Những cánh đồng trồng lúa đang trở thành công trường khai thác, bởi xe ủi, xe cuốc, xe ben ngày đêm hoạt động.
Việc làm trên đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng nhiều hộ dân vẫn phát lờ vì lợi ích trước mắt.
Nông dân
An Giang ồ ạt bán đất mặt giữa mùa khô hạn vì giá cao ngất ngưởng.
Công trường bủa vây khu dân cư
Tại tỉnh An Giang, lò gạch tập trung nhiều nhất là huyện Chợ Mới và nơi đây cũng được gọi là “thủ phủ” mua bán đất mặt.
Những ngày đầu tháng 3-2020, theo chỉ dẫn chúng tôi tìm về khu dân cư Mỹ Hòa (thuộc ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) – nơi bố trí tái định cư cho hàng chục hộ dân trong vụ sạt lở sông Vàm Nao.
Những "núi đất" bủa vây khu dân cư.
Đầu đường lộ đất dẫn vào khu dân cư chúng tôi thấy có 2 đống đất to… như núi, tập kết cạnh lò sản xuất gạch. Cách nơi đây chừng 100m, phóng viên bắt gặp nhiều “núi đất” cao bao vây khu dân cư.
Chạy trên đường đầy bụi đất, chúng tôi hỏi người phụ nữ tên B. nhà cạnh đó, bà này cho biết: “Nhiều xe chở đất thường xuyên vô ra chỗ này nên đất rơi vãi, không ít người bị té khi trời mưa”.
Bờ kênh thủy lợi trở thành "cung đường" khai thác đất trái phép.
Chạy sau lưng khu dân cư, xe máy chúng tôi men theo con đường đất dẫn vào cánh đồng hàng trăm héc-ta. Di chuyển đoạn đường chưa đầy 300m, một công trường khai thác đất mặt có diện tích rất rộng hiện ra.
Theo ghi nhận, phía bên trái con đường dẫn có 2 chiếc xe ủi, kobe gầm rú cào lớp đất mặt trên cánh đồng để gom lại thành từng đống. Cạnh những xe này không xa là nhiều thửa đất đã bị cào lấy đi lớp mặt trước đó. Ngoài những xe đang hoạt động thì còn nhiều phương tiện cơ giới đậu chờ gần đó.
Nhiều phương tiện khai thác đất trái phép ở xã Mỹ Hội Đông.
Lân la dò hỏi hai vợ chồng đang ăn cơm dưới tán cây, họ cho biết: “Đây là vùng sản xuất 3 vụ nhưng giờ mần như kiểu… “trên núi”, tức ruộng đang cắt, ruộng đang gieo sạ, ruộng đang cày đất. Nguyên nhân là trạm bơm hoạt động cầm chừng khiến việc canh tác thất bát. Do vậy có nhiều người bỏ đất đến nay 4 tháng không canh tác”.
Phương tiện đang gom đất mặt trên cánh đồng thuộc xã Mỹ Hội Đông
Dứt lời, người chồng đứng lên chỉ tay ra cánh đồng rộng lớn đang khô cằn trước mặt nói: “Toàn bộ cánh đồng này đã được lấy xuống 3 – 4 tấc đất mặt. Phía bên kia thì đang được lấy thành hầm thuộc ấp Mỹ Hòa và Mỹ Thuận, với diện tích hoạt động trên dưới 200 công đất.
Họ bán đất tính ra giá cả trăm triệu đồng/công, làm cả ngày lẫn đêm mà không thấy ai đến xử lý?. Hồi đó khu vực này đồng lúa bao la, còn giờ là hầm hố không hà! Như cánh đồng lấy đất mặt này xong thấy làm không trúng”.
Dọc theo con kênh Đoàn Kết, nhiều đoạn đường đất bị gián đoạn nhưng được kết nối với nhau bằng những vỉ sắt. Từ bên vạt đất đã và đang cạo lớp mặt, chúng tôi sang khu vực có nhiều mảnh ruộng được lấy đất thành hầm.
Những thửa ruộng biến thành hầm vì nạn khai thác đất tráii phép.
Theo ghi nhận, khu đất hàng chục công được đào bới lấy đất xong, số còn lại đất chất thành đống chờ xe đến chở đi. “Thường nhóm đối tượng khai thác đất mặt sẽ có lực lượng canh đường, nếu phát hiện người lạ là thông báo ngưng ngay” - một chủ ruộng nằm trong số ít những người chưa bán đất mặt cho hay.
Theo tìm hiểu, hầu hết các chủ lò gạch thỏa thuận với chủ đất rồi thuê nhân công dùng kobe múc đất đổ lên xe vận chuyển về nơi tập kết. Khi bị phát hiện thì người dân lí giải rằng bán lớp đất mặt ruộng là do đất gò cao, bán lớp này để cải tạo mặt ruộng, vừa có vốn đầu tư cho vụ tiếp theo… Và xuất phát từ những lí do đó mà những cánh đồng vàng ngày đêm bị “xẻ thịt”.
Khai thác ồ ạt, xử phạt nhỏ giọt
Theo UBND huyện Chợ Mới, tình hình khai thác lớp đất mặt làm gạch trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng nguyên liệu để sản xuất gạch rất cao, khoảng 400.000m3/năm. Do vậy để đảm bảo cho việc sản xuất kinh doanh, các chủ cơ sở thường xuyên liên hệ với các hộ dân để mua và khai thác lớp đất mặt.
Việc khai thác lớp đất mặt làm gạch diễn biến dưới nhiều hình thức như lợi dụng việc chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang lên liếp vườn. Các đối tượng thường lựa chọn vào những ngày nghỉ, ngày lễ và ban đêm để khai thác tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Chiếc cầu tạm bắc qua kênh để phục vụ xe vận chuyển đất ra bãi tập kết.
Trong năm 2019, huyện Chợ Mới đã kiểm tra đột xuất 11 cuộc, xử lý 33 trường hợp khai thác lớp đất mặt trái phép với số tiền 443 triẹu đồng.
“Đối với việc nhiều xe ben chở đất chạy nhanh gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia thao thông, địa phương đã chỉ đạo lực lượng CSGT kiểm soát khép kín. Trong năm 2019, đã xử phạt 55 trường hợp, với tổng số tiền gần 180 triệu đồng; tịch thu 10 chiếc xe cải tiến” – UBND H.Chợ Mới cho biết.
Thượng tá Bùi Văn Triết – Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh An Giang cho biết: “Việc khai thác đất mặt để san lấp mặt bằng và làm gạch nung, xảy ra ở các huyện, trong đó tập trung ở huyện Chợ Mới gồm các xã như: Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Kiến Thành… Năm 2019, đơn vị bắt được hơn 10 vụ. Riêng 2 tháng đầu năm 2020, bắt 13 vụ. Những đối tượng khai thác khai nhận, mỗi tấc đất mặt (10cm) được bán với giá từ 9-10 triệu đồng/công".
Xe dừng hoạt động khi phát hiện có người lạ vào
Nói về nạn khai thác đất mặt trái phép và số lượng lò gạch đang hoạt động trên địa bàn, ông Nguyễn Trọng Trí - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Chợ Mới cho biết: “Địa phương có 129 cơ sở làm lò gạch và chủ trương của huyện là không cho phát sinh cơ sở mới. Trước đây việc khai thác đất mặt trái phép chỉ phạt chủ sử dụng đất, còn nay nghị định mới phạt luôn người mua và người bán về hành vi hủy hoại đất”.
Giá đất mặt hiện ở mức cao, nên nông dân đua nhau bán.
Chuyên gia nói gì?
Theo các nhà khoa học và cơ quan chức năng, lớp đất mặt trong canh tác lúa có vai trò quan trọng, bởi nó cung cấp nhiều khoáng chất cần thiết, giữ nước và làm nền cho cây lúa phát triển. Việc bán lớp đất mặt khiến năng suất những vụ lúa tiếp theo thường không cao, dễ bị đổ ngã, phải dùng nhiều phân bón nên chi phí cuối vụ cao hơn so với trước.
Nhiều nông dân cho rằng, cải tạo đất gò bằng cách cào lớp mặt thì qua vài mùa đất sẽ tốt trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo phân tích của ngành chuyên môn, quá trình hình thành phải trải qua một thời gian rất dài. Do đó việc bỏ đi lớp đất này sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó bù đắp.
PGS.TS Lê Anh Tuấn.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) chỉ rõ: “Bán đất mặt có hại nhiều hơn có lợi, việc lấy đất mặt khả năng sẽ làm cho phèn “trỗi dậy”. Nông dân thường coi đất với nước để nói ruộng cao hay thấp chớ không đo. Làm lúa 3 vụ cần rất nhiều nước, gặp mùa khô hạn nước “vực” xuống thấp - lấy nước tưới khó khăn hơn nên cảm giác ruộng cao lên chớ thật ra đâu có cái gì làm cho đất cao lên? Nông dân bỏ đi lớp đất quý giá nhất thì sẽ phải trả giá cho chuyện năng suất giảm đi. Rồi nếu gặp năm nước quá lớn, ruộng sẽ bị ngập nhiều hơn, lâu hơn.
Ngoài ra, khi làm lúa 3 vụ không hiệu quả, như giá lúa giảm, phân bón vật tư tăng như hiện nay, nông dân chuyển qua trồng màu, lên vườn cần đất cao thì lại thất bại”.
Trước việc cải tạo đất gò sai cách đang diễn ra rầm rộ trên các đồng lúa, nhà khoa học khuyến cáo về lâu dài, cần chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, làm nông nghiệp “thuận thiên”.
PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm: “Làm lúa cần lượng nước tưới nhiều nên nếu làm 3 vụ chắc chắn sẽ thiếu nước. Chưa kể, làm 3 vụ thì lúc nào cũng “bắt đất làm việc” không nghỉ, không có thời gian phục hồi tự nhiên, nông dân muốn kiểm soát sâu bệnh, cải tạo đất thì phải sử dụng phân thuốc ngày càng nhiều, ô nhiễm ngày càng tăng.
Trong những vùng ô nhiễm như vậy thì khó có được những sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch được. Từ đó, không chỉ riêng gạo mà các nông sản khác cũng phải bán giá rẻ. Do đó, về lâu dài, nên giảm diện tích 3 vụ, chuyển đổi 2 vụ lúa - 1 vụ màu, khôi phục lại những vùng trũng trữ nước tự nhiên… Theo dự báo năm sau mưa sẽ nhiều hơn nên không bị khô hạn như năm nay”.