Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhiều người hạn chế, thậm chí không ra khỏi nhà, không đến các nơi công cộng, siêu thị, quán sá… dẫn đến tình hình kinh doanh của nhiều trung tâm thương mại (TTTM) cũng như người buôn bán rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm.
“THIẾU MỢ, CHỢ… VẮNG HOE!”
Trước những thông tin về dịch bệnh do virus corona gây ra, tâm lý người dân TPHCM tỏ ra đề phòng. Bà con hạn chế tối đa việc ra ngoài vui chơi như trước đây. Nhiều trung tâm mua sắm, khu du lịch, công viên, chợ... ở thành phố đông dân nhất cả nước tiếp tục giảm lượng khách.
Ghi nhận thực tế vào 2 ngày cuối tuần vừa qua, nhiều trung tâm mua sắm, thương mại, như Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh) Vạn Hạnh Mall (Q10), Vincom Đồng Khởi (Q1) sụt giảm lượng khách rõ rệt.
Tối 8-2, phóng viên có mặt tại khu TTTM Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh). Dù đã 19 giờ, nhưng hai khu vực mua sắm quần áo và ăn uống vẫn thưa thớt người qua lại. Nhiều gian hàng tại trung tâm này trước đây bất kể thời gian nào trong ngày cũng đông khách, nay lại vắng tanh!
Chị Nguyễn Thị Ngọc (quản lý quầy hàng tại một TTTM ở Q1) chia sẻ: “Những tác động lớn do dịch bệnh virus corona đem lại không chỉ là đe dọa đến sức khỏe con người, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Lấy ví dụ quầy hàng của tôi, trước Tết vừa rồi, mỗi ngày doanh thu khoảng 30 - 40 triệu. Một tuần sau Tết, con số này giảm hơn một nửa”.
Các cửa hàng bên trong khu mua sắm, trung tâm thương mại mua bán điu
Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại sụt giảm doanh thu vì dịch bệnh
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các khu chợ truyền thống tại TPHCM. Ghi nhận tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), nhiều tiểu thương bày tỏ sự lo lắng. Ngoài việc ghé chợ để mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu, đa phần người dân chuyển sang hình thức mua hàng qua mạng (online). Việc mua hàng online giúp người dân hạn chế đến nơi công cộng, tránh nguy cơ lây lan dịch viêm phổi do virus corona gây ra.
Siêu thị, cửa hàng đẩy mạnh kinh doanh qua mạng
Ông Đỗ Quốc Huy (Giám đốc marketing Saigon Co.op) cho biết, trước nhu cầu mua sắm của khách hàng giữa mùa dịch do virus corona gây ra, Saigon Co.op cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong thời điểm hiện tại, đồng thời liên kết cùng nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mua sắm, tích trữ sử dụng.
Phía siêu thị Coopmart cũng nâng cấp thêm mảng bán hàng trực tuyến, giải quyết vấn đề hạn chế tới nơi công cộng vào mùa dịch của khách hàng. Theo đó, ngoài mua hàng trực tiếp tại siêu thị, khách hàng có thể đặt hàng gián tiếp qua Tổng đài chăm sóc khách hàng 1900555568 hoặc mua hàng trực tuyến qua website: Coopmart.vn, sau đó siêu thị sẽ giao hàng tận nhà.
Để an tâm mua sắm giữa mùa dịch bệnh, nhiều bà nội trợ phải bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang khi đi mua hàng ở siêu thị vào những ngày qua. Tại các siêu thị của Saigon Co.op như: Co.opmart Văn Thánh (Q.Bình Thạnh), Co.opmart Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), Co.opmart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận)... vào ngày 3 và 4-2, phần lớn khách hàng cũng như nhân viên siêu thị đều đeo khẩu trang khi mua sắm hoặc giao tiếp với khách hàng.
Trước các cảnh báo liên tục về nguy cơ lây lan của virus corona tại Việt Nam và những khuyến cáo phòng dịch, chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) quyết định hạn chế tối đa đến những nơi công cộng, chỉ đi siêu thị vào giờ thấp điểm, nhằm bớt tiếp xúc với người lạ. Chị Hoa cũng giảm số lần đi siêu thị từ 3 - 4 lần/tuần, nay chỉ còn khoảng 1 - 2 lần/tuần. Chị cũng tăng lượng thực phẩm dự trữ trong vài ngày.
“Nghe theo các khuyến cáo nên tôi hạn chế ra ngoài. Tôi chỉ đi siêu thị vào giữa buổi chiều trong ngày đầu tuần, đây là thời điểm ít người mua sắm” - Chị Hoa nói. Tương tự, nhiều khách hàng khác cho biết, thay vì mua sắm mỗi ngày thì nay họ giảm tần suất đến siêu thị, nhưng mỗi lần mua đảm bảo thực phẩm cho gia đình trong vài ngày.
Cạnh đó, nhiều ứng dụng mua sắm trực tuyến trong dịp này bắt đầu tung ra nhiều gói giảm giá hấp dẫn, nhằm thu hút lượng khách mua sắm qua mạng đang tăng cao. “Bây giờ, người dân mua hàng online hết rồi, chứ còn mấy người ghé chợ nữa đâu? Nếu vài ngày nữa, tình trạng này không được cải thiện, tôi cũng xem xét tới việc đóng cửa sạp ít hôm” - Chị Tư, chủ một sạp rau ở chợ Bà Chiểu cho biết.
Khách hàng đã chuyển sang hình thức mua sắm online để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh
PHỐ NHẬU “VẮNG NHƯ CHÙA BÀ ĐANH”
Chỉ cách đây không lâu, thời điểm đại dịch do chủng mới của virus corona vẫn chưa trở thành nỗi lo của nhiều người, tại đoạn có nhiều quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, bàn ghế trong các quán này thường đông đúc, náo nhiệt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần sau Tết Nguyên đán, cảnh tượng đìu hiu tại khu vực này dễ khiến nhiều người bất ngờ.
Tại một nhà hàng dưới chân cầu Bình Lợi (đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh), dù đã vào “giờ cao điểm ăn nhậu” thường lệ, nhưng từ trong ra ngoài khách vẫn vắng tanh. Điều này rõ ràng bất thường. Nhưng giữa “tâm dịch bệnh” do virus corona gây ra, các chủ nhà hàng vẫn phải chấp nhận lỗ vốn.
Nhiều nhà hàng, quán ăn ở TPHCM lâm vào cảnh ế khách vì dịch bệnh virus corona
Cùng chung số phận với “phố nhậu” trên đường Phạm Văn Đồng, khu ăn uống trong khu vực Làng đại học quốc gia (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức) cũng không khá hơn. Để đối phó với tình trạng khó khăn chung, nhiều chủ quán phải “thắt lưng buộc bụng”. Cắt giảm nhân viên, hạ giá bán, thậm chí đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng là cách thức giúp các nhà hàng, quán nhậu có thể trụ lại qua thời kỳ kinh doanh khó khăn này.
Cạnh đó, tình trạng sụt giảm lượng du khách cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của những khu vực tập trung đông khách du lịch như phố đi bộ Bùi Viện (Q1). Ghi nhận nhanh tối 8-2, mặc dù lượng khách tập trung về khu vực này vẫn khá đông, song lượng khách ghé vào các hàng quán hai bên đường đã giảm hẳn. Tâm lý du khách đa phần tới chỉ để tham quan cho biết và nhanh chóng rời đi, hạn chế ngồi lâu.
Phố nhậu trên đường Phạm Văn Đồng vắng hoe
Một chủ cửa hàng kinh doanh cà phê, bia tại phố Bùi Viện cho biết, du khách đến từ các nước châu Âu tỏ ra khá dè chừng khi hay tin dịch bệnh do virus corona gây ra. Cũng chính vì lý do này mà nguồn thu của các hàng quán ở “phố Tây” đi xuống trông thấy khi dịch bệnh được công bố trong những ngày vừa qua. Giữa lúc bệnh dịch ngày càng diễn bến phức tạp, vẫn chưa tìm được vắc-xin hữu hiệu để phòng ngừa thì tình hình kinh doanh của nhiều TTTM cũng như người buôn bán tại TPHCM vẫn ế ẩm.
Ngoài những tác động xấu đến môi trường kinh tế nhỏ lẻ, đại dịch do virus corona gây ra còn tác động lớn đến thị trường xuất khẩu cả nước, đặc biệt là nhóm các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngay trong tháng đầu năm nay, hàng Việt xuất sang Trung Quốc đã giảm 1,5 tỷ USD so với tháng trước đó. Dự báo hàng Việt sẽ thiệt hại nhiều hơn do dịch bệnh này đang diễn biến khó lường.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như: dưa hấu, thanh long, xoài... đang bị ách tắc ở các cửa khẩu, bởi doanh nghiệp Trung Quốc không nhập hàng vì nhu cầu tiêu thụ trong nước họ tụt dốc.
Hiện nay, các cửa khẩu đường bộ, đường biển của Việt Nam và Trung Quốc đang bị kiểm soát chặt chẽ để phòng tránh bệnh dịch do virus corona.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các ngành hàng thủy sản, gỗ, rau quả và gạo sẽ bị ảnh hưởng lớn do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp xuất phát từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành hàng chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Các ngành hàng đa phần đã có sự chuẩn bị để thích ứng với biến động mạnh này từ thị trường xuất khẩu truyền thống.