Đủ kiểu tai nạn điện: Thấy mà… kinh!

Thứ Năm, 04/06/2015 08:39  | Xuân Hoài

|

(CAO) Thời gian qua, trong cả nước nói chung, tại địa bàn miền Trung nói riêng xảy ra nhiều vụ tai nạn điện hết sức thương tâm. Nhiều vụ việc tưởng chừng như hy hữu, nhưng đa phần xảy ra do lỗi chủ quan của con người…

Những vụ tai nạn điện…hy hữu

Mới đây, vào ngày 20-5-2015, tại khu vực tổ 19, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) xảy ra một vụ tai nạn điện khiến một người chết hết sức đau lòng và hàng chục hộ bị thiệt hại nặng nề.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, có hai nhân viên của Viettel đi lắp cáp truyền hình, trong lúc vứt dây cáp qua những dây điện nằm phía dưới thì bất ngờ vướng vào dây cao thế 110KV ở phía trên.

Vụ nhân viên Viettel lắp cáp truyền hình nhưng vứt dây vướng dây điện khiến 1 người chết, 60 hộ dân bị thiệt hại - Ảnh: Xuân Hoài

Tuy nhân viên đó thoát chết nhưng đã gây chập điện khiến 60 hộ dân bị hư hại, cháy nổ những thiết bị trong gia đình, hàng trăm hộ dân bị mất điện. Đặc biệt, anh Bùi Phúc Hiệp (SN 1990, trú tại P. Hoà Khánh Bắc) bị tử vong tại chỗ trong khi đang sạc pin máy tính bảng tại một quán nhậu do bị điện giật.

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 30-3-2015, em Võ Nguyễn Ngọc Minh (SN 1997, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng; học sinh lớp 12 trường PTTH Phan Chu Trinh) trong khi đang tắm thì bất ngờ bị điện giật khiến em tử vong.

Nhìn Võ Công Dương (SN 1990, trú xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị cụt tứ chi do một tai nạn điện cao thế khiến ai cũng xót lòng. Ngày 26-9-2014, anh Dương (nghề phụ hồ) đang làm nhà cho mình, khi đến phần chóp, anh Dương đang cầm thanh sắt phi 12 leo lên nhà thì vướng vào dây điện trung thế phát nổ.

Anh Võ Công Dương bị cụt tứ chi do bị tai nạn điện - Ảnh: Xuân  Hoài

Dương rơi xuống đất, bất tỉnh. Sau khi được đưa đến BV Đà Nẵng điều trị, bác sĩ cắt hai tay vào gần sát nách, cắt một chân phải lên gần tới đầu gối, và cắt bàn chân trái để cứu sống bệnh nhân, đề phòng hoại tử.

Do bị suy đa phủ tạng, nên phải tích cực lọc máu, chạy thận nhân tạo,… Gần một năm điều trị tại bệnh viện, nay Dương đã về gia đình để điều trị thêm nhưng với việc cụt tứ chi thì cuộc sống của Dương khó trăm bề…

Không chủ quan!

Ông Ngô Công Thành, trưởng ban An toàn- Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, năm 2014 trên lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Trung (TCT ĐL MT) xảy ra 4 vụ tai nạn điện trong nhân dân và trong 5 tháng đầu năm 2015 xảy ra 4 vụ tai nạn điện trong nhân dân, chủ yếu là do lỗi vi phạm của người dân. Không có vụ nào do mất an toàn lưới điện.

Theo ông Thành, một số hành vi chủ yếu dẫn đến tai nạn điện như: trẻ em thả diều vướng vào đường dây cao áp dẫn đến phóng điện gây tai nạn; trẻ em trèo bắt chim làm tổ trên đầu cột điện cao áp vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây tai nạn; các đơn vị thi công kéo sắt xây dựng nhà gần với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp để cây sắt va quẹt vào đường dây vi phạm khoảng cách an toàn gây tai nạn và đơn vị treo cáp viễn thông trên cột điện không có biện pháp an toàn cụ thể cho từng công việc trong quá trình thi công, không có người có nghiệp vụ về giám sát an toàn điện và không đăng ký công tác với đơn vị quản lý vận hành của ngành điện.

"TCT ĐL MT đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền an toàn điện đến người dân thông qua các hình thức như phát tờ rơi an toàn điện cho các hộ khách hàng sử dụng điện, tuyên truyền sự nguy hiểm về điện qua hình ảnh các vụ tai nạn điện trên các đài phát thanh truyền hình cũng như các cuộc nói chuyện tại các trường học về sự nguy hiểm của điện, các nguyên tắc về an toàn điện...", ông Thành cho hay.

Ông Thành khuyến cáo: "Các hộ dân sống gần hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cáo áp phải chấp hành nghiêm quy định. Cần đặc biệt chú ý không tự ý xây dựng, lắp đặt các thiết bị gần đường dây cao áp gây mất an toàn hoặc trèo lên cột điện mà ngành điện đã treo biển cấm hoặc cảnh báo nguy hiểm...".

Ông Thành nhìn nhận: "Qua vụ việc tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khi nhân viên Viettel đi lắp đặt cáp truyền hình ném dây thông tin vướng vào dây điện cao áp khiến một người chết, hàng chục gia đình bị ảnh hưởng, cần rút ra các bài học sau: Nhân viên lắp đặt cáp thiếu quan sát khu vực xung quanh trước khi ném dây cáp qua gây sự cố; lắp đặt cáp gần đường dây cao áp nhưng không có phương án, dụng cụ thi công... phù hợp; đơn vị viễn thông cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền đối với cán bộ thi công về sự nguy hiểm, những nguy cơ khi làm việc gần lưới điện, các nguyên tắc, yêu cầu về an toàn điện khi thi công.
Bên cạnh đó, đơn vị viễn thông cần phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện thuộc ngành điện để khảo sát tại vị trí thi công, đưa ra phương án thi công cụ thể đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, có trang thiết bị phù hợp cho nhân viên".

Bình luận (0)

Lên đầu trang