Để cứu vườn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, họ phải mua nước với chi phí đắt đỏ. Bên cạnh đó, nhằm đối phó vấn nạn trên, nhiều hộ gia đình đã chủ động xây bồn chứa, đầu tư máy lọc nước mặn thành ngọt…
THUÊ SÀ LAN CHỞ NƯỚC CỨU VƯỜN
Tại tỉnh Tiền Giang, cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.600 héc-ta vườn sầu riêng chuyên canh, chính vì hệ thống kênh rạch nơi đây chằng chịt, chưa có cống đập khép kín khiến nước mặn xâm nhập vào sâu các khu vực này. Đặc biệt, nhiều vườn sầu riêng ven sông, rạch nước mặn đã thẩm thấu vào mương vườn khiến cây có biểu hiện héo lá, “khát” chưa từng có.
Lo lắng cho vườn sầu riêng 2 héc-ta, ông Dương Văn Đây (ngụ xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết: “Mấy ngày qua vườn sầu riêng nhà tôi đang cho trái thấy có biểu hiện bị xuống sức rất nhanh. So với năm 2016, hiện nước mặn cao hơn gấp 3 lần, rất nguy hiểm cho vườn cây. Chỉ vài tuần nữa nếu không có nguồn nước ngọt tưới thì nhiều vườn sầu riêng sẽ bị rụng trái hết và chết trắng”.
Không muốn trắng tay vì bao công sức và vốn đầu tư bỏ ra, những ngày qua ông Đây phải tìm thuê sà lan chở nước ngọt từ nơi khác về để giải cứu vườn. Tuy nhiên, mỗi sà lan nước ngọt với chi phí cả chục triệu đồng chỉ tưới cầm cự được trong thời gian ngắn.
Người dân dùng ghe chở nước ngọt về bán cho nông dân cứu vườn cây ăn trái.
Tương tự nhà vườn Nguyễn Minh Huy (54 tuổi) cho biết: “Cứ cách 1 tuần gia đình tôi phải mua một sà lan nước ngọt được chở từ thượng nguồn về với giá 7 triệu đồng (khoảng 150m3) để tưới cho sầu riêng. Giai đoạn này chỉ tưới nhín vậy thôi chứ không dám tưới nhiều vì sợ lỗ”.
Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nước mặn đang xâm nhập sâu vào sông Tiền. Nước mặn 3%o đã lấn sâu cách cửa sông hơn 70km, đe dọa đến 79.000 ha vườn cây ăn trái của tỉnh.
Đặc biệt, trên 30.000 ha, gồm sầu riêng, bưởi, xoài, chanh, nhãn… ở các xã ven sông Tiền, vùng cù lao thuộc huyện Cai Lậy, có nguy cơ thiệt hại nặng. Việc các nhà vườn thuê sà lan chở nước ngọt về trữ tưới cầm cự cho vườn là rất tốt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế.
Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “thủ phủ” hoa kiểng, cây giống. Trước tình trạng nguồn nước tưới bị nhiễm mặn đã khiến việc canh tác của nông dân như ngồi trên lửa.
Làm nghề sản xuất cây giống hơn 10 năm nay, ông Đặng Văn Oanh (50 tuổi) cho biết: “Địa thế trời ban cho xứ Chợ Lách là kênh rạch chằng chịt, nước ngọt quanh năm. Dân trồng hoa kiểng, cây giống tụi tôi chưa bao giờ phải lo lắng về nguồn nước tưới. Vậy mà đợt hạn mặn năm nay, nước ngọt khan hiếm lạ thường. Hồi trước, tôi đang tưới cây mà có khách là vứt cái vòi xuống đất rồi đi vô nhà luôn không thèm tắt nước, còn bây giờ phải chắt chiu từng giọt”.
Để cứu vườn hơn 20.000 cây giống ông Oanh phải thuê sà lan lấy nước ngọt từ vùng khác vận chuyển về Bến Tre để trữ tưới tiêu. Ước tính qua đợt hạn mặn này, ông Oanh mất hơn 200 triệu đồng tiền mua nước ngọt.
Nhiều gia đình phải đi mua nước ngọt sử dụng với giá từ 100 - 200 ngàn đồng/khối.
MUA NƯỚC SINH HOẠT GIÁ ĐẮT ĐỎ
Hiện hầu hết người dân tỉnh Bến Tre sử dụng hệ thống cấp nước tập trung đều bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Cụ thể nguồn nước sinh hoạt tại TP.Bến Tre, H.Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại bị nhiễm mặn 2‰, có nơi lên đến 2,8‰. Toàn tỉnh hiện có khoảng 57.000 hộ với 205.000 người sinh sống xa trong nội đồng, ven biển thiếu nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú , tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nước máy hiện nay bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn vượt 1‰. Vì thế nên gia đình chỉ để rửa rau, rửa chén và tắm giặt. Còn nước phục vụ cho ăn uống ông phải sử dụng nước bình lọc hoặc mua từ nơi khác chở về với giá 80 ngàn đồng/khối”.
Tại TP.Bến Tre, nước sạch do Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre cung ứng cho người dân thành phố sử dụng đã bị nhiễm mặn nên nhiều người chấp nhận bỏ tiền mua nước ngọt về sử dụng. Theo ghi nhận, hơn nửa tháng nay, tại khu vực Bến Lở (phường 1) có dịch vụ cung ứng nước ngọt với giá khoảng 100 nghìn đồng/khối.
Làm nghề dịch vụ cung ứng nước ngọt, ông Trần Văn Tuấn (ngụ xã Phú Nhuận, TP.Bến Tre) cho biết: “Trước đây, chiếc sà lan 200 tấn của gia đình dùng để chở cát xây dựng nhưng thấy nhu cầu nước ngọt của người dân cấp bách nên chuyển nghề. Hàng ngày, tôi chở nước ngọt từ huyện Cái Bè đem về cung ứng cho người dân trên địa bàn thành phố”.
Đến mua can nước ngọt 30 lít với giá 5 ngàn đồng, bà Nguyễn Thị Ngọc cho biết: “Hơn một tháng nay nước máy bị nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc giá khá cao. Khi nghe nơi đây có bán nước ngọt nên tôi mang can nhựa đến mua về sử dụng cho tiết kiệm”.
Đối với những hộ ở xa không có điều kiện đến mua nước ở chỗ ông Tuấn sẽ có những người làm dịch vụ chở thuê, với giá 200 ngàn đồng/khối. Theo đó, những chiếc xe bồn nhựa chờ những “đại lý” sà lan, ghe gỗ chở nước về họ mua rồi vận chuyển đến từng hộ gia đình.
Trước diễn biến của hạn, mặn diễn ra khốc liệt nhiều hộ gia đình đã chủ động trữ nước bằng cách xây bồn xi-măng, bồn nhựa để trữ nước mưa hay đầu tư máy móc để lọc nước mặn thành nước ngọt.
Bà Nguyễn Thị Minh (ngụ xã Hưng Khánh Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Gia đình tôi sử dụng nước sông để sinh hoạt. Mỗi ngày phải bơm nước vào lu, cho lắng cả tuần mới sử dụng được. Tình hình hạn nước mặn xâm nhập thế này, gia đình phải đầu tư hàng chục triệu đồng xây bồn để trữ nước”.
Giếng gần nhà cạn khô người dân phải đạp xe đi lấy nước ngọt.
NHỮNG “GIẾNG TRỜI” GIẢI KHÁT
Hiện cái nắng oi bức của vùng Bảy Núi (An Giang) khiến nhiều cánh rừng dọc triền núi chuyển sang màu vàng úa, tuyến kênh nội đồng trơ đáy, đất nứt nẻ. Mùa khô đến, nỗi lo thiếu nước sinh hoạt của người dân địa phương trở nên bức bách. Thế nhưng riêng bà con ở xã Núi Tô và Ô Lâm (huyện Tri Tôn) không phải chịu cảnh này vì có những chiếc “giếng trời”.
Tìm về cánh đồng thuộc ấp Phước Lộc (xã Ô Lâm) chúng tôi thấy rất nhiều người dân đứng ngồi chờ đến lượt lấy nước tại giếng Tà Choi. Ông Chau Sông, Phó bí thư ấp Phước Lộc kể: Giếng này đã xuất hiện hơn 10 năm trước.
Lúc trước, những ngày cao điểm mùa khô người dân thường thiếu nước sinh hoạt, muốn có nguồn nước sử dụng phải gánh từ trên núi xuống vô cùng khó khăn. Do vậy, người dân nơi đây đã tiến hành thăm dò tìm mạch nước nhưng đào hàng chục giếng vẫn không có kết quả. Thấy cuộc sống khó khăn, ông Tà Choi quyết định tự mình đi tìm nguồn nước.
Nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông Choi đã tìm được mạch nước ngọt giữa đồng ruộng của một người dân tại địa phương. Lúc này, ông Choi đào xuống 1m bất ngờ có những tia nước bắn lên, liền đưa tay bụm lấy uống thấy ngọt lịm. Sáng hôm sau, ông Choi thông báo với bà con trong sóc đến lấy nước về sử dụng.
Theo quan sát, giếng Tà Choi sâu khoảng 1,5m, miệng ruộng 3m, với 2 bậc thang đất vừa đủ một người ngồi múc nước. Để lấy đầy một can nước 30 lít người dân phải đợi 20 phút.
Người dân Bảy Núi lấy nước ở “giếng trời” chở đi bán.
Tương tự “giếng trời” Chưn Phnum vẫn rỉ ra dòng nước mát lạnh, cung cấp một lượng nước ngọt cho hàng trăm gia đình dưới chân đồi Tà Pạ. Giếng Chưn Phnum đã có ở vùng đất này cách nay khoảng 200 năm.
Trước đây, khu vực đồi Tà Pạ rất hoang vu, thường bị khô hạn, thiếu nước vào mùa khô nên người dân trong làng phải đi tìm mạch nước. Bỏ nhiều công sức nhưng tìm được, nhiều người còn mời thầy cúng về “bắt mạch” xem chỗ nào có sẽ xúm lại đào. Tưởng chừng hết hy vọng, một người trong làng cố vạch cây lâm vồ cổ thụ xem để cầu may bởi cây này rất xanh tốt. Bất ngờ sau vài nhát cuốc xuống đất, nước đã rỉ ra, người dân xúm lại đào và từ đó giếng Chưn Phunum hình thành.
Có mặt từ sáng sớm, ông Phan Văn Thường (60 tuổi) cho biết: “Mỗi ngày người dân đến giếng lấy khoảng 100 xe nước (xe từ 220 – 300 lít nước). Riêng tôi chở 3 xe bán cho những quán cà phê, quán cơm và một số người dân đem về thu nhập 120 ngàn đồng”.
Trước những khó khăn của người dân xứ dừa, cụ Nguyễn Thị Hưởn (79 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, TP.Bến Tre) đã chia sẻ nguồn nước ngọt miễn phí. Cụ Hưởn kể, 20 năm trước, gia đình đào giếng nước để sử dụng, trong khi đó xung quanh cũng có nhiều người đào nhưng chỉ có giếng nhà trúng mạch nước ngọt. Quanh năm gia đình sử dụng không hết nên chia sẻ miễn phí cho mọi người. Hằng ngày, từ 3 giờ sáng đến chiều tối có gần cả trăm người mang can đến chở nước.
Ông Nguyễn Hữu Lập – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Địa phương kiến nghị trung ương xem xét, sớm triển khai các dự án lớn như: Jica 3, dự án Nam Bến Tre, hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy nước thuộc khu vực cù lao Minh,... để đưa vào phục vụ giúp kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất bố trí chương trình cấp nước quy mô hộ gia đình cho 20.000 hộ không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng có văn bản chỉ đạo về chương trình trữ nước ngọt, nước mưa. Ông Đặng Văn Ngọ - Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Sóc Trăng: Nhiều hộ dân ở huyện Trần Đề đang thiếu nước sạch. Trước thực trạng đó, để hỗ trợ kịp thời nước uống cho các hộ dân, đơn vị phối hợp với Bộ Chỉ huy quân quận tỉnh tổ chức vận chuyển đưa nước uống đến địa phương cấp miễn phí cho khoảng 1.000 hộ dân của 3 xã Thạnh Thới An, Tài Văn và Liêu Tú. |