Đưa những cánh chim lạc đàn về với tổ

Thứ Năm, 30/01/2020 13:59

|

(CAO) Dù là thời bình, nhưng đã có rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu của những người làm nhiệm vụ an ninh đổ xuống để đấu tranh, bóc gỡ, xử lý các đối tượng chống phá chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết, nhằm giữ cho các buôn làng ở đại ngàn Tây Nguyên mãi mãi được bình yên.

Ân nhân của những người lầm lỡ

Hôm nay, theo kế hoạch, Tổ công tác của Công an H.Chư Prông (Gia Lai) do Trung tá Lê Ngọc Hưng – Đội trưởng Đội An ninh làm Tổ trưởng kết hợp với già Ly đến thăm hỏi, tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo lời kẻ xấu.

Vừa về tới đầu làng, già Rơ Châm Ly (ngụ làng Klan, xã Ia Băng, H.Chư Prông, Gia Lai) tay bắt, mặt mừng, thông báo vội với dân làng “thằng Hưng về rồi bà con ơi”. Sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe của nhau, già Ly cùng tổ công tác đến nhà anh Rah Lan Blom (SN 1976) - người trước đây từng theo Tin lành Đề-Ga.

Già Rơ Châm Ly đón Trung tá Hưng tại căn nhà rông của làng

Ngôi nhà của anh Rah Lan Blom không khí thật rộn rã. Vợ chồng anh Blom đón các thành viên trong Tổ công tác của Công an huyện từ đầu ngõ. Bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà mới khang trang càng thêm ấm cúng. Trung tá Hưng trò chuyện với vợ chồng anh Blom bằng tiếng người Jrai.

Anh Blom từng 2 lần bị các đối tượng sống lưu vong ở nước ngoài dụ dỗ. Và cả 2 lần, anh bỏ nhà cửa, ruộng nương, bầy gia súc, gia cầm đi theo cái gọi là “Tin lành Đề-Ga”, với biết bao nhiêu lời hứa hẹn.

Anh Hưng và các cán bộ an ninh Công an H.Chư Prông phải rất dày công tuyên truyền, vận động mới đưa Blom về hòa nhập với buôn làng. Trong câu chuyện của anh Blom hay nhắc đến nhiều cán bộ Công an huyện, già làng, đặc biệt cái tên “anh Hưng”.

“Trước đây, mỗi lần nhìn thấy anh Hưng, mình sợ và chạy trốn. Nhưng anh Hưng không bỏ mặc mình và gia đình, mà vẫn kiên trì thường xuyên đến thăm. Có lần, anh Hưng đến trong đêm. Lần đó, anh Hưng nói với mình đừng nghe kẻ xấu mà làm khổ vợ con, phải làm ruộng, làm nương, trồng cây lúa, cây cà phê, nuôi con lợn, con gà.

Dần dần mình cũng đã hiểu ra và tự giác đem nộp các tài liệu được kẻ xấu giao cho. Bây giờ nhà mình đã có nhiều lúa, nhiều cà phê, không còn nghèo nữa, mình đã hiểu và trong lòng luôn cảm ơn anh Hưng và các cán bộ công an”, anh Blom nói trong xúc động.

Anh Rah Lan Blom sau khi được vận động, giờ đã chăm lo làm ăn

Không riêng gì anh Blom, nhiều người khác ở xã Ia Băng cũng một thời lầm lỡ, nghe theo lời xúi giục, rời xa dân làng, tuy nhiên, nhờ được sự dang tay của chính quyền địa phương, giúp đỡ của Trung tá Hưng và Công an H.Chư Prông, họ đã trở về, bắt tay gây dựng lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo chân Trung tá Hưng rảo bước trên các con đường làng ở xã Ia Băng, chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi người dân ở đây ai cũng biết đến tên anh, cũng bởi tình quân dân đã gắn bó từ thời điểm anh cùng đồng đội đến đây vận động bà con người Jrai không nghe theo kẻ xấu.

Người con của buôn làng

Già Rơ Châm Ly mời mọi người lên nhà rông. Già Ly lấy ghè rượu cần được cất cẩn thận ở góc nhà rông ra mời khách. Uống 1 hơi hết cang rượu đầu, già Ly bắt đầu dốc bầu tâm sự.

“Vào một ngày của năm 2004, khi mùa mưa Tây Nguyên đã nặng hạt, mình thấy chàng trai trẻ mang trên mình bộ quân phục công an về làng. Hưng gặp mình nở nụ cười thân thiện và bắt cái tay thật chặt. Ngay từ cái nhìn ban đầu, mình đã ấn tượng với gương mặt phúc hậu, nhưng ánh mắt lại hiện lên đầy dũng khí của anh cán bộ công an trẻ tuổi”, già Ly nhớ lại.

Ở đâu trong làng Klan, Trung tá Hưng đều được chào đón như người thân trở về

Nhìn lại những đồ đạc đã quá đổi thân quen trong căn nhà rông, ký ức cách đây 15 năm lại ùa về, anh Hưng xúc động chia sẻ: “Cuộc đời làm trinh sát, mình làm việc và ăn ở suốt nhiều năm tại căn nhà rông này. Thực sự mình xem căn nhà rông như ngôi nhà thứ 2 của mình. Giờ mình được chuyển đi nơi khác, thỉnh thoảng có nhiệm vụ, mới xuống làng Klan. Mỗi lần về Klan, mình đều tranh thủ đến nhà rông, cảm giác như quay về nhà vậy”.

Giờ đang giữ cương vị Đội trưởng Đội An ninh nhưng cứ nói đến chuyện đấu tranh với các thế lực phản động là Trung tá Hưng lại sáng bừng mắt, say sưa kể về quãng thời gian cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với buôn làng.

Sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, anh Hưng được phân công lên Tây Nguyên nhận nhiệm vụ. Về công tác tại huyện biên giới Chư Prông, nơi có địa hình phức tạp, địa bàn trải rộng.

Huyện có đến phân nửa dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của bà con, kẻ xấu thường xuyên len lỏi tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo và kích động bà con làm những điều trái quy định của pháp luật. Không ít người bị hăm dọa, nghe theo lời xúi giục của chúng đã vượt biên ra nước ngoài, tổ chức gây rối an ninh trật tự, chống phá chính quyền.

Với một trinh sát lâu nay chỉ quen ở trường lớp nơi phố thị, để quen và sống được với Tây Nguyên, anh Hưng phải trở thành một người con của buôn làng. Thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), từ chỗ ban đầu còn bỡ ngỡ, chỉ ít lâu sau anh đã trở thành người con của buôn làng, luôn được đồng bào tin yêu.

Để Blom có được ngày hôm nay, anh Hưng đã phải kiên kỳ đến nhà vận động

Anh Hưng đã cùng các đồng đội trực tiếp tham gia nhiều cuộc truy bắt các đối tượng cộm cán lẩn trốn trên địa bàn, vận động kêu gọi người dân từ bỏ Tin lành Đề-Ga, xoá bỏ nhiều khung chính quyền ngầm trên địa bàn huyện, góp phần làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức của các đối tượng lưu vong ở nước ngoài.

Có những cuộc truy bắt các đối tượng vượt biên ở trong rừng sâu đầy gian nan, nguy hiểm, chỉ có triền miên lương khô, mì gói và con vắt bám theo. Khó khăn không lời nào kể xiết, nhưng anh và đồng đội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Khi trời ngả chiều, câu chuyện về anh cán bộ an ninh trinh sát rẽ sang một hướng khác. Nhiều kỷ niệm và câu chuyện đời thường đã gắn bó suốt 15 “mùa rẫy” của anh Hưng ở Tây Nguyên được nhân vật và già Ly hàn huyên.

“Những năm tháng ở địa bàn, gần như cái Tết nào mình cũng xa nhà. Cái Tết đáng nhớ nhất là năm 2004 – năm đầu tiên mình lên Tây Nguyên. Vào ngày 30 Tết, sau khi đi xuống nhà dân tuyên truyền về, mình ngồi cạnh bậc thang của căn nhà rông, cảm giác nhớ nhà, nhớ Tết ùa về. Mình thèm được ngồi bên mâm cơm chiều 30 Tết với người thân trong gia đình, muốn được ngồi bên bếp lửa nấu bánh chưng, nói chuyện với mọi người về 1 năm qua. Cứ nghĩ đến những chuyện đó, nước mắt mình lại tự nhiên rơi. Không có sóng điện thoại nên mình cũng không thể gọi điện về chia sẻ nỗi nhớ nhà với cha mẹ”, anh Hưng xúc động kể.

Trung tá Hưng trao đổi với già làng và người có uy tín trước khi xuống nhà dân vận động

Nhiều người ở vùng đất đầy nắng và gió này xem anh Hưng là ân nhân, còn người dân làng Klan với anh Hưng như những người thân. “Nếu không có sự cưu mang đùm bọc, hỗ trợ giúp đỡ của người dân làng Klan, đặc biệt là già Ly, thì chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình và xây dựng được thế trận anh ninh vững mạnh như hôm nay”, anh Hưng nói với lòng biết ơn.

Chúng tôi rời làng Klan khi ánh chiều chạng vạng. Trên kia, những ngọn núi đang tím dần dưới bầu trời. Nhìn dáng tất tả lo toan của anh cán bộ anh ninh từng cùng đồng đội đấu tranh, bóc gỡ nhiều tổ chức, đối tượng phản động tôi chợt nhớ già Ly, đã nhắc mấy lần khi nói về bình yên ở Klan hôm nay. Lời lẽ mộc mạc mà chân thật, già Ly bảo rằng: “Với Hưng - buôn làng là quê hương. Với buôn làng - Hưng là ân nhân”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang