(CAO) Theo Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ 1-7-2015,chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại (đã được Ngân hàng Nhà nước công bố về mặt năng lực) bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trong trường hợp CĐT không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết .
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quy định như trên hết sức cần thiết và có lợi cho người mua nhà, góp phần minh bạch thị trường BĐS.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Hòa – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết: "khi khách hàng mua nhà đã được ngân hàng bảo lãnh rồi thì nếu rủi ro xảy ra, ngân hàng phải có trách nhiệm giải quyết cho khách hàng".
Ông Hòa nhấn mạnh "Trên thực tế, mỗi ngân hàng có tiêu chí lựa chọn khách hàng khác nhau nên rất có thể một khách hàng là chủ đầu tư không phù hợp với tiêu chí của ngân hàng này nhưng phù hợp với một ngân hàng khác .Để hạn chế, giảm thiểu rủi ro thì ngân hàng phải có sự lựa chọn đối tượng để bảo lãnh.”
Ông Hòa cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình thị trường BĐS đã ấm lên song tiềm năng rủi ro không phải là không có nên ngân hàng VBbank cũng rất dè dặt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Tỷ trọng dư nợ bất động sản trong dư nợ của ngân hàng VBBank không cao, mức lãi suất cũng tùy theo độ rủi ro. Nếu độ rủi ro cao thì lãi suất sẽ cao và tùy theo khoản vay. Ông Hòa nhận định, từ đầu năm đến nay, việc giải ngân cho khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà khá nhiều. Chính sách của Nhà nước yêu cầu các chủ đầu tư phải có ngân hàng bảo lãnh là một chính sách đúng đắn.
Trao đổi với ông Bùi Hữu Phúc- giám đốc đầu tư và phát triển Tập đoàn Novaland, một doanh nghiệp đã tiến hành ký kết việc bảo lãnh với ngân hàng SeaBank, VPBank trong một số dự án, chúng tôi được ông chia sẻ: “ Khi Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực sẽ đảm ảo hơn nữa quyền lợi của người mua nhà, củng cố niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư, giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch, bền vững, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.
"Đây là quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ người mua, bắt buộc các doanh nghiệp BĐS phải là đơn vị chuyên nghiệp, có khả năng tài chính tốt, dự án phải tốt và thanh khoản cao vì khi ngân hàng bảo lãnh họ phải thẩm định rất kỹ dự án vì thế đây không chỉ sẽ có lợi cho khách hàng mà còn có lợi cho cả bản thân chủ đầu tư vì trong thời điểm hiện nay, việc kinh doanh thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của khách hàng và uy tín của chủ đầu tư.”
Trên thực tế hiện nay, việc thị trường BĐS có sự khởi sắc cũng khiến nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn bung hàng trong thời điểm này.
Ngày 31-5-2015, công ty Cổ Phần Đầu tư Bất động sản Thanh Yến (Thanh Yến Land) đã tổ chức lễ khai trương nhà mẫu và mở bán dự án căn hộ Depot metro tower tọa lạc tại 35 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức do Công ty Phúc Lộc Thọ làm chủ đầu tư.
Sự quan tâm của khách hàng với thị trường BĐS ngày càng nhiều
Bà Hoàng Thị Ánh Loan – Phó Tổng Giám đốc Thanh Yến Land cho biết: Dòng sản phẩm chủ lực của thị trường bất động sản hiện nay thuộc về phân khúc trung bình, giá bán dưới 15 triệu đồng và hầu hết khách hàng ưa chuộng căn hộ có 2 phòng ngủ, diện tích từ 50m2 – 70 m2, giá bán từ 945 triệu/căn. Với sự phát triển của khu Đông Sài Gòn, nhất là khu vực quận Thủ Đức thì nhu cầu ở thực sẽ gia tăng ngày càng mạnh mẽ.”
Do nhu cầu của người dân tăng mạnh nên nhiều dự án cũng được hồi sinh, điển hình như dự án 6B do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư, trước đây được bán với giá khoảng 19-20 triệu đồng/m2 đã phải tạm ngưng do thiếu vốn và sức mua thị trường ảm đạm.
Nhưng nay đã tái khởi động với tên mới là The Easter Ctiy (có quy mô 33.000 m2 gồm 6 block chung cư cao 30 tầng, với khoảng hơn 1.000 căn hộ có diện tích nhỏ từ 51 - 70 m2, tọa lạc trên đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Hiện Công ty Bất động sản Nam Tiến đang phân phối dự án trên với giá bán khoảng 14,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT, giá hoàn thiện), tức khoảng 739,5 triệu đồng/căn hộ 51m2, dự kiến quý 4-2015 giao nhà.
Vừa qua, trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết: “Tổng hợp của ban chỉ đạo Trung ương về thị trường BĐS thì dư nợ hiện nay đạt 333 ngàn tỷ, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. So với 31-12-2014, qua ba tháng nhưng tín dụng BĐS đã tăng trên 10%, trong khi đó tồn kho BĐS giảm 47%. Cho nên sự ấm lên về giá cũng là điều dễ hiểu, ghi nhận cho thấy các dự án tăng 3% về giá và tại một số dự án có vị trí tốt, thanh khoản tốt thì giá có tăng lên tới 8-10%.
Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải chú ý đến việc tăng giá vì hơn ai hết qua thời gian thị trường trầm lắng, các doanh nghiệp rất hiểu sự tăng nóng về giá sẽ bất lợi như thế nào đến thị trường. Do đó, để thị trường BĐS duy trì sự phát triển lành mạnh thì các doanh nghiệp phải tạo ra được sự minh bạch để lấy lại lòng tin của khách hàng.”