VÔ TƯ PHÌ PHÈO KHÓI THUỐC
Tại các bệnh viện (BV), bến xe, công sở... trên địa bàn TPHCM, rất dễ gặp hình ảnh những người đàn ông cầm thuốc lá hút. Thậm chí có cả một số nhóm học sinh mặc đồng phục thản nhiên tụ tập hút thuốc trong các hàng quán gần trường.
Chúng tôi trao đổi với chị Hoàng Điệp (31 tuổi, ngụ Q8, TPHCM) trước cổng Trường THCS B., chị cho biết rất khó chịu khi mỗi lần đi đón con phải đứng gần nhiều phụ huynh nam miệng phì phèo điếu thuốc trước cổng trường. Tuy vậy, chị đành chịu trận, vì đã nhiều lần nhắc nhở mà họ cố ý làm ngơ, thậm chí có người còn tỏ ra bực mình, thách thức chị. "Khói thuốc họ thở ra bay lơ lửng, mùi hôi rất khó chịu. Mình và các cháu nhỏ bị biến thành những người hút thuốc lá thụ động" - chị Điệp chia sẻ.
Không ít phụ huynh, chủ yếu là phụ nữ tỏ ra khó chịu với những đàn ông vô tư hút thuốc lá trước cổng trường khi đón con. Tuy nhiên, ngay cả những người phản đối việc hút thuốc nơi công cộng cũng còn mơ hồ, không nắm rõ về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Vừa chạy xe máy vi phạm luật giao thông, vừa vô tư hút thuốc trên đường
Chiều 16-12-2019, tại BV Nhi đồng 2 trên đường Lý Tự Trọng (Q1), chúng tôi thấy ngay nhiều biển báo cho biết đây là khu vực "cấm hút thuốc". Những biển báo, băng rôn cùng dòng chữ cũng được treo cố định khắp nơi trong BV, như: trên cây, vách tường... Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những hàng ghế đá dọc 2 hàng me tại BV này là "căn cứ" mà người nhà bệnh nhân thay nhau... nhả khói thuốc (!). Các gốc cây bị biến thành các gạt tàn thuốc khổng lồ, với rất nhiều tàn thuốc mới lẫn cũ. Đây lẽ ra là nơi các bệnh nhi có thể sử dụng để đi dạo, vui chơi, hít thở bầu không khí trong lành, vậy mà...
Vô tư hút thuốc lá trong bệnh viện
Anh Bình (một trong những người ngồi hút thuốc trên ghế đá BV) hoàn toàn phớt lờ biển báo, mặc cho con nhỏ và vợ ngồi cạnh bên. Hút xong, anh này tiện tay vứt tàn thuốc xuống nền đất rồi lấy chân dẫm lên để dập lửa. Cách đó không xa, hai người đàn ông khác vô tư vừa hút thuốc, vừa trò chuyện, hỏi thăm tình hình con cái của nhau. Thấy có "đồng minh", một người khác cũng tiến lại, móc điếu thuốc ra châm lửa. Cứ như vậy, người hút thuốc xong đứng dậy đi khỏi thì chẳng bao lâu lại có người khác đến vi phạm tiếp.
Trước hàng loạt cổng các BV khác có nhiều bà mẹ và trẻ em, như: Hùng Vương, Từ Dũ, Nhi đồng 1..., cảnh phì phèo thuốc lá cả trong lẫn phía trước cửa vào BV diễn ra rất phổ biến. Tại nhiều khu vực công cộng khác, như: Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, biển báo cấm hút thuốc lá cũng được treo ở nhiều nơi, thậm chí có cả phòng hút thuốc lá riêng, nhưng nhiều hành khách vẫn phớt lờ, ngang nhiên móc thuốc lá ra sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng hầu như không có trường hợp nào bị nhắc nhở hay xử phạt.
Hút thuốc lá ngay cả khi chở con nhỏ đi học về (Ảnh: CHANGE)
BẤT LỰC TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI VI PHẠM!
Mặc dù luật quy định rõ ràng mức phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm, ở những nơi công cộng; ngay cả người quản lý, điều hành các nơi đó cũng sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng nếu để xảy ra tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Tuy nhiên, đa số đều "bó tay" trước các đối tượng vi phạm.
Một giám đốc BV chia sẻ vướng mắc trong xử lý những đối tượng hút thuốc nơi công cộng như sau: Việc xử phạt còn phải tuân thủ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà theo luật này thì BV không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và thu tiền phạt. Vì vậy, BV chỉ có thể treo biển "cấm hút thuốc" và phân công bảo vệ, nhân viên đi loanh quanh kiểm tra, thấy ai hút thuốc thì nhắc nhở họ dụi thuốc. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế khác là cấm căn tin của BV viện bán thuốc lá, nhưng cũng không "thấm vào đâu" khi người nhà bệnh nhân chỉ cần bước ra trước cổng là có thể mua thuốc lá được ngay.
Một thanh niên miệng phì phèo điếu thuốc lá
Để bắt quả tang người hút thuốc cũng không dễ, vì thời gian hút thuốc rất ngắn, chỉ chưa đến một phút/điếu, khi bảo vệ đến thì nhiều người đã hút xong. Có người thấy bảo vệ tới thì nhanh chóng vứt điếu thuốc hút dở xuống đất và dập lửa, coi như không có chuyện gì xảy ra. Đối với nội bộ, các BV chỉ chế tài đối với cán bộ, bác sĩ, nhân viên của mình (nếu họ vi phạm), như: kiểm điểm, hạ thi đua, giảm thưởng...
Dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ lâu, nhưng với tình hình thực tế hiện nay, đa số chỉ mang tính nhắc nhở, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ý thức tự thân của mỗi công dân. Một cán bộ của BV Nhi đồng 2 cũng thừa nhận, từ trước giờ chỉ có thể gắn biển "cấm hút thuốc" và nhắc nhở, chứ chưa lập biên bản phạt được đối tượng vi phạm nào. Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng (Phó giám đốc BV Ung bướu TPHCM), mặc dù BV có quy định rõ, ngay từ cổng vào đã gắn biển thông báo cấm hút thuốc, nhưng vẫn xảy ra tình trạng người bệnh và thân nhân ngang nhiên vi phạm.
TÁC HẠI GHÊ GỚM
Mỗi năm, những người nghiện tốn đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Nước ta cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh gây tử vong hàng đầu. Hậu quả, việc hút thuốc lá trên toàn cầu "giết chết" gần 6 triệu người mỗi năm, trong đó có 10% (hơn 600.000 người) là do hút thuốc lá thụ động.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày Việt Nam có hơn 100 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá, nhiều gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, đến năm 2030, ước tính có gần 10% dân số nước ta sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng những sản phẩm thuốc lá.
Vô tư hút thuốc lá trong bệnh viện
Các nhà khoa học tính toán, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm. Theo số liệu của Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe TPHCM, việc hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là do các bệnh: ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch...
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam) cho biết, khói thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra đến 15 loại bệnh ung thư. Trong đó, nghiêm trọng nhất là bệnh ung thư phổi, có tới hơn 90% người mắc bệnh này liên quan đến thuốc lá. "Đây là loại ung thư thường gặp nhất và là "sát thủ" mạnh tay nhất trên toàn cầu. Đáng chú ý, không chỉ những người hút thuốc lá, mà cả những người hít phải khói thuốc từ những người xung quanh (hút thuốc lá thụ động), trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn hơn 20% so với những người hút trực tiếp" - bác sĩ Hùng cảnh báo.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm: ôtô, máy bay, tàu điện.
Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng đối với một trong các hành vi sau: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: không bố trí treo biển có chữ hoặc biểu tượng "cấm hút thuốc lá" tại địa điểm cấm hút thuốc lá; để xảy ra hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá do mình quản lý, điều hành..
(Còn tiếp...)
(CATP) Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội ngày 13-12 vừa qua có lúc lên tới mức kịch khung (màu nâu - cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người). Thời điểm này, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội là 333, dẫn đầu bảng các thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới, theo bảng xếp hạng của Air Visual. Riêng tại TPHCM, sau nhiều ngày liên tiếp ở mức có hại (màu đỏ), chỉ số chất lượng không khí ngày cuối tuần đã trở về mức chấp nhận được (màu cam). Tuy nhiên, việc chất lượng không khí tại TPHCM giảm ô nhiễm trong 2 ngày cuối tuần qua được dự báo chỉ là tạm thời.