Tuy nhiên thời gian gần đây, nước trên những dòng kênh này đang có nguy cơ tái ô nhiễm. Mới đây, TPHCM đầu tư kinh phí hơn 36,5 tỷ đồng để nạo vét, khôi phục dòng nước trong xanh cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
VÉT BÙN, RÁC ĐỂ CẢI THIỆN DÒNG CHẢY
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một trong những dòng kênh chảy xuyên tâm thành phố. Con kênh này chảy qua các quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không những có nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa, mà còn giúp thu nguồn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân sinh sống thuộc lưu vực này.
Để cải tạo dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, năm 2003, UBND TPHCM đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhằm xây dựng bờ kè, làm cống tiêu thoát nước và làm đường hai bên bờ kênh. Nhờ đó, màu xanh của dòng kênh đã trở lại. Hai bên bờ kênh trồng cây xanh giống như công viên thu nhỏ chạy dọc bờ bênh. Sau khi tuyến kênh được cải tạo, khu vực này trở thành nơi sinh hoạt, tập thể dục, thư giãn cho người dân. Hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa cũng thông thoáng, tấp nập người qua lại.
Khi đưa vào sử dụng, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa, Trường Sa được mệnh danh là công trình dân sinh nổi bật trên địa bàn thành phố. Tuyến kênh có vai trò tiêu thoát nước cho các khu dân cư hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, từ ngày khánh thành, đưa vào sử dụng (18-8-2012) đến nay, con kênh không được nạo vét bùn đáy, nước kênh đang có nguy cơ tái ô nhiễm. Vào đầu mùa mưa những năm gần đây, tình trạng cá chết trên dòng kênh "xanh" liên tục diễn ra. Theo các nhà khoa học, việc hàng chục tấn cá chết nổi trên mặt nước vào đầu mùa mưa là do dòng kênh đang có nguy cơ ô nhiễm trở lại.
Đang tập thể dục trên đường Hoàng Sa, ông Nguyễn Hoàng Hải (cán bộ hưu trí P15, Q.Bình Thạnh) cho biết: Tuyến kênh "đen" ngày nào giờ đã thành dĩ vãng. Từ ngày kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo và hồi sinh, những căn nhà "ổ chuột" hai bên dòng kênh cũng "biến mất", nhường chỗ cho hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa khang trang như hiện nay. Vào sáng sớm hay chiều muộn, ông và nhiều người lớn tuổi thường ra đây tập thể dục. Còn các bạn trẻ thì đến hóng mát, đá cầu, tham gia những trò chơi vận động khác. Tuy nhiên, gần đây lúc thủ ytriề uxuố ng thấ p, đa xuấ thiệ ntrở lại mùi tanh của rác, bùn, xú uế... bị người dân sống hai bên bờ thải trực tiếp xuống kênh.
Trước tình trạng trên, UBNDTP đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải triển khai phương án nạo vét, tạo dòng chảy cho kênh. Trong những ngày đầu tháng 3-2020, mỗi lần có việc đi qua hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa, người dân sẽ thấy những chiếc sà lan cỡ lớn, trên có máy đào hoạt động hết công suất, vét bùn thải dưới lòng kênh đưa lên sà lan. Số bùn thải này được vận chuyển đến Trung tâm Xử lý bùn thải của thành phố ở xã Phong Phú (H.Bình Chánh) để xử lý, tái chế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Dũng (Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy) cho biết, mục đích của việc nạo vét kênh lần này nhằm đem lại môi trường trong sạch cho dòng kênh. Quá trình nạo vét, đơn vị thi công sẽ không đưa bùn lên bờ, mà đưa trực tiếp đến Trung tâm Xử lý bùn thải của thành phố để tái chế. Theo ông Dũng, trong thời gian dài, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không được cải tạo, rác thải sinh hoạt chảy từ các miệng cống ra kênh. Lâu ngày, số rác này trộn lẫn vào bùn đáy, gây bồi lắng, tồn đọng khiến dòng chảy bị ảnh hưởng. Khi thủy triều rút, nhiều đoạn kênh trơ đáy, bốc mùi tanh hôi, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân.
Theo kế hoạch, việc nạo vét dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ triển khai thành 3 đợt. Đợt 1 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6; đợt 2 nạo vét đoạn từ cầu số 6 đến đường Út Tịch; đợt 3 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn. Tổng khối lượng bùn được nạo vét dự kiến khoảng 122.000m3, tổng kinh phí để nạo vét khoảng 36,5 tỷ đồng. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ cải thiện được môi trường sống cho người dân ở hai bên bờ kênh, góp phần giảm thiểu tình trạng cá trong kênh chết vào đầu mỗi mùa mưa.
Máy đào vét bùn lên sà lan để chở về điểm thi công trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
NƯỚC KÊNH TÂN HÓA - LÒ GỐM MONG ĐƯỢC "XANH HÓA"
Tương tự, kênh Tân Hóa - Lò Gốm chảy qua 4 quận: 6, 11, Tân Phú, Tân Bình, cũng được UBNDTP đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo ô nhiễm, xây bờ kè, tạo cảnh quan, đường giao thông hai bên bờ, được người dân hoanh nghênh, nhiệt tình ủng hộ. Nhưng đến nay, con kênh đang bị tái ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại đoạn dài khoảng 1km từ đường Đồng Đen đến cửa xả nằm trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), dù trời không mưa, nhưng nước kênh vẫn bốc mùi hôi thối. Đi dọc hai bên dòng kênh này, có rất nhiều biển, bảng cấm đổ rác, với khẩu hiệu kêu gọi "vì môi trường, vì văn minh đô thị", nhưng nhiều miệng cống vẫn tắc nghẽn do ứ đọng rác, nước không lưu thoát được, phát sinh ruồi, muỗi...
Dọc bờ kênh, nhiều điểm ngập ngụa rác thải, bốc mùi hôi. Thứ mùi độc hại này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân phía thượng nguồn, mà còn ảnh hưởng tới tận phía hạ lưu (khu vực cửa xả).
Rác thải trên kênh Tàu Hủ
Rác thải trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm
Không chỉ rác thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà máy và khu dân cư hàng ngày thải trực tiếp ra kênh, khiến dòng nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm đen ngòm, nồng nặc mùi hôi tanh. Tuy chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp, song do ý thức của một số người dân chưa thay đổi, vẫn vứt rác xuống kênh. Hàng ngày, một số công nhân vẫn đi thuyền trên kênh để vớt rác nhưng không xuể.
Đi dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm đoạn từ Q.Tân Phú hướng về Q6, chúng tôi thấy vô số rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhiều đống rác hình thành từ những bịch nylon, xác động vật, chai lọ, ly nhựa, hộp xốp..., cả phế phẩm từ sinh hoạt hằng ngày của người dân đều bị xả thẳng ra kênh. Đi tới đâu cũng thấy túi nylon, thùng xốp, quần áo cũ, bàn ghế, rác hữu cơ... trôi trên kênh. Vào những ngày nắng nóng, khu vực này thường có mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Dọc theo tuyến kênh trên, có nhiều bảng hiệu, pano... tuyên truyền về việc không xả rác, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dưới lòng kênh lại là hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Rác từ thượng nguồn theo dòng nước chảy về từ các cống ngầm, tích tụ lâu ngày, sau cơn mưa lớn sẽ bị nước cuốn ra kênh. Sống và lớn lên bên dòng kênh đến nay hơn nửa đời người, bà Trần Thị Xuyến (ngụ KP4, P1, Q6) cho biết: "Lâu nay, người dân có thói quen vứt rác ra bờ kênh hoặc chỗ nào có bãi đất trống. Rác nổi lềnh bềnh đầy trên kênh, bốc mùi rất khó chịu".
Hiện nay, nguồn nước ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang tái ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ có cá chết nổi lên mặt nước, mà cả heo chết, chuột chết... người ta cũng mang ra đây vứt, nổi lềnh phềnh. Người dân ở đây lo ngại việc rác thải vứt ra kênh sẽ mang theo nguồn bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhất là trẻ nhỏ. Khi thủy triều xuống thấp, mùi hôi xông lên, cư dân ven tuyến kênh này lại lo âu về việc phát sinh những mầm bệnh, hệ lụy xấu.
Vì vậy, người dân ven tuyến kênh này mong thành phố sớm đầu tư kinh phí để nạo vét lớp bùn đáy, làm xanh hơn dòng kênh. Ngoài ra, nhiều con kênh khác của thành phố cũng đang cần được cải tạo, nâng cấp cảnh quan, nạo vét bùn đáy để trong lành, tạo môi trường sống tốt cho người dân.