nhiêu Lộc sẽ xanh hơn
Không hề đơn giản, dễ dàng để hôm nay TPHCM chúng ta có một con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sạch đẹp, hai bên bờ kênh là hai con đường xinh đẹp và ấn tượng: đường Hoàng Sa và Trường Sa. Với Sài Gòn - Gia Định xưa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè là tuyến kênh lớn, đẹp nhất. Kênh dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, rồi đổ ra sông Sài Gòn.
Vì nhiều nguyên nhân, trước đó con kênh này bị hàng ngàn hộ dân chiếm dụng làm nhà ở trên hai bờ kênh, cả trên mặt kênh, hình thành khu nhà ổ chuột lớn nhất TP. Thực tế ngay sau năm 1975 con kênh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, là "điểm đen" môi trường của TP.
Bằng mọi giá, phải trả lại sự xinh đẹp, dòng nước trong lành cho con kênh này. Từ năm 1993, TPHCM đã có kế hoạch đầu tư cải tạo và xây dựng hai tuyến đường ven kênh. Mười năm sau, dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng khởi công.
Để có được công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP đã huy động nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới đến 450 triệu USD. Khó nhất là phần giải tỏa đền bù cho người dân, vì phải thực hiện việc di dời đến hơn 7.000 căn hộ, với 50.000 người dân.
Biết lợi ích của việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc, người dân đã đồng tình hưởng ứng. Giai đoạn đầu, tiến hành từ năm 1993 - 1998, giải tỏa nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường chạy dọc theo hai bờ kênh, mỗi bên có chiều dài khoảng 8km.
Từ năm 2002 - 2012, tiến hành nạo vét bùn, lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc kênh đến trạm xử lý nước thải, và lắp đặt khoảng 70km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường trong khu vực, xây dựng trạm bơm nước công suất lớn và nhà máy xử lý nước thải... Tiếp đó là xây mới cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông cùng một số hầm chui, cầu dân sinh. Công trình hoàn thiện tới đâu, cây xanh hai bên đường được trồng theo tới đó, cùng với hệ thống máy tập thể dục ngoài trời được lắp đặt...

Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Sau gần 30 năm cải tạo, xử lý môi trường, Nhiêu Lộc - Thị Nghè như khoác lên mình chiếc áo mới với mảng xanh uốn lượn theo dòng nước đã xanh trong. Nhà cửa hai bên đường Hoàng Sa, Trường Sa khang trang, đẹp đẽ hơn. Khoảng xanh và con đường đi bộ sát bờ kè là nơi mà bất cứ lúc nào, người dân cũng có thể đi dạo, tập luyện thể dục, dưỡng sinh. Nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa được tổ chức, như thả hoa đăng, đua ghe ngo, tổ chèo thuyền đưa khách du lịch nước ngoài đi tham quan dưới dòng kênh...
Kênh Nhiêu Lộc sẽ trong xanh hơn, nếu Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2025. Đây là dự án xử lý nước thải rất lớn, nhất nhì Đông Nam Á, áp dụng công nghệ tiên tiến, do nhà thầu Pháp thi công. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA 450 triệu USD - tương đương hơn 11 ngàn tỷ đồng, ngân sách TPHCM 74 triệu USD (1.572 tỷ đồng). Công suất thiết kế của nhà máy xử lý nước thải này 480.000m3/ngày đêm với lưu lượng lớn nhất 34.000m3/giờ.
Hiện nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TPHCM là 644.000 m3/ngày, mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày, với việc hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm, xử lý khoảng 70% lượng nước thải ra hàng ngày của TP.
Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với môi trường sống của người dân TPHCM. Cùng với công trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM cũng đã triển khai nhiều công trình như Tàu Hủ - Bến Nghé, đường Võ Văn Kiệt; Tân Hóa - Lò Gốm, đường Nguyễn Văn Linh...
Khi triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề cập: "Thành tựu đã qua rất đáng trân trọng, trong đó có Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhưng người dân muốn nhìn thấy nhiều hơn những công trình như vậy nữa".
Và nhiều dự án tương tự đang được triển khai như dự án xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dài 33 km, tổng vốn 8.200 tỷ đồng; dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi...
Khởi động dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm
Đặc biệt TPHCM đang khởi động lại dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, với tổng đầu tư 9.664 tỷ đồng, sau gần 20 năm chậm tiến độ. Sau khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư lên 17.230 tỷ đồng. Dự án sẽ nạo vét con rạch dài 6,2 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, cùng 3 tuyến nhánh gần 2 km gồm: nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi; làm đường 4 làn hai bên; hệ thống thu gom nước thải phạm vi 700 ha... Gần 573.000m2 đất bị thu hồi phục vụ dự án.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm dự kiến khởi công trước ngày 30/4/2025. Hiện quận Gò Vấp bàn giao 69,23% mặt bằng, quận Bình Thạnh bàn giao 87,69%. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ di dời gần 40.000 căn nhà nằm trên và ven kênh rạch thuộc 16 quận, huyện và TP.Thủ Đức (quận 4, 6, 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và TP.Thủ Đức).
Đây là cuộc di dời khổng lồ, mang tính "lịch sử" và toàn diện trong chỉnh trang, phát triển đô thị của TPHCM, hướng đến phát triển bền vững. Để đến năm 2030, TPHCM như một TP hiện đại, soi mình lên những dòng kênh xanh biếc...