Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TP.HCM, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng hơn 7 tấn rác thải và con số này không ngừng tăng lên.
Những kênh rạch bị bức tử
Thời gian qua, người dân TP.HCM vui mừng vì nhiều con kênh như Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé “thức giấc” sau một thời gian dài bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, niềm vui đó vẫn chưa được trọn vẹn vì rất nhiều kênh rạch trong tổng số 2.000 con kênh rạch trên địa bàn thành phố bị bao phủ bởi rác thải, trong đó chủ yếu là bao bì, túi ni lông.
Những con kênh, rạch bị ô nhiễm nặng nề nhất phải kể đến là rạch Phan Văn Hân (Q. Bình Thạnh), rạch Xuyên Tâm (Q. Bình Thạnh), kênh Tẻ (Q.7).... Đi dọc các tuyến kênh rạch đó, không khó khăn gì để ghi nhận hình ảnh rác thải, bao bì tràn ngập hai bờ, dưới chân cầu và miệng cống.
Rạch Xuyên Tâm (Q. Bình Thạnh) bị bao phủ bởi một “thảmrác"
Sau những trận mưa lớn, mùi rác thải bốc lên hôi thối, nồng nặc, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở đây. Bao bì, ni lông chất thành từng đống là môi trường sống thuận lợi cho ruồi muỗi, sâu bọ và nguy cơ bùng phát hàng loạt dịch bệnh.
Những bao rác “khổng lồ” xuất hiện cạnh biển “Cấm đổ rác” ở cầu Kênh Tẻ (Q.7)
Chị Nguyễn Thị Hoàng (Ngụ Q. Bình Thạnh) bức xúc: “Không hiểu sao rác thải ở đâu đổ về ngập tràn cả con rạch Xuyên Tâm này. Chúng tôi không thể chịu đựng nổi mùi rác thải. Nhiều lúc thấy nghẹt thở và khó chịu trong người. Nghe nói thành phố có dự án cải tạo lại rạch nhưng mãi vẫn không thấy tăm hơi gì. Các hộ dân ở đây sống chung với ô nhiễm và rác thải, dù hàng tháng vẫn đóng tiền thu gom rác đều đều”.
Rạch Phan Văn Hân (Q. Bình Thạnh) từ lâu “nổi tiếng” vì độ ô nhiễm do rác thải. Dòng nước ở đây chuyển sang màu đen ngòm với đủ loại rác thải, từ chai nhựa, hộp mút xốp đến rác sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù, đã được làm rào chắn nhưng người dần vẫn vô tư vứt rác xuống rạch. Do gần khu vực chợ nên tình trạng xả rác ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn. Hiện rạch Phan Văn Hân đang bị ứ đọng, biến thành ao tù, ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân.
Từ lâu, rạch Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh) “nổi tiếng” với ô nhiễm do rác thải
Tương tự, ở kênh Tẻ (dọc đoạn đường Trần Xuân Soạn, Q.7), nơi tập trung nhiều tàu ghe neo đậu, buôn bán cũng bị bao phủ bởi bao bì , ni lông ở hai bên bờ. Chính quyền đã treo biển cấm đổ rác, ghi rõ mức phạt hành chính từ 300.000 đ -400.000 đồng nhưng người dân vẫn vô tư xả rác bừa bãi xuống kênh.
Những con phố ngập rác
Đi dọc trên nhiều tuyến phố ở TP.HCM sẽ không khó để nhận ra hàng loạt bao bì, túi ni lông đựng rác thải bị vứt bừa bãi, lung tung ở các con đường, trong hẻm, ngõ ngách, dưới các chân cầu…Việc rác rưởi bị chất đống, không được thu gom ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân còn làm mất đi vẻ mĩ quan của đô thị.
Theo quan sát của phóng viên, điểm tập kết rác thải nhiều nhất là quanh các khu vực chợ và các chân cầu: Cầu Chánh Hưng (Q.8), cầu Kênh Tẻ (Q.7), Cầu Tân Thuận (Q.7)...
Điểm tập kết rác dưới chân cầu Kênh Tẻ (Q.7)
Người dân ở khu vực chân cầu Kênh Tẻ (Q.7) cho biết, họ đang sống chung với rác trong nhiều năm nay. Vào ngày nắng nóng, mùi rác bốc lên hầm hập khiến cho ai nấy đều khó chịu. Cách đây mấy năm, có các đội thanh niên tình nguyện trong chiến dịch mùa hè xanh đến thu gom, quét dọn sạch sẽ nhưng được ít hôm, đâu lại vào đấy.
Ông Hồ Bảo Ngọc (Tổ trưởng tổ khu phố 15, P.Tân Hưng, Q.7) cho biết thêm: “Bà con trong khu phố phản ánh rất nhiều vấn đề rác thải. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên phương để giải quyết nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp xử lí. Rác ở dưới chân cầu không chỉ do bà con trong khu vực thải ra mà một phần nữa là người dân ở các nơi khác đổ về nên việc xử phạt rất khó. Khu phố chỉ biết vận động bà con đổ và thu gom rác đúng nơi quy định để hạn chế ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh”.
Những túi rác thải bị vứt bừa bãi dọc các tuyến phố
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tổng khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong 9 tháng đầu năm 2014 là 1.946.953,47 tấn (trung bình 7.132 tấn/ngày) tăng 113.066,13 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại hai Khu liên hợp xử lý chất thải của thành phố là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi) và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt khoảng 100 % (bằng hai hình thức thu gom trực tiếp và gián tiếp). Trong đó, tỷ lệ trực tiếp từ các hộ dân trong nội thành khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà để rác dọc theo tuyến đường các thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh.
Hằng ngày, thành phố vẫn có lực lượng thường xuyên quét dọn, thu gom các chất thải phát sinh trên vỉa hè, dọc theo hai tuyến đường, trong các thùng rác công cộng và các bô rác. Ở khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân khoảng 70% - 80 %, do khu vực ngoại thành còn nhiều khu đất trống như ao, vườn nên một bộ phận nhỏ người dân khu vực ngoại thành tự xử lý tỷ lệ rác còn lại trong khu đất của mình.
Việc xử lí rác thải trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng kỹ thuật từ hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý chất thải chưa đồng bộ cũng như chưa có hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ để triển khai chương trình: từ tuyên truyền đến xử lý các hành vi vi phạm trong phân loại chất thải rắn. Nhiều người dân vẫn chưa có ý thức thu gom và đổ rác đúng nơi quy định.
Những con kênh, rạch đang ngày càng chết dần chết mòn vì rác thải, những tuyến phố ngập tràn bao bì, ni lông đang là bài toán nhức nhối cho chính quyền và người dân TP.HCM trong những năm gần đây. Vấn nạn “ô nhiễm trắng” luôn luôn là mối đe dọa khủng khiếp tới cuộc sống và sức khỏe của người dân trong thành phố. Mơ ước về một thành phố xanh – sạch – đẹp vẫn cháy bỏng trong lòng mỗi người dân nơi đây.