Hậu vụ án Công ty Địa ốc Alibaba: Vẫn còn những cú lừa... siêu hạng

Thứ Ba, 24/12/2019 10:39

|

(CATP) Tưởng chừng sau vụ “chủ tịch” Nguyễn Thái Luyện của Tập đoàn Địa ốc Alibaba tra tay vào còng, trả giá cho những chiêu trò làm ăn bất chính, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ trong sạch hơn, vì các gian thương nhìn vào bài học nhỡn tiền trên mà giật mình.

Thế nhưng hậu vụ án Công ty cổ phần (CP) Địa ốc Alibaba, vẫn còn những cú lừa siêu hạng khiến khách hàng sập bẫy, không kịp trở tay. Thị trường BĐS có thể một bước đưa nhà đầu tư “lên hương”, nhưng cũng có thể trắng tay chỉ sau một đêm!

KỲ 1: GIÁM ĐỐC TRẺ CÓ TÀI VẼ... DỰ ÁN “MA”

Dù dự án không được cơ quan chức năng cấp phép, thế nhưng Công ty CP King Home Land vẫn rao bán, thu hàng chục tỷ đồng từ khách hàng. Nhiều người vì cả tin vào những lời hứa hão của chàng giám đốc “9X” và sập bẫy lừa. Đến lúc khách hàng tìm đến công ty đòi lại tiền thì tá hỏa khi tất cả chỉ còn lại cảnh “vườn không, nhà trống”. Chàng giám đốc có tài thuyết phục ngày nào, giờ đã bỏ trốn mất tăm.

Những dự án "bánh vẽ"

Đặng Tiến Trường xuất thân từ quê biển Khánh Hòa, dù chỉ mới 27 tuổi, nhưng có tài ăn nói. Tận dụng năng khiếu trời cho này, Trường dấn thân vào mảng kinh doanh BĐS, gặt hái được một số thành công. Có được ít vốn, Trường đánh liều mở công ty BĐS có địa chỉ tại P7, Q.Gò Vấp, với cái tên khá kêu: Công ty CP King Home Land (gọi tắt là King Home Land). Sau đó, Trường “xắn tay” vào chiến lược thu hút khách hàng.

Ở thời buổi hiện tại, nhiều người tạo ra uy tín bằng sự hào nhoáng. Từ đó, những “dự án” mang tên: King Home 4 (Q9), King Home 2 (Q12), King City Long Thành (H.Long Thành, Đồng Nai) được Trường “vẽ” ra, dù chưa có dự án nào được cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép hợp pháp.

Giám đốc bị bắt do thuê ôtô rồi đem cầm

Mới đây, CAP8 (Q.Gò Vấp) nhận đơn tố cáo của ông H.K.N về việc bị Đặng Tiến Trường thuê ôtô BS: 66A-047... để đi lại, nhưng đem cầm cố tại tỉnh Tây Ninh với giá 90 triệu đồng.

Qua truy xét, tối 19-12 vừa qua, Đặng Tiến Trường đã bị CAP8 (Q.Gò Vấp) phát hiện và tạm giữ khi xuất hiện tại địa bàn phường. Vụ việc sau đó được chuyển đến CAQ Gò Vấp thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Hay tin Trường bị bắt, nhiều nạn nhân đã đến CAQ Gò Vấp để nộp đơn tố cáo hành vi “vẽ” dự án “ma” nhằm lừa đảo của Trường.

Để dự án “ma” thêm phần thuyết phục, Trường tậu “bửu bối” để “lận lưng”. Tại những nơi bị “hô biến” thành dự án, anh ta liên hệ các chủ đất, đề nghị ủy quyền cho mình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến lô đất và đứng ra giao dịch với khách hàng. Tuy nhiên, trong phạm vi ủy quyền không có điều khoản thu tiền khách hàng.

Trường lấy danh nghĩa tổng giám đốc King Home Land (dù chỉ là giám đốc), rao bán rầm rộ các dự án “ma” trên và ngang nhiên thu tiền của khách hàng. Anh ta còn củng cố niềm tin thông qua việc cam kết trong các hợp đồng giao dịch về điều khoản 4 tháng sẽ bàn giao nền, 6 tháng sẽ lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Với những cam kết hùng hồn của Trường, hàng chục khách hàng bị thuyết phục, nộp tiền và chờ ngày ra “sổ hồng”. Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ! Hiện tại, nhiều khách hàng bị anh ta đưa vào thế tiền mất, mà đất chẳng thấy đâu.

Bà V.H.T.L. (ngụ Q.Tân Bình) là một trong những nạn nhân đầu tiên phát hiện ra việc mình bị lừa. Tháng 1-2019, bà bỏ ra 720 triệu đồng mua đất tại dự án King Home 2 (theo hiện trạng đất thì thuộc tờ bản đồ số 58, thửa số 592, P.Thạnh Xuân, Q12), với lời hứa sẽ được bàn giao nền sau 4 tháng. Vậy mà đến nay, đất chưa bàn giao, bà gọi đến số điện thoại của “tổng giám đốc” thì liên tục cáo bận, né tránh, thậm chí tắt máy.

Cùng cảnh ngộ là ông D.T.H. (ngụ Q12). Nhìn vẻ ngoài của Trường, nghĩ y là người đàng hoàng nên ông gom góp tài sản trong nhà và mượn thêm của bạn bè, người quen, tổng cộng được 717,5 triệu đồng, ký hợp đồng thỏa thuận nhận chuyển nhượng lô số 03, liên kết C (thuộc tờ bản đồ số 58, thửa số 592, P.Thạnh Xuân, Q12) với King Home Land. Ông chắc mẩm sau khi đất có giấy chứng nhận thì sẽ “vô mánh đậm”. Thế nhưng khi hy vọng chưa thành, ông đã nhận tin “sét đánh”: Công ty Trường đã gỡ bảng hiệu, còn chàng “tổng giám đốc” hào hoa thì... trốn mất tăm.

Quá xót của, ông H. cất công đi tìm hiểu trên thực địa thì mới vỡ lẽ, lô đất mình đã giao dịch không thuộc tờ bản đồ số 58, thửa số 592 như trong hợp đồng hai bên đã ký, mà là phần đất trống nằm kế bên (đang có người dựng nhà mái tôn để ở trên lô đất này).

Các dự án “ma” do Công ty King Home Land “vẽ” ra tại Q9 và Q12 thực tế chỉ là những lô đất

HÀNG LOẠT KHÁCH HÀNG NHẬN “TRÁI ĐẮNG”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công an TPHCM, đến thời điểm hiện tại, có hơn 20 khách hàng đã mua đất của King Home Land, số tiền họ nộp cho Trường từ 600 triệu đến 2,35 tỷ đồng/người. Chiều 20-12- 2019, nhiều khách hàng tập trung nộp hồ sơ tố cáo Trường đến cơ quan chức năng. Hầu hết đều tỏ ra hoang mang, suy sụp.

“Giờ không có cách nào để liên lạc với công ty. Mọi phương tiện, từ điện thoại đến email đều bị gián đoạn. Trong khi đó, trụ sở chính giao dịch với khách hàng đã đóng cửa từ đầu tháng 11 vừa qua. Anh ta (tức Trường - PV) cứ hứa lần hứa lữa, cuối cùng thì trốn luôn. Tôi nộp gần cả tỷ bạc chứ đâu phải ít” - chị L.T.N. thẫn thờ nhìn vào cánh cửa khóa chặt của King Home Land.

Không rầu sao được, khi cách đây vài tháng (tháng 7-2019), chị N. đem hết số tiền 837 triệu đồng là của hồi môn để mua một lô đất tại dự án “ma” King Home 4 (thuộc tờ bản đồ số 21, thửa số 528, P.Long Trường, Q9). Trong quá trình giao dịch, nhận thấy công ty này trễ hẹn và có nhiều bất minh, chị N. yêu cầu thanh lý hợp đồng. Dù làm đủ mọi cách, nhưng chị N. cũng không tài nào gặp được “tổng giám đốc”.

Theo xác nhận của UBND Q9, quận này chưa tiếp nhận hồ sơ dự án nào mang tên King Home 4. Quận cũng chưa nhận được hồ sơ xin phân lô, tách thửa của lô đất số 528, tờ bản đồ 21 (P.Long Trường) mà trước đó King Home Land rao bán. Khi chúng tôi đưa tờ bản đồ phân lô có đóng mộc của King Home Land, UBND Q9 khẳng định, các lô đất sẽ không được tách thửa và cấp sổ, vì hiện trạng phân lô không đúng quy định.

UBND P.Thạnh Xuân (Q12) cũng thông tin, trên địa bàn phường không có dự án nào mang tên King Home 2. Phường cũng chưa tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa đối với thửa đất số 528, tờ bản đồ 58 do phường quản lý.

Các khách hàng trên “tiền mất, hận mang” chỉ vì bỏ số tiền lớn ra mua đất, trong khi chưa nắm rõ tường tận thông tin về dự án và chủ đầu tư. Trước món hời quá lớn từ lời hứa hẹn của chủ những công ty địa ốc, nhân viên môi giới, “cò” đất, nhiều khách hàng không hình dung được các thủ đoạn lừa đảo nên sập bẫy lừa, đứng trước cảnh trắng tay. Hậu vụ án Công ty Địa ốc Alibaba, vẫn còn đó những cú lừa siêu hạng, mà giám đốc trẻ có tài “vẽ” dự án “ma” Đặng Tiến Trường là một ví dụ.

Khi khách hàng phát hiện ra bị lừa, Công ty King Home Land “cửa đóng then cài”, còn giám đốc thì lặn mất tăm
Các khách hàng bị lừa căng băng rôn đòi nợ Giám đốc Công ty King Home Land
Chân dung chàng giám đốc “9X” Đặng Tiến Trường (phải)
 Bản đồ phân lô do Trường tự dựng lên để dụ khách hàng

Có dấu hiệu giả mạo con dấu, chữ ký của ngân hàng

Trong đơn cầu cứu gửi đến Báo Công an TPHCM, chị L.T.N. trình bày, trong quá trình giao dịch mua lô đất tại dự án “ma” King Home 4 (P.Long Trường, Q9), để tạo niềm tin, King Home Land gửi cho chị “giấy thông báo cho vay” của Ngân hàng Viecombank - chi nhánh Nguyễn Huệ đối với thửa đất chị giao dịch. Tuy nhiên, khi liên hệ với chi nhánh này, ngân hàng khẳng định, chưa từng hợp tác với công ty nào tên King Home Land và con dấu trên “giấy thông báo cho vay” đó cũng không phải của Ngân hàng Vietcombank.

Trả lời phóng viên, đại diện Ngân hàng Vietcombank xác nhận, thông tin chị N. cung cấp cho Báo Công an TPHCM là đúng. “Nhân viên chi nhánh của ngân hàng đã chụp lại “giấy thông báo cho vay” giả mạo đó. Chúng tôi sẽ phát thông tin cảnh báo đến khách hàng trong hệ thống để đề phòng, tránh mắc bẫy lừa tương tự” - Đại diện Ngân hàng Vietcombank nói.

Còn tiếp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang