Gian nan cuộc chiến chống lạm dụng rượu bia:

Bài 1: Luật đã thực thi, dân nhậu vẫn "chén thù chén tạc"

Thứ Sáu, 03/01/2020 18:45

|

(CATP) Dù luật đã thực thi, nhưng tình trạng nhậu nhẹt tràn lan tại các quán ăn, quán nhậu, nhà hàng.

Ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực, với nhiều hành vi bị nghiêm cấm, như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn...

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức; sĩ quan, hạ sĩ quan... trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên cũng bị cấm uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Dù luật đã thực thi, nhưng tình trạng nhậu nhẹt tràn lan tại các quán ăn, quán nhậu, nhà hàng trên địa bàn TPHCM. Trong ngày Tết Dương lịch, tình trạng này đông đúc còn hơn ngày thường, chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Phóng viên Báo Công an TPHCM đã ghi nhận tình hình tại một số điểm tập trung dân nhậu. Nhà hàng, quán nhậu vẫn đông, tiếng "Dzô... Dzô..." vẫn vang lên, như thể không có gì thay đổi. Qua đó mới thấy cuộc chiến chống lạm dụng rượu, bia đang gặp không ít gian nan. Nhưng để bảo đảm cho môi trường xã hội an toàn, cả nước vẫn phải quyết tâm làm và làm bằng được.

QUÁN NHẬU VẪN ĐÔNG NGHỊT

Lúc 20 giờ ngày 1-1-2020, chúng tôi có mặt tại các tuyến đường được xem là "thủ phủ" của quán nhậu trên địa bàn TPHCM, như: Hoàng Sa, Trường Sa, Đại lộ Phạm Văn Đồng... Ngày đầu tiên của năm mới 2020 cũng là ngày nghỉ lễ, các quán nhậu hầu như đều chật kín bàn từ trưa, nhiều nơi khách phải gọi điện đặt bàn trước khi đến.

Tuy nhiên, việc các quán nhậu đông đúc như cũ không đáng quan ngại bằng việc ở các bãi giữ xe trước những quán nhậu trên, xe máy của khách xếp dày đặc, trong khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực, cấm hẳn việc lái xe ngay sau khi uống rượu, bia.

Không nên nhậu nhẹt quá đà

Khoảng 18 giờ cùng ngày, hơn chục thanh niên nam, nữ đi trên 6 xe máy tới trước quán "Bia Sệt 6xx" trên đường Trường Sa. Khi được hỏi, anh Nguyễn Thanh Hải (21 tuổi, ngụ Q3) cho biết: "Hôm nay là tân niên, nhóm tụi em kéo ra đây để nhậu ăn mừng năm mới".

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình:

Năm 2020 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Vì vậy, Chính phủ chỉ đạo triển khai "Năm ATGT 2020" với chủ đề "Đã uống rượu, bia thì không lái xe", với mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm 2019.

Hải cho biết đang là sinh viên của một trường đại học, nhóm bạn đi cùng cũng học cùng lớp. Về việc hôm nay là ngày đầu áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Hải hoàn toàn không biết nên vẫn lái xe máy đi nhậu bình thường. Tại quán bia trên, chỉ trong 30 phút tiếp theo, có thêm ít nhất 5 người đến quán bằng xe máy. Lượng xe máy tại quán đến 20 giờ cùng ngày khoảng hơn 30 chiếc.

Là một trong những người hiếm hoi đến quán nhậu bằng xe ôm công nghệ, ông Dũng (50 tuổi, ngụ Q10) chia sẻ: "Theo tôi, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết phải có. Bao năm qua, đã có quá nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu xảy ra. Hôm nay, khi bạn bè rủ đi ăn tân niên, tôi quyết định đi bằng xe ôm, để lỡ quá chén thì cũng có người chở về, không phải tự lái xe khi không còn tỉnh táo".

Hình ảnh trong một quán nhậu

Cạnh đó, nhiều chủ quán nhậu đã tích cực tìm giải pháp khi "luật cấm lái xe sau khi nhậu" ra đời. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hiếu (chủ một nhà hàng trên đường Trường Sa) cho biết, đã nắm về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày đầu năm 2020. Chủ quán nhậu này nhanh chóng đưa ra "khuyến mãi hấp dẫn": sẵn sàng giữ xe qua đêm cho khách hàng.

Theo ông Hiếu, ông đã thuê sẵn một bãi giữ xe rộng, cách quán khoảng 30m để giữ xe cho khách. "Nay Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tôi tận dụng luôn khoảng sân này để giữ xe qua đêm cho khách hàng, vừa giúp khách nhậu thoải mái, vừa tăng thu nhập cho nhân viên". Nhân viên của quán cũng được hướng dẫn giúp khách hàng đặt taxi hoặc xe ôm ngay khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, số chủ quán nhậu nhanh chóng cập nhật tình hình, tìm giải pháp cho khách như ông Hiếu không nhiều. Nhiều chủ quán khác lại tỏ ra lo ngại về việc luật mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Cùng với công tác tuyên truyền, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đã sớm phối hợp với Công an các quận, huyện trên địa bàn đẩy mạnh công tác xử lý những tài xế uống bia, rượu mà vẫn cố tình điều khiển phương tiện. Đợt ra quân từ ngày 29-10-2019 kéo dài đến hết 31-1-2020, lực lượng CSGT Công an TPHCM đồng loạt kiểm tra xe container, xe bồn, xe tải, xe khách, xe máy, xe thô sơ...

Trong chuyên đề kiểm tra lần này, tập trung vào các hành vi uống rượu, bia (đo nồng độ cồn); sử dụng ma túy trái phép; chạy quá tốc độ quy định, lưu thông không đúng phần đường, làn đường; chở quá số người; không đội mũ bảo hiểm...

Kiểm tra vi phạm an toàn giao thông.

Đợt thực hiện chuyên đề cũng kết hợp với công tác phòng chống đua xe trái phép, kiểm tra, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến đường. "Sau khi kiểm tra, nếu không có vi phạm, CSGT sẽ trả lại giấy tờ, nói lời cảm ơn về sự hợp tác của người điều khiển xe. Trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT tiếp tục kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Cơ hội kiếm thêm thu nhập

Anh Hà Thanh Quang (tài xế xe ôm công nghệ) cho biết, anh chạy GrabBike chủ yếu vào ban đêm để kiếm thêm. Mỗi ngày một vài chuyến, có đêm ít khách thì không chạy chuyến nào. "Hôm nay, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Nếu nhiều người tuân thủ chấp hành là tin vui đối với các anh em tài xế như mình, vì lượng khách hàng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, chở mấy ông say xỉn cũng rất nhiêu khê. Nhiều ông trở nên xấu tính, quỵt tiền, thậm chí ói trên xe... cũng không phải hiếm" - anh Quang nói.

Trong quá trình tổng kiểm tra, nếu xảy ra các hành vi chống đối, không chấp hành hiệu lệnh, CSGT sẽ sử dụng camera ghi lại sự việc, phối hợp các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM), thống kê từ ngành chức năng cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu, bia chiếm khoảng 6 - 9% tổng số vụ TNGT. Năm 2018, có 25.589 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã bị xử lý, con số đó trong 9 tháng đầu năm 2019 là 17.834 trường hợp.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện

Một trong những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia là vụ xảy ra lúc 23 giờ ngày 21-10-2018, Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ Q12) điều khiển xe BMW chạy trên đường Điện Biên Phủ (TPHCM), đến khu vực ngã tư Hàng Xanh đã tông vào 5 xe máy, 1 taxi lưu thông cùng chiều, sau đó lao vào 1 taxi khác rồi mới dừng lại. Hậu quả, một người bị cuốn vào gầm xe và tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương nặng.

Tại cơ quan điều tra, Nga khai trước đó đã dự tiệc và có uống rượu, bia. Tiệc tàn, Nga lái ôtô ra về và gây tai nạn. Kết quả đo nồng độ cồn của nữ tài xế này là 0,94 miligam/lít khí thở, vượt xa mức cho phép. Tháng 6-2019, TAND Q.Bình Thạnh xử sơ thẩm và tuyên phạt Nga 42 tháng tù về tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo Ban ATGT TPHCM, hiện chưa có thống kê đầy đủ về mức tiêu thụ rượu, bia của người dân thành phố. Nhưng theo số liệu của Sở Công thương, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán, thị trường thành phố đã tiêu thụ tới 44 triệu lít bia. Từ thực tế này, Ban ATGT cảnh báo, nếu không có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt để kiểm soát việc sử dụng rượu, bia thì tình hình TNGT liên quan đến việc sử dụng rượu, bia có nguy cơ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.

CSGT TP.Hà Nội tập trung xử lý tài xế có uống bia, rượu

Ngày 1-1-2020, đại tá Dương Đức Hải (Trưởng phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết, công tác nhắc nhở, xử lý người điều khiển phương tiện uống bia, rượu, sử dụng ma túy... đang được thực hiện thường xuyên. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, quy định những chế tài cụ thể hơn để lực lượng chức năng quyết liệt xử lý vi phạm.

Đến thời điểm này, các đội phụ trách địa bàn của Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội đã được quán triệt kỹ nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Đến cuối giờ chiều 1-1, các lực lượng chức năng của Công an TP.Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 1.430 vụ vi phạm luật giao thông đường bộ; trong đó có 795 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Riêng lực lượng CSGT xử lý 1.225 trường hợp, với hơn 60 xe khách, xe tải; tạm giữ 225 bộ giấy tờ, 46 phương tiện; tước giấy phép lái xe 78 trường hợp; xử lý 150 trường hợp vượt đèn đỏ...

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang