Giá trái cây, tôm, cua... rớt thê thảm trong mùa dịch virus Corona

Thứ Năm, 06/02/2020 17:37

|

(CATP) Thông thường, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, các cửa khẩu (CK) Trung Quốc (TQ) đều thông thương. Nhưng năm nay do virus corona bùng phát, thời điểm này phải dời đến 8-2 (tức 15 tháng Giêng), khả năng có thể kéo dài tùy diễn biến của dịch. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) như ngồi trên đống lửa. Nông dân "khóc ròng" do sản phẩm làm ra rớt giá, bán không ai mua, trong khi DN xuất hàng không được…

TÔM, CUA THỜI… ĐẠI DỊCH!

Tiếp xúc với chúng tôi, ông T. - Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản - buồn bã cho biết, trung bình tháng 1 đầu năm, công ty xuất khẩu (XK) tôm sang TQ đạt 3 - 5 triệu USD, nhưng năm nay doanh số chỉ khoảng 450 ngàn USD...

Trong khi đó, đường biển hoạt động bình thường nhưng khách không chịu nhận hàng vì khi sang đến nơi bán không được, nên hàng trăm tấn tôm của công ty phải tồn kho, khiến giá sụt từng ngày. Nhiều DN xuất nhập khẩu thủy sản và người nuôi trồng mặt hàng này cũng đang trong tình trạng khóc dở mếu dở.

Tây nguyên: Dưa hấu bán chẳng ai mua

Người dân trồng dưa hấu ở các tỉnh Tây nguyên cũng đang "khóc ròng" khi giá giảm còn 1.000 đồng/kg nhưng vẫn chẳng có người mua. Năm trước, giá dưa vụ này bà con bán được 7.000 - 9.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá dưa thu mua tại nhà vườn ở Gia Lai chỉ còn 800 - 1.000 đồng/kg, tính cả công bốc dỡ thì dao động 1.300 - 1.800 đồng/kg, tùy loại. Dưa hấu ở các tỉnh Tây nguyên, đặc biệt là Gia Lai, đang vào chính vụ thu hoạch nhưng do virus corona, TQ tạm đóng biên nên thương lái không xuất được hàng, khiến giá giảm mạnh.

Trước Tết Nguyên đán, tôm thẻ cỡ 60 con/kg giá 125 ngàn đồng, tôm sú loại 20 con/kg khoảng 230 ngàn đồng, nhưng do ảnh hưởng của virus corona, giá tôm tại thị trường TQ "tuột" không phanh: tôm thẻ 60 con/kg chỉ hơn 85.000 đồng.

"Với giá trên, trừ chi phí thì DN và người nuôi tôm Việt Nam sẽ lỗ nặng", anh D. - một đại lý thu mua tôm ở Bạc Liêu - khẳng định. Thống kê cho thấy, địa bàn Bạc Liêu, Cà Mau được ví như "vương quốc tôm" với nhiều DN xuất khẩu hàng sang TQ. Thế nhưng do virus corona, các CK phải đóng, DN tồn kho lượng lớn tôm nên không thể mua hàng tiếp, vốn "đóng băng", công nhân lao động cầm chừng.

Cùng chung thảm cảnh, cua cũng rớt giá thê thảm. Cua biển - một trong những đặc sản nổi tiếng của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng - đã được XK sang TQ. Trước Tết Nguyên đán, giá cua ở Cà Mau liên tục "nhảy múa" với xu hướng tăng. Cua biển Năm Căn (được xem là ngon nhất tại Cà Mau) có thời điểm lên đến 700 - 750 ngàn đồng/kg (loại 1), nhưng khi đại dịch được công bố, giá lại rớt thê thảm.

Ông Huỳnh Hùng Anh, Phó chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn - đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn, cho biết từ sau Tết đến nay giá giảm khoảng 40% do ảnh hưởng bởi virus corona, hàng không xuất được sang TQ, trong khi thị trường trong nước cũng tiêu thụ chậm, khiến nhiều vựa cua lỗ nặng.

Thương lái mua cua than trời vì giá quá rẻ

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Ngay đầu năm Canh Tý, tỉnh đối mặt với 2 khó khăn: thứ nhất, hạn mặn bủa vây, nhiều tuyến đường, đặc biệt là đê biển Tây có nguy cơ sạt lở cao, cần sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; thứ hai, địa phương chịu ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona. Tỉnh xác định thủy sản là ngành kinh tế trọng điểm, nhưng thời gian gần đây không ít DN kinh doanh mặt hàng này gặp khó khăn khi XK sang TQ, do bên ấy không thông quan. Tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ DN và người dân như giảm lãi suất, giãn kỳ hạn cho vay để tạo cơ hội cho người dân sản xuất, DN tiếp tục kinh doanh mua bán, tạo việc làm cho người lao động".

NÔNG SẢN CHỜ "GIẢI CỨU"

Cũng tại thời điểm này, nhiều chủ vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long than vắn thở dài bởi trái cây rớt giá thê thảm. Tại huyện Châu Thành - Hậu Giang, nơi người dân khá lên nhờ mít Thái xuất sang TQ thì nay lâm cảnh ảm đạm. Toàn huyện có gần 5.000ha trồng mít Thái siêu sớm đang vào mùa thu hoạch nhưng giá rớt thê thảm, thương lái đang thu mua.

Sợ mít chín trên cây, nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang hái về chất trong sân

Anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) cho biết, giá mít trước Tết 40.000 - 55.000 đồng/kg, nay chỉ còn 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng TQ không mua. Ông Mai Văn Khuyên vừa bán cả tấn mít được hơn 3,5 triệu đồng cho biết: "1 tấn mít trước Tết từ 40 - 45 triệu đồng, giờ chỉ còn 4 - 5 triệu, cũng đành chịu".

TPHCM: Du lịch thất thu

Theo Sở Du lịch TPHCM, hiện số cơ sở lưu trú trên địa bàn là 4.565, trong đó số đã xếp hạng là 1.533/4.565 với 44.232 phòng. Tỉ lệ khách lẻ hủy đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến tăng cao, trong khi nhiều khách sạn 4 - 5 sao cũng cho biết công suất phòng hiện rất thấp, có nơi chỉ hơn 30%, dù đang trong mùa cao điểm, nguyên nhân do ảnh hưởng của virus corona khiến các đoàn khách quốc tế hủy tour. Các công ty du lịch lớn ở TPHCM cho biết đã hủy tất cả đoàn khách TQ đến TPHCM trong tháng 2 này, một số hãng lữ hành khác cũng đã làm việc với đối tác ngưng nhận khách từ các vùng có dịch sang.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, không chỉ mít mà sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm, dưa hấu, vú sữa, thanh long (TL) cũng đang giảm giá mạnh trong khi thương lái thờ ơ. Ở Phong Điền, TP.Cần Thơ, giá chôm chôm chỉ còn 10.000 đồng/kg, trong khi trước đây 25.000 - 35.000 đồng/kg; giá vú sữa giảm còn 7.000 - 9.000 đồng/kg, nhưng thương lái chẳng đoái hoài.

Thê thảm hơn phải kể đến trái TL được trồng nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, trước Tết giá TL ruột đỏ từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, qua Tết giảm còn 5.000 đồng/kg, thậm chí nhiều kho phải đóng cửa do thương lái không thu mua.

Giá thanh long hiện chỉ còn vài ngàn đồng 2/kg

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Long An (địa phương có diện tích trồng TL lớn nhất miền Tây), hiện sản lượng TL tồn kho khoảng 1.900 tấn, dự kiến sản lượng thu hoạch toàn tỉnh (từ 28-1 đến 13-2) khoảng 63.000 tấn. Dịp Tết Nguyên đán, tình hình tiêu thụ TL gặp khó khăn do đã đến vụ thu hoạch nhưng thương lái không mua; các kho thu gom, sơ chế, bảo quản... tạm thời đóng cửa.

Ông Nguyễn Quốc Nghiêm, quản lý kho Công ty TNHH nông sản Rạng Đông (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), cho biết, trước Tết, các nhà kho đặt cọc mua TL của nông dân từ 30.000 - 32.000 đồng/kg, nhưng do tình trạng tiêu thụ sang TQ gặp khó khăn nên giá giảm rất nhiều.

"Trong khi đó, nhà vườn yêu cầu phải thu mua đúng với giá ban đầu hoặc chỉ chấp nhận giảm 50%. Tuy nhiên, các nhà kho chỉ hỗ trợ thu mua 5.000 đồng/kg. Với giá này, DN sẽ lỗ, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận lấy hàng về, vì nếu bỏ cọc thì số TL nhà vườn sẽ xử lý thế nào. Trong khi kho lạnh của công ty chỉ cấp đông được khoảng 120 tấn trong thời hạn 15 ngày. Sắp tới đây chúng tôi cũng chưa biết giải quyết thế nào, rất mong Nhà nước có biện pháp hỗ trợ cho DN", ông Nghiêm bày tỏ.

Trung Quốc không thông quan để phòng chống dịch, trái cây vì thế tràn ra chợ với giá rẻ

Theo Hiệp hội TL tỉnh Bình Thuận, địa phương là nơi có diện tích trồng TL lớn nhất Việt Nam với hơn 30.000ha, sản lượng 550.000 tấn/năm và TQ là thị trường XK chính, tiêu thụ 75 - 80% sản lượng. Nhưng do diễn biến phức tạp của dịch, hiện hơn 100 xe container TL (mỗi xe 20 tấn) của tỉnh vẫn đang nằm chờ tại các CK biên giới với TQ. Một số cơ sở vẫn mua hàng loại đẹp xuất qua Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Canada... với giá 8.000 đồng/ký. Tuy nhiên, lượng hàng qua các nước này không nhiều.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: "Tình hình XK nông sản sang TQ gặp không ít khó khăn do các đoàn đàm phán hai bên khó tiếp tục lịch trình để mở cửa chính thức cho nhiều loại nông sản. Để ứng phó với tình trạng này rất cần sự đồng hành, quyết tâm của Nhà nước, Chính phủ, DN, người dân. Các tỉnh, hiệp hội cần rà soát lại ngành hàng. Bên cạnh đó, những DN bán lẻ cần vào cuộc tích cực để hỗ trợ nông dân. Hiện dưa hấu rớt giá, bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển sang trồng các cây khác như: đậu tương, ngô, rau...".

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và XK thủy sản Việt Nam, cho biết: "Hiện nay, tác động của việc hủy đơn với mặt hàng thủy sản do virus corona chưa có, nhưng đã xảy ra tình trạng chậm và điều chỉnh đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16-2 mới bắt đầu nhận hàng. Khó khăn trước mắt mà các DN gặp phải là một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận container hàng chở đi TQ, các khách hàng lớn ở Nhật Bản cũng đề nghị không đưa hàng qua TQ. Số DN có hàng xuất sang TQ sản lượng lớn hiện đang tồn kho; trong khi phía TQ, nhiều khách bán trực tiếp cho các nhà hàng đã giảm hoặc ngưng mua hàng vì không muốn mất chi phí lưu kho do hệ thống nhà hàng, cửa hàng thực phẩm bên ấy đã tạm dừng hoạt động...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang