Gian nan cuộc chiến chống lạm dụng rượu bia:

Bài 2: Ai xử lý hành vi lôi kéo, ép uống rượu, bia?

Thứ Sáu, 03/01/2020 16:31

|

(CATP) Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, với nhiều điểm mới mang tính nhân văn, gần gũi hơn với cuộc sống. Nhiều nội dung trong luật này siết chặt các điều kiện về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.

Đặc biệt là điều khoản cấm hẳn người uống rượu, bia lái xe, kể cả xe đạp; được kỳ vọng sẽ kéo giảm tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông hoặc vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, có một số điều khoản còn gây ra nhiều cách hiểu; đa số người dân được hỏi đều cho rằng đây là quy định cần thiết, nhưng để áp dụng vào thực tế thì khó khả thi.

THÓI QUEN MỜI "UỐNG THÊM VÀI LY"

Ngành bia, rượu phát triển tạo điều kiện cho nhiều ngành, nghề "ăn theo" như: chợ, siêu thị, tiệm tạp hóa, dịch vụ ăn nhậu, massage, nhà nghỉ, khách sạn... Nhưng rượu, bia lại là kẻ thù, làm giảm năng suất lao động, kể cả lao động chân tay hay trí óc. Rượu, bia còn tàn phá thần kinh sau những chầu nhậu "tới bến". Ngoài những tiệc tùng lễ lạt như cưới hỏi, giỗ chạp, ăn mừng..., sau những giờ làm việc căng thẳng, nhiều người muốn giải trí bằng cách đi uống rượu, bia với bạn bè, người thân. Hiện nay, tình trạng ăn nhậu tràn lan dẫn tới nhiều hệ lụy không mong muốn và cản trở sự phát triển của xã hội.

Việc lạm dụng rượu, bia gây ra nhiều hệ lụy

"Uống thêm vài ly rồi về", "anh em đã chơi là phải chơi hết mình", "đàn ông mà không uống được là yếu"... Đó là những câu nói thường nghe được trong các bữa tiệc. Việc ép uống rượu, bia, tự hào về việc "đô" ai cao hơn, uống nhiều hơn mà không say đang là hiện trạng phổ biến trong cuộc sống. Những câu nói "khích tướng" trên được dân nhậu sử dụng một cách triệt để, nhằm ép nhau uống thêm. Câu nói vừa mang tính thách đố, vừa như là yêu cầu của người nói, đặc biệt khi đó là cấp trên (gọi nôm na là "sếp").

Anh V.H.Q. (31 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) chia sẻ, trên bàn nhậu, những người tham gia có vô vàn lý do để ép người khác uống thêm ly nữa. Đôi khi chỉ là những việc thường tình, như một đồng nghiệp bận chuyện gia đình nên đến trễ và phải "chào bàn", có người vừa được tăng lương hay đơn giản chỉ là để "mừng anh em ta gặp mặt đông đủ sau bữa nhậu cuối tuần trước"... Ngay các bữa tiệc cưới hỏi, mừng thọ, sinh nhật, thôi nôi... cũng thường xảy ra cảnh "thúc" nhau uống bia, rượu. Để rồi khi say mèm, tính cách con người trở nên hung hãn hơn, dù tay chân đã "dặt dẹo", đi không vững. Những cuộc nhậu dễ dàng biến thành những trận chửi rủa, ẩu đả, đâm chém dẫn đến thương vong cũng không phải là hiếm.

Quán nhậu vẫn đông đúc sau khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực

Ở nước ta, những năm gần đây kinh tế tăng trưởng, đời sống được nâng lên, lễ hội, đình đám rất nhiều, nhưng việc tiêu thụ rượu, bia cũng tăng lên đến mức đáng lo ngại. Theo số liệu do Vụ Pháp chế Bộ Y tế công bố, trong năm 2018, mức tiêu thụ của cả nước là 305 triệu lít rượu và 4,1 tỷ lít bia, xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á, thứ 29 thế giới.

Trong khi đó, ở các bệnh viện, số người bị viêm, loét dạ dày, ung thư gan, tim mạch, huyết áp... do uống rượu, nghiện rượu cũng không ít. Nhưng đáng sợ nhất là mấy ông, thậm chí cả phụ nữ đã uống rượu, bia đỏ mặt, tía tai rồi, vẫn thản nhiên ngồi cầm vô lăng lái ôtô hoặc điều khiển xe máy trên đường. Thời gian qua, vô số vụ đụng xe do người say xỉn cầm lái đã xảy ra. Trong thống kê về tai nạn giao thông, số người bị chấn thương và tử vong do nguyên nhân từ rượu, bia chiếm tỷ lệ rất lớn.

Quán nhậu vẫn đông đúc sau khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia có hiệu lực

CƠ QUAN NÀO XỬ PHẠT?

Việc thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được coi là bước tiến bộ lớn, nhưng cũng đặt các cơ quan thực thi pháp luật vào thử thách trong cuộc chiến chống lạm dụng rượu, bia. Ngoài việc cấm người sử dụng rượu, bia lái xe, một trong những quy định được xem là tiến bộ nhất của luật này là cấm "xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia" (Điều 5).

Việc ép buộc người khác uống rượu, bia rõ ràng là hành vi không tốt, luật cấm là đúng. Vấn đề đặt ra là thực thi điều khoản này bằng cách nào? Nhiều ý kiến thắc mắc thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia? Nếu không được hướng dẫn cụ thể sẽ khó chấp hành và cũng khó xử lý trên thực tế.

Anh Lê Văn Bình (29 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ Q3) nói: "Nghiêm cấm rủ rê, lôi kéo, ép uống rượu, bia, nhưng nếu có người vi phạm thì cơ quan nào đứng ra xử lý? Khi hay tin luật quy định về cấm ép uống rượu, bia, tôi rất mừng. Tôi vốn uống được ít, mà đặc thù nghề nghiệp phải quan hệ rộng, hễ mỗi lần tiếp khách hay tiếp bạn bè là bị ép uống say mèm. Hiện giờ, mùa tiệc tùng cuối năm đã đến, nhưng không chắc điều luật trên sẽ được những "bạn nhậu" lưu ý, để không ép người khác uống".

Anh Lê Ngọc Minh (26 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết, hầu như chiều nào anh cũng rủ bạn bè "làm vài chai bia". Anh cho rằng đã ngồi vô bàn nhậu là phải uống nhiệt tình, nên mới có chuyện người này mời người kia uống cho... đều. Vậy việc gọi bạn đến nhậu, mời bia như thế có bị xem là xúi giục người khác uống rượu, bia hay không? Anh này thắc mắc: "Khi nhậu, việc ép nhau uống là bình thường. Ai không uống nhiệt tình sẽ bị coi là "yếu" hoặc xem thường bạn bè. Việc ép nhau uống thêm hầu như diễn ra hằng ngày, giờ nói luật cấm và xử phạt thì thật buồn cười. Không lẽ giờ trước khi ngồi vào bàn nhậu phải làm cam kết, tờ trình chứng minh rằng những người có mặt trên bàn nhậu đều là tự nguyện?".

Đồng tình với anh Minh, anh Nguyễn Văn Lợi (ngụ Q3) nói: "Mình vẫn thường rủ rê bạn bè đi nhậu bằng cách nhắn tin hoặc gọi điện; bạn bè cũng làm thế với mình. Đã đi nhậu thì phải í ới rủ nhau mới vui. Chả lẽ ra quán bia ngồi một mình, như thế còn gì là vui nữa? Giờ cấm lôi kéo, ép uống thì việc nhắn tin, gọi nhau đi nhậu có bị cấm không? Mà cấm như thế nào cũng phải có quy định rõ ràng, để người dân biết".

Nhà văn Trần Thị Trường:

Vấn đề sử dụng rượu, bia và xu hướng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam hiện nay đã khác so với tập quán uống rượu trước đây. Nếu như thời xưa, rượu là để nếm và thưởng thức thì ngày nay việc sử dụng rượu, bia đã trở nên thái quá, ảnh hưở ng nghiêm trọ ng đế nsứ ckhỏ ecủ angườ iuố ng, gia đình và cộng đồng. Từ đó tạo nên một trào lưu, một nét xấu trong văn hóa của người Việt.

Hai tài xế bị phạt nặng và tước bằng lái vì vi phạm nồng độ cồn

Chiều 2-1, Cục CSGT Bộ Công an cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Đội 3) đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt tài xế Lê Khắc T. vì vi phạm nồng độ cồn.

Khoảng 21 giờ 30 ngày 1-1-2020, tổ công tác đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại Km188+300 trên đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, đã ra hiệu lệnh dừng ôtô BS: 29C-45... để kiểm tra nồng độ cồn. Sau khi dừng xe, tài xế không hợp tác, tổ công tác thuộc Đội 3 rất vất vả để buộc lái xe Lê Khắc T. thực hiện kiểm tra nồng độ cồn theo quy định. Kết quả, trong hơi thở của tài xế này có nồng độ cồn là 0,719 mg/lít khí thở, nằm trong mức khung xử phạt về vi phạm nồng độ cồn cao nhất.

Tài xế T. vi phạm nồng độ

Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, ông T. bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng.

Chiều 2-1, tại nút giao thông Hàng Cót - Phan Đình Phùng (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), Đội CSGT số 1 xử phạt ông Đ.T.L (SN 1963, ngụ P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội) số tiền 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng vì điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn. Ông L. cho biết, mới uống 2 chén rượu cùng bạn. Qua kiểm tra, nồng độ cồn của ông L. là 0,489mg/lít khí thở.

Theo Nghị định 100/2019/ NĐ-CP, người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở là vi phạm.

(Còn tiếp)

Bài 1: Luật đã thực thi, dân nhậu vẫn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang