HÀNH NGHỀ NHAN NHẢN
Không chỉ nổi tiếng là "thủ phủ" của những người lượm ve chai, bán vé số dạo, đường 3 Tháng 2 đi qua hai quận 10, 11 (TPHCM) còn là "địa chỉ" của những người ăn xin với hàng chục người, từ già, trẻ, trai, gái, trong nước lẫn nước ngoài kéo về hành nghề.
Tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lê Đại Hành (Q11) thường xuyên xuất hiện 3 - 5 đứa trẻ gầy gò, đen đúa, áo quần lem luốc lăng xăng tới lui. Khi đèn đỏ bật lên cũng là lúc những đôi chân bé tí thoăn thoắt chạy ra, tay cầm ca nhựa hay chiếc nón cũ luồn lách giữa "rừng" xe kẹt cứng, ngửa tay xin tiền từ người ngồi trên ôtô cho đến người đi xe máy. Khi đèn xanh bật lên, những đứa trẻ này vội vã tấp vào lề, đợi khi đèn đỏ bật lên lại tiếp tục. Xin được kha khá, chúng chạy vào đưa tiền cho người phụ nữ trẻ ngồi ẩn sau lùm cây gần đó, rồi quay lại giao lộ tiếp tục ngửa tay xin tiền.
Tương tự, ở giao lộ 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt (Q10) cũng thường xuyên xuất hiện 3 - 5 đứa trẻ ăn xin, chốc chốc có đứa gom những đồng tiền lẻ vừa được cho chạy vào con hẻm cạnh đó giao cho một phụ nữ tuổi trung niên. Tại ngã tư 3 Tháng 2 - Tạ Uyên (Q11) xuất hiện 1 cụ bà ăn mặc tươm tất, tay cầm nón đi đi lại lại bên vỉa hè, mặt nhăn nhó vẻ đau đớn, tay khều người đi đường "lì xì" cho mình và thản nhiên "ra giá": vài chục hay mười ngàn đồng cũng được (!).
Trên cầu Ông Buông 2 (Q6) xuất hiện gần chục người ngồi thành dãy hành nghề "cái bang", được vài hôm thì nhóm này chuyển đi nơi khác. Cách đó không xa, dưới chân cầu vượt Cây Gõ (Q6) cũng có vài người ăn xin. Mỗi lần xe cộ dừng lại chờ đèn đỏ là họ nhào ra xin tiền; có người còn gõ cửa ôtô, taxi kêu gọi bố thí.
Một đứa trẻ gõ cửa ôtô xin tiền ở ngã tư Cây Gõ (Q6)
Tại "mũi tàu" ở bùng binh Nguyễn Chí Thanh - Ngô Gia Tự (Q5) thường xuất hiện 2 bé trai bán vé số kiêm ăn xin. Cũng ở quận này, thi thoảng người đi đường lại bắt gặp một số người ăn xin len lỏi quanh các bệnh viện hay xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư nhiều tuyến đường để xin tiền.
Giao lộ Quốc lộ 1A - Hồ Ngọc Lãm (Q.Bình Tân) cũng thường xuyên có người hành nghề ăn xin. Từ buổi trưa trở đi, khu vực này thường có 2 - 5 người, cả trẻ con nhưng rất thạo việc ăn xin. Cạnh chúng luôn có người lớn đi kèm, họ thường bịt khẩu trang, ngồi bên vệ đường, quán xá cạnh đó đợi khi đám trẻ được cho tiền thì thu hết cất vào túi.
CẦN SỚM DẸP BỎ
Một trong những khu vực tập trung nhiều người ăn xin nhất là trước cổng Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc giao với Quốc lộ 1A (Q.Bình Tân). Giữa trưa nắng như đổ lửa, gần chục đứa trẻ đầu trần, chân đất dắt díu nhau luồn lách giữa dòng xe cộ nườm nượp ngửa tay xin tiền. Nguy hiểm hơn, một số em lạng trước mũi nhiều "hung thần" container, xe "hổ vồ" hay gõ cửa xe hơi xin tiền, bất chấp tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngã ba Quốc lộ 1A - Hồ Ngọc Lãm thường xuyên có trẻ em ăn xin
Anh Trần Xuân Vinh, tài xế xe tải, cho biết: "Mỗi lần dừng đèn đỏ tại đây, tôi đều toát mồ hôi vì bỗng dưng lù lù xuất hiện vài đứa trẻ ngửa tay xin tiền ngay đầu mũi xe, lơ mơ là cán phải chúng như chơi". Cách đó vài bước có 2 phụ nữ và 2 thanh niên ngồi thảnh thơi bấm điện thoại; xin được ít tiền lẻ, mấy đứa bé lại cầm ra đưa cho họ, sau đó quay lại giao lộ tiếp tục "hành nghề". Nghị định 114/2006/NĐ- CP ngày 3-10-2006 quy định: "Người nào lợi dụng trẻ em vào mục đích trục lợi, bắt trẻ đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ..., ngoài xử lý hành chính phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng tùy lỗi nặng nhẹ mà phải xử lý nghiêm trước pháp luật".
Ngay từ sáng sớm, tại một cổng lên chùa Châu Thới (Bình Dương) xuất hiện cụ già ngồi bán nhang đèn kiêm luôn ăn xin. Mỗi khi có khách đi ngang, bà cụ liền chèo kéo mua hàng và không quên chìa chiếc nón rách nài nỉ xin tiền. Tại bậc tam cấp dẫn lên chùa, chúng tôi thấy 3 - 4 người ăn mặc trông như tu hành, tay cầm chiếc bát nhôm, miệng lẩm bẩm như thể đang đọc kinh, chốc chốc lại nài nỉ khách cho tiền. Cùng với "cái bang", hai bên đường dẫn lên chùa còn xuất hiện không ít người buôn bán sách tử vi, hành nghề bói toán.
Nhiều người ăn xin hai bên đường dẫn lên chùa Châu Thới (Bình Dương)
Những ngày đầu năm, tại nhiều "chợ cóc" hay trước cổng nhiều khu chế xuất, KCN trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... không khó để bắt gặp nhiều người giả danh nhà sư, những đứa trẻ lem luốc, các cụ ông, cụ bà người gầy gò, mặc bộ quần áo nhàu nát, cắp chiếc nón lá cũ kỹ lê lết dưới đất, cố rướn về phía trước chìa tay xin tiền mỗi khi có người đi qua, trông rất nhếch nhác.
Để giảm bớt tình trạng này, cuối năm 2014 chính quyền TPHCM đã đưa ra 2 giải pháp: thu gom, tập trung người ăn xin, lang thang đưa vào các cơ sở xã hội và vận động người dân không cho tiền họ. Tuy nhiên, có vẻ đây là "nghề hái ra tiền" nên "cái bang" vẫn xuất hiện nhan nhản trên các nẻo đường, chùa chiền, chợ búa dịp đầu năm mới. Anh Nguyễn Thanh Tâm (ngụ Q.Thủ Đức) bức xúc: "Chúng ta không nên dễ dãi với những kẻ siêng ăn nhác làm, lười lao động, nếu không vô tình sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu ỷ lại".
Nhiều người ăn xin hai bên đường dẫn lên chùa Châu Thới (Bình Dương)
Cũng theo anh Tâm, sự xuất hiện của người ăn xin không chỉ tạo ra hình ảnh nhếch nhác mà còn tiềm ẩn hiểm họa về tai nạn giao thông, mất an ninh trật tự. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra và đưa họ vào chăm sóc ở các cơ sở xã hội, không nên làm theo phong trào, kiểu "chiến dịch"; bên cạnh đó cần xử lý nghiêm những kẻ bảo kê, chăn dắt, lạm dụng người ăn xin để kiếm tiền.