Gian nan chống buôn lậu ở biên giới Tây Nam:

Bài 2: Đắng chát vì đường nhập lậu

Thứ Năm, 12/12/2019 18:39

|

(CATP) Theo cam kết với các nước ASEAN, từ ngày 1-1-2020, thuế nhập khẩu đường từ các khu vực này vào Việt Nam sẽ bãi bỏ. Hiện nay, nhiều nhà máy đường đã thay đổi công nghệ để cạnh tranh với đường nhập khẩu chính ngạch, chứ không thể cạnh tranh nổi với đường nhập lậu.

Qua thống kê, đường nhập lậu chiếm hơn 65% tổng sản xuất của ngành mía đường. Nhiều nhà máy đường đã phải đóng cửa, các hộ nông dân trồng mía bị lỗ. Trong khi đó, tình trạng buôn lậu đường năm sau luôn cao hơn năm trước.

BẮT NHIỀU VỤ NHẬP LẬU ĐƯỜNG

Theo nhận định của Cục Hải quan tỉnh An Giang, do nhu cầu tiêu dùng và lợi nhuận thu được cao, ngoài thuốc lá điếu nhập lậu, mặt hàng đường cát cũng được các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách vận chuyển qua biên giới, đưa vào nội địa tiêu thụ. Thời gian qua, đường cát nhập lậu qua biên giới ở khu vực Tây Nam có chiều hướng gia tăng.

Ngày 5-11-2019, tại khu vực xã Khánh An (H.An Phú, An Giang), Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện một xe tải chở 60 bao đường (loại 50kg/bao). Vỏ bao đường ghi bằng chữ tiếng Anh và tiếng Thái Lan. Tài xế không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng này.

Công an tỉnh An Giang thu giữ đường cát nhập lậu

Các đối tượng còn sử dụng đường cát nhập lậu từ Campuchia về, đưa vào các cơ sở sát đường biên giới, chế biến thành đường phèn rồi đóng thành bánh, hộp có khối lượng lớn. Sau đó, đường nhập lậu được che giấu bằng cách sử dụng các chứng từ hóa giá hoặc hóa đơn của các công ty mía đường trong nước để đối phó khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra.

Tối 14-11 vừa qua, Tổ công tác chống buôn lậu thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình phối hợp với Đội Đặc nhiệm của Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang tổ chức tuần tra kiểm soát lưu động. Đến khu vực bến Rau Cải (TT.Long Bình, H.An Phú), các cán bộ thực thi nhiệm vụ phát hiện một nhóm người đang vác các bao tải từ dưới sông tập kết lên bờ. Thấy lực lượng chống buôn lậu, các đối tượng bỏ chạy, để lại 51 bao đường cát (loại 50kg/ bao), trên vỏ bao ghi dòng chữ "Cơ sở chế biến KD đường cát Ngọc Bích, xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp", tổng trọng lượng 2,55 tấn.

Công an thu giữ hơn 1.000 tấn đường nghi nhập lậu của Minh và đồng phạm

Rạng sáng 3-11-2019, tổ công tác do Đoàn đặc nhiệm miền Nam chủ trì, phối hợp với Đội đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, BĐBP tỉnh An Giang mật phục tại khu vực ấp An Khánh (xã Khánh An, H.An Phú), phát hiện một số đối tượng đang bốc vác nhiều bao tải từ phương tiện thủy ở bờ sông phía Việt Nam. Tổ công tác tiếp cận kiểm tra, lợi dụng trời tối, các đối tượng nhanh chân tẩu thoát. Tại hiện trường, trên phương tiện các đối tượng bỏ lại chở 27 bao đường cát (loại 50kg/ bao), trên vỏ bao in chữ dòng "Cơ sở chế biến KD đường cát Kim Loan" (địa chỉ số 682, Khu vực Thới Hòa 1, P.Thới Thuận, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), trên bờ có 27 bao đường cát cùng chủng loại.

Mới đây, sau nhiều ngày theo dõi, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ Vi Hoàng Minh (SN 1994, ngụ P.Châu Phú A, TP.Châu Đốc, An Giang) cùng Lê Chung Thành, Lê Vũ Phong, Đặng Bảo Huy để điều tra về hành vi buôn lậu. Qua khám xét, trinh sát thu giữ hơn 1.000 tấn đường cát nhập lậu. Minh là đối tượng chủ mưu, chỉ đạo đồng bọn thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép đường cát từ Campuchia về Việt Nam.

Minh chỉ đạo đồng bọn mang vỏ bao in nhãn mác ghi tên Công ty TNHH MTV Kim Hưng Lợi (do Vi Hoàng Minh là người được ủy quyền điều hành) sang Campuchia để thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài, nhằm che giấu, đối phó với cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển bằng ghe qua đường Rạch, kênh Vĩnh Tế (xã Vĩnh Tế, TP.Châu Đốc). Sau đó, các đối tượng thuê xe tải chở hàng từ bãi tập kết về kho của Công ty TNHH Di Thạnh (P.Mỹ Thành, TP.Châu Đốc).

Đường dây buôn lậu này cử đồng bọn cảnh giới dọc tuyến đường ra, vào từ khu vực bãi bốc hàng về kho, nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Toàn bộ số lượng đường cát được vận chuyển từ kho của Công ty Di Thạnh đến kho của Công ty Kim Hưng Lợi tại P.Thốt Nốt (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) và các nơi khác để tiêu thụ.

Lực lượng Biên phòng tỉnh An Giang tham gia bắt giữ đường nhập lậu

KHÓ XỬ LÝ

Theo Cục Hải quan tỉnh An Giang, công tác truy bắt buôn lậu đã gian nan, nhưng xử lý còn khó khăn hơn, bởi vì chúng sử dụng xoay vòng hóa đơn. Hàng lậu tập kết ở bờ Campuchia được sang chiết, đóng bao có nhãn mác hàng nội địa, rồi vận chuyển trái phép qua biên giới. Khi bắt giữ, chúng trưng hóa đơn trong các giao dịch hợp pháp ra để hợp thức hóa hàng lậu, nên rất khó xử lý.

"Nút thắt" lớn nhất trong công tác chống buôn lậu hiện nay là tình trạng sử dụng hóa đơn của nhà máy đường trong nước, đặc biệt là bộ hồ sơ bán hàng phát mãi để hợp thức hóa hàng lậu. Báo cáo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường cát nhập lậu vào nước ta 

có nguồn gốc từ Thái Lan, được vận chuyển qua Campuchia, sau đó vượt biên giới các tỉnh Tây Nam bộ để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nếu không bắt quả tang đang vận chuyển trái phép qua biên giới, một khi đã đưa được vào kho tập kết ở trong nước thì rất khó chứng minh là đường nhập lậu.

Xe tải chở lượng lớn đường nhập lậu

Theo số liệu của lực lượng chức năng, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9-2019, phát hiện, xử lý 876 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường (trị giá hơn 12 tỷ đồng). Nếu so với số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng bắt giữ chưa đến 0,3% tổng số đường nhập lậu. Niên vụ 2018 - 2019, toàn bộ các nhà máy đường trong nước chỉ ép được khoảng 1,2 triệu tấn đường. Tính ra đường nhập lậu khoảng 800.000 tấn, gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành mía đường nước ta. Hậu quả, một phần ba số nhà máy đường trong nước phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bị bỏ hoang vì thua lỗ, tổng diện tích các vùng nguyên liệu mía giảm từ 30 - 60%.

Hiện nay, các quy định của pháp luật còn nhiều sơ hở, bất cập là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả công tác đấu tranh với hoạt động buôn lậu. Thực tế, các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường chỉ có thể thực hiện với nguồn đầu vào là đường sản xuất từ cây mía. Như vậy, các hoạt động này cần phải có điều kiện tiên quyết là có mối liên quan hợp pháp với các nhà máy chế biến đường.

Tuy nhiên, Phụ lục 4 của Luật Đầu tư không đưa các hoạt động này vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hầu hết các đối tượng kinh doanh đường nhập lậu, thậm chí hoạt động tại các địa phương không trồng mía và không có nhà máy đường, lợi dụng sơ hở của quy định trên để sử dụng giấy phép kinh doanh cho các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu.

Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm lại không gắn với yêu cầu về vùng nguyên liệu, không yêu cầu cơ sở sang chiết, đóng gói đường phải có hợp đồng hoặc văn bản đồng ý cho phép sang chiết của nhà máy hoặc thương hiệu. Do đó, các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở này để sang chiết đường nhập lậu, đồng thời hợp thức hóa đường nhập lậu thành... đường sản xuất trong nước!

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Để ngăn chặn nạn buôn lậu đường qua biên giới, cần bổ sung quy định truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất, chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ sử dụng mã QR, nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng.

Nên đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất thực phẩm đối với mặt hàng đường, phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Cạnh đó, cần điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu theo hướng chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá. Trước mắt, chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia đấu giá mua loại đường được thanh lý này.

 (Còn tiếp...)

Bài 1: Buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, táo tợn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang