Thâm nhập "thủ phủ" sản xuất khẩu trang

Thứ Năm, 13/02/2020 17:33  | Đoàn Tuấn

|

(CATP) Hàng chục cơ sở sản xuất khẩu trang luôn kín cổng cao tường, đang hoạt động hết công suất, nhưng khi khách hỏi mua đều được trả lời là "không có" (!).

Việc tiếp cận và mua khẩu trang tại "thủ phủ" sản xuất khẩu trang lớn nhất miền Bắc ở thôn Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) vô cùng khó khăn. Giá khẩu trang bị "đẩy" lên từng giờ và bị thao túng bởi "cò". Người mua chỉ có thể tiếp cận nguồn hàng khi đã trải qua một cuộc kiểm tra "lý lịch".

"NỘI BẤT XUẤT, NGOẠI BẤT NHẬP"

Vào thời điểm dịch bệnh virus corona lây lan, các xưởng sản xuất khẩu trang tại thôn Xuân Lai hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, phải rất khó khăn chúng tôi mới tiếp cận được nguồn hàng đặc biệt này. Một người bán nước giải khát tại chợ trung tâm thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình) khuyến cáo, nếu khách không quen vào làng Xuân Lai thì dù khẩu trang còn, họ cũng không mua được.

Bên ngoài "thủ phủ" sản xuất khẩu trang thôn Xuân Lai

"Toàn "đi đêm" thôi, mua khó lắm! Mua được mang ra cũng khó, phải quen... Có người đợi ở đây 2 ngày, đã có đâu! Bây giờ, một thùng giá hơn chục triệu. Dân buôn từ Lạng Sơn, miền Nam cũng có, các lực lượng chức năng cũng tuần tra suốt ngày để kiểm soát. Mới đây, một chủ sản xuất bị phạt 1 tỷ vì "găm" hàng lại rồi bán. Có chủ hàng khẩu trang ế ẩm, hàng bị lỗi bỏ một đống, nay gặp khách "sang tay" cũng được 700 triệu. Kể từ khi bị lực lượng chức năng truy quét, hầu hết dân buôn không còn xuất hiện ở chợ, hàng cũng không có mà bán" - người bán nước giải khát tiết lộ.

Sau khi được chỉ dẫn, chúng tôi vào thôn Xuân Lai. Bên ngoài đường vẫn nhộn nhịp xe cộ và người đi lại, nhưng tại các xưởng sản xuất khẩu trang thì cửa đóng then cài, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Chỉ còn cơ sở của ông B. mở cửa, toàn bộ khẩu trang vải đều đã bán hết, chỉ còn nguyên liệu chưa sản xuất. Khi khách đến mua hàng, ông B. mở cửa và không quên "nháy" người làm ở bên trong theo dõi khi có người lạ tiếp cận.

Các cơ sở luôn đóng cửa, chỉ có cơ quan chức năng mới tiếp cận được

Ông B. cho biết, bây giờ đặt cả vạn cái, "bắn" tài khoản trước (trả tiền trước) cũng... không có hàng. Vài phút lại có cuộc gọi đặt hàng, nhưng "cả núi" khẩu trang vải ế chỏng chơ trước đó cũng đã bị "vét" sạch. Giá khẩu trang đang tăng chóng mặt. Loại khẩu trang vải bán tại xưởng cũng từ 8 - 10 ngàn đồng/cái, mua số lượng nhiều cũng không được giảm.

"Nhiều người ở tận Nam Định và một số tỉnh khác đến, còn ít cũng phải "vét" nốt. Trước Tết, khi chưa có dịch virus corona, cả nhà khẩu trang chất cao như núi, nhưng chỉ vài hôm, hàng tồn kho cũng không có mà bán. Hôm nay bán 8 ngàn, mai tăng 9 ngàn một cái. Bình thường mỗi cái chỉ 2 ngàn. Em không mua, tôi lại bán cho người khác ngay. Thực tế, khẩu trang mình có đủ dùng đâu? Họ toàn lấy đi bán "chui" sang Trung Quốc" - Ông B. cho biết.

Chúng tôi đi sâu vào thôn Xuân Lai. Một phụ nữ chỉ tay về cơ sở của ông H. cạnh đó, cho biết các cơ sở đều đã đóng cửa, thỉnh thoảng có công nhân hoặc người thân gọi cửa thì chủ cơ sở mới mở. Theo người này, muốn có khẩu trang phải đặt ít nhất 2 ngày và không thể mua trực tiếp từ các cơ sở. "Khẩu trang y tế giá lên theo từng giờ, không có giá cụ thể. Khẩu trang tăng tới 13 triệu/thùng 2.500 chiếc" - Người phụ nữ nói.

Một phụ nữ trong "thủ phủ" nói rằng khẩu trang tăng giá từng giờ

Dù đến nhiều cơ sở, được đại diện chính quyền địa phương là ông Nguyễn Đình Nam (Trưởng thôn Xuân Lai) dẫn vào tận nơi, nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được chủ cơ sở. Ông Nam dẫn chúng tôi vào cơ sở của ông K. đúng lúc lực lượng liên ngành đang kiểm tra. Sau đó, chúng tôi ngỏ ý gặp chủ cơ sở, một phụ nữ tại đây nói: "Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi!". Bà này cho biết do người đại diện theo pháp luật đi công tác, nên buổi làm việc của liên ngành và phía cơ sở chỉ dừng lại ở công đoạn lập biên bản.

KHÁCH MUA BỊ XÉT HỎI NHƯ… TỘI PHẠM!

Dù rất khó tiếp cận các cơ sở và mua khẩu trang, nhưng khách chỉ cần có người giới thiệu và gặp "cò" thì muốn mua bao nhiêu cũng được. Vừa gặp khách, hai thanh niên tên H. và Đ. nhanh chóng tiếp cận, kéo khách vào trong nhà. Sau đó, H. hỏi cộc lốc: "Đến đây làm gì?". Khách trả lời: "Cả ngày không mua được khẩu trang...".

Thấy người lạ nhắc đến khẩu trang, H. nhìn vẻ dò xét, hỏi: "Sao các anh biết ở đây có khẩu trang? Tên tuổi là gì?". Khi nghe chúng tôi nói có người quen giới thiệu, Đ. yêu cầu được kiểm tra điện thoại, tin nhắn và giấy chứng minh nhân dân của khách. Lý do hai thanh niên này đưa ra là mới gặp lần đầu nên phải kiểm tra vì rất "nhạy cảm".

"Cò" H. kiểm tra điện thoại của khách trước khi giao dịch mua bán khẩu trang

Sau đó, nhóm khách bắt đầu trải qua cuộc kiểm tra của H. và Đ. với loạt câu hỏi: "Các anh đã bao giờ mua ở đây chưa? Có tin nhắn đặt hàng với bất kỳ ai, ở đâu chưa?". Khi khách trả lời chưa từng đặt hàng tại đây, H. bảo chấm dứt việc mua bán này. "Anh đi cả làng, ai cũng làm như bọn em thôi" - Đ. giải thích.

Đi lòng vòng vài bước, H. quay lại, nói: "Chúng tôi "test" như vậy được rồi! Bây giờ cho em kiểm tra điện thoại. Em xem qua tin nhắn và Facebook của anh". Vừa kiểm tra điện thoại, H. vừa lướt xem ảnh, hỏi khách trước đây làm công việc gì. H. bảo việc kiểm tra là để khi giao dịch khẩu trang được thuận lợi hơn.

H. khẳng định, phải chuyển tiền qua tài khoản đặt trước mới có hàng. Anh ta cho chúng tôi xem hàng loạt tin nhắn chuyển tiền từ khách ở Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn. "Hiện tại, khẩu trang y tế là 14 triệu/ thùng 2.500 chiếc" - H. ra giá sau khi đã kiểm tra tin nhắn và tài khoản mạng xã hội của khách.

Ông Nguyễn Kim Vượng (Chủ tịch UBND xã Xuân Lai) cho biết, trong những ngày qua, chính quyền thường xuyên cử cán bộ và công an xuống địa bàn để nắm bắt tình hình. Ngoài ra, còn có các lực lượng chức năng của huyện và tỉnh cũng thường xuyên có mặt.

Ông B. - chủ cơ sở sản xuất khẩu trang mà phóng viên tiếp cận được

"Khẩu trang khan hiếm từ khi xảy ra dịch virus corona. Thị trường giao dịch đúng là có sự sôi động như các anh nói. Đến như cán bộ của chúng tôi cũng khó tiếp cận được với chủ cơ sở sản xuất, vì họ luôn khóa cửa với lý do hết nguyên liệu hoặc đi vắng thì cũng đành phải chịu. Có chủ cơ sở ký kết bán với đối tác trước khi dịch bệnh xảy ra, đến nay giá tăng, nguyên liệu không có để sản xuất giao cho người ta, phải "chạy làng" vì quá áp lực" - Ông Vượng cho biết.

Chủ tịch UBND xã Xuân Lai thừa nhận, việc tiếp cận mua khẩu trang là vô cùng khó khăn. Dù có nhiều đơn vị, tổ chức từ tỉnh khác nhờ mua để phát miễn phí, nhưng lãnh đạo xã cũng đành "bó tay" vì không có hàng. "Chúng tôi mua cho Hội Phụ nữ để phát cho bà con, tìm mọi cách, nhưng cũng chỉ được 1 thùng, với giá 2 triệu đồng" - Ông Vượng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đình Nam (Trưởng thôn Xuân Lai), cả thôn này có 9 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, nhưng chỉ có 2 cơ sở có giấy phép. Khi được hỏi về chất lượng hàng hóa, ông Vượng nói việc kiểm tra chất lượng khẩu trang của các cơ sở sản xuất do các cơ quan chức năng liên ngành tiến hành. Xã không thể can thiệp sâu vào quá trình sản xuất của các xưởng nên không rõ chất lượng ra sao.

Khi phóng viên đề cập đến việc rất khó mua khẩu trang, phải thông qua "cò", ông Trịnh Xuân Chiến (Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai) thừa nhận, việc giao dịch, mua bán chủ yếu xảy ra vào ban đêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang