Người phụ nữ 'mang nợ' nông dân nghèo

Thứ Năm, 04/06/2015 17:04  | Bích Chi

|

(CAO) "Niềm hạnh phúc nhất của tôi chính là nhiều lúc lỡ đường giữa trưa, ghé vào nhà ai tôi cũng có thể tự lục cơm mà ăn, bởi họ xem tôi như người thân trong gia đình..."

“Tôi chỉ mong ước một điều: mưa thuận gió hòa để người nông dân chăn nuôi, trồng trọt được năng suất cao. Và quan trọng hơn hết, người nông dân ổn định được tư tưởng để tự tìm lối đi cho mình”, bà Lâm Thị Có – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh  (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) chia sẻ.

Và người phụ nữ ấy vẫn đang cố gắng từng ngày làm đời sống người nông dân đi lên và thoát khỏi đói nghèo.

Bà Lâm Thị Có được người dân gọi thân thương là Cô Sáu

Đem cần câu cơm cho người nghèo

Bà Lâm Thị Có vốn là người gốc Sài Gòn. Năm 1996, bà cùng chồng và hai con về sinh sống và lập nghiệp tại ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.

Ngày đó, đời sống còn nhiều khó khăn trong khi các con còn ở tuổi ăn học, bà và chồng đã phải làm thuê cuốc mướn để sinh sống.

Mặc dù vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ nhưng tình hình an ninh trật tự nơi đây không còn là điểm nóng

Thế nhưng, “máu” hoạt động phong trào cứ như có sẵn, bà rất nhiệt tình tham gia vào công tác của hội Phụ Nữ địa phương trong vai trò là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Phước Hội.

Thấy được sự năng nổ và khả năng của bà, cán bộ địa phương nhiều lần vận động bà tham gia vào ban chấp hành Hội Nông dân xã, nhưng bà không đồng ý. Vận động bà không được, cán bộ xã quay sang “thỏ thẻ” với chồng bà, may sao, ông cũng đồng tình. Vậy là vào giữa năm 2008, bà hăng say công tác trên một mặt trận mới, trong một vai trò mới – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã.

Bà bắt tay vào giải quyết vấn đề dân sinh cho phần lớn bà con nghèo thuộc tổ 08 và 09, ấp Phước An. Đây là địa bàn có đại đa số là dân Việt kiều Campuchia, cuộc sống rất khó khăn, chủ yếu làm nghề đánh bắt cá trong lòng hồ Dầu Tiếng, thu nhập không ổn định. Đời sống thấp kéo theo rất nhiều các tệ nạn như bài bạc, số đề…rồi nạn bạo hành, thất học cũng diễn ra thường xuyên.

Trẻ con nơi đây thường mưu sinh trong lòng hồ Dầu Tiếng

Lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Chi Hội trưởng hội Nông dân ấp Phước An có một cơ sở sản xuất nhang tại gia. Bà Có đã trao đổi với bà Phụng về việc đào tạo nghề se nhang cho bà con trong ấp rồi bà Có lại tiếp tục tham mưu cho gia đình bà Phụng thành lập tổ hợp tác se nhang. Bà cũng vận động hội nông dân tỉnh, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội được 30 máy se nhang đạp chân về cấp cho các hộ nghèo trong tổ hợp tác.

Bà Nguyễn Thị Kiếm, năm nay đã hơn 60 tuổi kể: “Hai vợ chồng tôi nghèo lắm, lúc trước lên đênh trên hồ Dầu Tiếng, đánh bắt cá sống qua ngày, con cái cũng không được ăn học gì. Rồi Cô Sáu (Bà Có) kêu lên bờ, cho học nghề se nhang. Tôi đội ơn hết biết”.

Cùng tâm trạng, bà Phạm Thị Mỹ nói: “Tôi về đất này lấu lắm rồi, mà cứ nghèo mãi, làm không đủ ăn. May nhờ có cô Sáu chỉ cho nghề làm nhang mà gia đình tôi được thoát cái nghèo. Nhờ cô Sáu hướng dẫn, tôi đã nuôi thêm hồ ba ba, chuẩn bị thu hoạch lứa đầu tiên rồi”.

Nặng nợ với người nông dân

Không chỉ dạy nghề làm nhang, bà còn là người đã ra sức vận động các mạnh thường quân đóng góp xây dựng các căn nhà đại đoàn kết, xây dựng cầu bê tông nối hai tổ 8,9 với trung tâm xã, tạo thuận lợi cho việc thông thương đi lại và trẻ em đến trường được dễ dàng hơn.

Người nông dân được đào tạo nghề se nhang

Bà cũng tham mưu cùng Hội Nông dân thành lập tổ hợp tác nuôi Ba ba thoát nghèo, tự bà lặn lội đi liên hệ với các công ty tại TP.HCM để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh cho biết: “Chị Có là người có nhiều sáng kiến hay, lại rất giỏi trong vai trò tham mưu cho Hội ND và chính quyền xã”.

Ông Huỳnh Thanh Huân (ấp Phước Hội) hồ hởi: “Chị Có có phương pháp làm việc đúng, tìm môi trường cho nông dân làm việc, còn giới thiệu kỹ sư, phân thuốc cho chúng tôi nữa”.

Nghĩ đến việc dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, Bà cùng với Bà Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân đã đứng ra thành lập cơ sở may gia công tại nhà mình.

Đời sống người dân được cải thiện sau các đề án dạy nghề

Hiện nay, cơ sở may của bà có hơn 30 máy may được giao cho các chị em trong xã nhận hàng về nhà làm. Tất cả các phong trào khác của Hội Nông dân xã như Ống tre tiết kiệm, Hũ gạo tình thương… đều có sự đóng góp rất lớn của bà trong việc tham mưu và thực hiện.

Dường như cái “nợ” với người nghèo chưa hết, bà lại lên dề án xây dựng nhà ở cho bà con. “Mái ấm nông dân” với sự hỗ trợ từ doanh nghiệp Trà Hoàn Ngọc – 7 Nga và phật tử chùa Đức Quang, quận 4 TP.HCM được tiến hành. Giai đoạn đầu đã hoàn thành được 6 căn nhà bàn giao cho các hộ nghèo, neo đơn vốn dĩ phải sống trong tạm bợ trong rừng từ bấy lâu nay.

Bà Có cùng tác giả bên cây cầu mà bà vận động quyên góp

Chính sự nhiệt tình, đi sâu sát, hiểu được lòng dân, Bà Có đã trở thành người bạn thân thiết của hầu hết những người dân nghèo trong xã.

“Niềm hạnh phúc nhất của tôi chính là nhiều lúc lỡ đường giữa trưa, ghé vào nhà ai tôi cũng có thể tự lục cơm mà ăn, bởi họ xem tôi như người thân trong gia đình. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng nhất chính là khi nhận được sự giúp đỡ, nhiều người đã có tâm lý ỷ lại, chờ nhận hỗ trợ từ phía nhà nước. Do đó, việc ổn định tư tưởng chính là điều mà tôi luôn cố gắng thực hiện” bà Có chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang