THEO CÁNH THỢ SĂN
Chuột đồng thường xuất hiện nhiều ở những vựa lúa miền Tây. Vào mùa nước nổi, do hang bị ngập nên chúng phải kéo lên các bờ đê trú ẩn và nhiều người ở các làng quê lại hối hả bơi xuồng đi săn.
Theo hướng dẫn của anh Ba Bộ, chúng tôi tìm về làng săn chuột đồng ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - nơi có vài trăm “thợ” hành nghề. Ông Tám Tâm (người dân địa phương) cho biết: “Muốn đi săn chuột thì 6 giờ chiều tới đây”.
Đúng giờ, đội quân săn chuột đồng xuống xuồng sang cánh đồng đối diện để thi thố tài năng. Hơn 30 phút, xuồng chúng tôi len lỏi vào con kênh cây cối um tùm cùng dàn đồng ca ếch, nhái râm ran. Tắt máy, “thợ săn” Nguyễn Văn Sửu đội đèn lên đầu rồi tiến thẳng ra mũi xuồng quan sát, tay anh khoát nhẹ bơi dầm trên mặt nước, cố gắng không để phát ra tiếng động nào.
Tôi thắc mắc, anh Sửu giải thích: “Chuột rất khôn, nghe động sẽ chạy mất”. Đầu đội đèn tự chế, anh Sửu đảo liên tục vào 2 mé bờ. Con kênh có nơi rộng cả chục thước nhưng có chuột là anh Sửu nhận ra liền.
Bơi được một đoạn, động tác của anh chậm lại, mũi xuồng được áp sát bờ, tay anh nhè nhẹ với lấy cây chĩa hai phóng vụt vào bãi cỏ, tiếng kêu “éc… éc” vang lên. Nhưng anh Sửu không vội bắt chuột ngay mà rút cây chĩa thứ hai tung thêm phát nữa rồi mới thu “chiến lợi phẩm” là 2 chú chuột mập ú.
Tiếp tục bơi đồng thời quan sát hai bên bờ và cả ngọn cây, anh Sửu rà tìm chú chuột vừa chạy vào hang, dùng miệng mô phỏng âm thanh như tiếng chuột kêu. Cuối cùng, con chuột cũng không thoát khỏi trình độ dẫn dụ điêu luyện của anh.
Về việc nhận dạng chuột chạy trong đêm, anh Sửu chia sẻ: “Chuột tuy ở cách xa nhưng vẫn phát hiện được vì không phải mình nhìn cả cơ thểnó, mà chỉcần quan sát ánh mắt, bởi khi rọi đèn, mắt nó sẽ phát sáng. Kêu bằng miệng như thể chuột con gặp nạn cầu cứu là chuột mẹ tự động chui ra khỏi hang hay bụi rậm ngay”.
Buổi đi săn còn thu thêm nhiều “chiến lợi phẩm” khác như rắn, ếch, chim trời. Với những người thợ chuyên nghiệp, họ không chỉ bắt chuột ven kênh, mà còn săn các chú tí trong gốc cây, ngay cả khi chúng leo lên ngọn cao. Một thợ săn khoảng 50 tuổi theo đoàn cho biết: “Nỗi vất vả của nghề này là thức đêm ngủ ngày. Quá trình săn bắt, hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào như mưa bão, cây ngã đè chìm xuồng, có trường hợp hy hữu bị người dân rượt đánh vì hiểu lầm là trộm”.
Ngoài săn đêm, người dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) còn đi dỡ chà trong những tháng nước lũ cho đến giáp Tết. Trong cái nắng nhẹ của miền biên ải, ông Năm Gấu (ngụ xã Phú Hữu) quyết định cùng “chiến hữu” đi dỡ chà với bộ đồ nghề gồm lưới cước, leng, lọp… Đến nơi có đống chà được chất từ thân cây ớt và bắp, cả nhóm bắt đầu dùng lưới bao quanh, đặt lọp vào một góc lưới để chuột chui vô. Khi đống chà dỡ sắp hết, đàn chuột chạy lào xào như đám vịt bị lùa xuống nước. Vòng vây thu hẹp lại, hàng trăm con chuột nháo nhào ùa vào lọp, óng một màu vàng ươm, béo mượt. Chiếc lọp chứa chuột ước chừng gần chục ký.
Theo lãnh đạo xã Hòa Mỹ và Phú Hữu, nhờ các đội săn chuột đồng ra quân rầm rộ mà diện tích lúa vụ 3 hoặc đông xuân được giải nguy, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương.
Người dân An Giang bắt chuột bằng cách dỡ chà
Đàn chuột rúc vào lưới sau khi chà được dỡ ra
NHỮNG CHỢ CHUỘT “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ”
Những ngày cuối năm, nhiều chợ chuột ở miền Tây nhộn nhịp người mua, kẻ bán. 0 giờ sáng, tại chân cầu La Bách, chúng tôi thấy xuồng ghe đậu san sát, đèn sáng một khúc sông. Chị bán cà phê cho biết, đó là những thợ săn đang lột da chuột trước khi mang lên chợ cân cho thương lái.
Tại ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ có ngôi chợ hoạt động cách nay hơn 20 năm, ở một góc bày bán các đặc sản như rắn, ếch, chuột đồng, thu hút hàng chục thương lái từ Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ tụ về. Ở ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang cách đây gần nửa thế kỷ đã hình thành ngôi chợ mang tên Phù Dật, chỉ mua bán mặt hàng duy nhất là chuột đồng.
Giai đoạn trước 1975, người dân trồng lúa mùa, do chuột đồng cắn phá nên bà con ra sức diệt, nhưng khi bắt về ăn không hết nên một số người đem ra chợ bán. Từđó, nhiều người dân sống dọc kênh Phù Dật tham gia bắt chuột và các điểm thu mua cũng được lập nên.
Chợ chuột đồng diễn ra sôi nổi nhất từ 8 - 10 giờ hàng ngày. Mỗi sạp sơ chế bắt đầu từ việc lựa chuột, lột da, mổ bụng rồi ướp đá, đóng thùng với hơn chục công nhân, sau đó gửi xe đi các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, thậm chí ra Bắc, bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu.
Ở đây, chuột được bán 50 - 70 ngàn đồng/kg. “Mỗi ngày, tôi mua được khoảng 1 tấn” - chị chủ sạp tên Hương cho biết. Nhờ sự“độc nhất vô nhị” này mà chợ chuột Phù Dật nằm trong top 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng.
CÁC MÓN ĐẶC SẢN TỪCHUỘT
Từ lâu, thịt chuột đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều món độc đáo và mới đây, dân nhậu vùng biên giới An Giang còn chế thêm món chuột nướng thùng thiếc.
Là một trong những “đầu bếp” sáng chế ra món khoái khẩu này, ông Hà Thanh Phong (ngụ xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn) kể: “Hơn chục năm trước, lúc đi ruộng cắt lúa bắt được mớ chuột, do không có dụng cụ gì nấu nên tôi lấy cái lon sữa bò cho con chuột vào nướng thử, ai ăn cũng khen ngon nên từđó món này được lan truyền đến bây giờ”.
Qua nhiều lần chế biến, người dân địa phương đã chuyển sang dụng cụlớn hơn là cái thùng thiếc. Chuột được làm sạch đem ướp ngũvị hương cho thấm. Trước khi nướng, người ta dùng sợi dây kẽm xỏ ngang mình con chuột, sau đó lấy 2 đầu dây buộc vào đáy thùng.
Tiếp đến chuẩn bị củi đốt cho có than rồi đặt miệng thùng lên, bỏ thêm củi vào, hạ bớt lửa khoảng 10 phút là chuột chín. Cầu kỳ hơn, lửa cháy chừng 5 phút sẽ dỡ thùng ra, lấy nước dừa tươi hoặc mật ong phết lên da chuột, rồi tiếp tục nướng. Món chuột nướng thùng khi chín sẽ chuyển màu vàng ruộm, mùi thơm phức, thịt chín đều, không cháy sém, lại giòn rụm.
Được mệnh danh là “bộ đôi” chế biến món chuột nướng thùng, ông Hai Ni kể, ngày Tết, bà con dòng họ tụ họp về xứ này, anh em kéo nhau ra đồng bắt chuột rồi nướng, lai rai với rượu đế hết sức xôm tụ đã trở thành kỷ niệm khó quên. Ngoài chuột nướng thùng, lu, chuột đồng còn mê hoặc thực khách với hàng chục cách chế biến khác như: áp chảo, rang muối, xào sả ớt, khìa nước dừa, xào lăn… khiến những người xa quê hay khách đến thăm ăn một lần sẽ nhớ mãi.