Đằng sau những cú lừa siêu hạng như Công ty cổ phần (CP) Địa ốc Alibaba, liệu còn bao nhiêu dự án “ma” được “vẽ” ra để lừa chiếm đoạt tiền của khách hàng? Đầu tư vào BĐS hiện nay không còn trơn tru, dễ dàng như trước nữa, mà đầy rẫy rủi ro, chẳng khác đặt cược cho một canh bạc hên - xui.
BÚT SA, “GÀ” CHẾT!
Với lợi nhuận hấp dẫn từ kinh doanh BĐS, nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lách luật để thực hiện các hành vi lừa đảo. Trong khi đó, nhiều khách hàng cả tin, thiếu hiểu biết và đôi khi vì lòng tham nên sập bẫy.
Trở lại trường hợp Công ty CP King Home Land tại Q9 (Báo Công an TPHCM phản ánh kỳ trước), một trong các nạn nhân là ông T.V.G chia sẻ: “Trước khi mua lô đất này, tôi đã tìm hiểu cả tháng trời, thận trọng lên mạng kiểm tra, nghiên cứu cả các cách thức tội phạm lừa đảo hiện nay thường sử dụng. Những dự án giá rẻ thì tôi không chọn, vì lo sợ sẽ có nhiều hệ lụy. Còn các dự án cam kết lợi nhuận “khủng” theo kiểu Công ty Địa ốc Alibaba, tôi cũng từ chối. Khu đất tôi mua giá 2 tỷ đồng, diện tích chỉ hơn 50m2. Tôi cho rằng giá này phù hợp với thị trường, vị trí lô đất lại sát cạnh UBND phường, nên sẽ minh bạch. Nào ngờ vẫn dính quả lừa!”.
Chủ tịch quận nhập vai đi mua đất dự án “ma”!
Liên quan đến công tác xử lý các dự án “ma” xuất hiện trên địa bàn, bà Hứa Thị Hồng Đang (Chủ tịch UBND Q.Tân Phú, TPHCM) chia sẻ với phóng viên Báo Công an TPHCM câu chuyện vui. Một lần, quận này xử lý một dự án trên đường Nguyễn Sơn (P.Phú Thọ Hòa). Dự án “ma” do một công ty BĐS môi giới, quảng cáo thực chất là đất cá nhân, được quy hoạch xây dựng công viên cây xanh. Tuy nhiên, trong tờ rơi do công ty này in và phát cho người dân để chào mời, lại khẳng định “chắc như đinh đóng cột” là dự án hoàn toàn hợp pháp.
Đích thân bà Chủ tịch UBND Q.Tân Phú đóng giả người có nhu cầu mua đất, gọi điện đến công ty trên. Sau khi nhận được hàng loạt lời cam kết “có cánh” từ nhân viên môi giới, bà Đang bất ngờ nêu ra thông tin pháp lý một cách đầy đủ về thửa đất đó, làm nhân viên môi giới này phải... “cứng lưỡi”! Kết cục, ngay sau đó một tấm bảng cảnh báo được UBND P.Phú Thọ Hòa dựng lên ngay trước dự án “ma” này, khiến các đối tượng môi giới không còn đường lừa gạt người dân được nữa.
Cùng cảnh ngộ, ông V.B.M. đã đóng đủ 95% (tương đương 1,8 tỷ đồng) cho Công ty King Home Land, thất thần nói: “Đến khi biết công ty này lừa đảo, tôi liên hệ luật sư, nhờ tư vấn để yêu cầu chủ đất bồi thường thì mới vỡ lẽ: trong hợp đồng ủy quyền giữa chủ đất và Đặng Tiến Trường (người đại diện pháp luật của Công ty King Home Land) không có nội dung liên quan đến việc thu tiền từ khách hàng. Dù đã đọc rất kỹ các điều khoản, nhưng chỉ vì một phút mất cảnh giác, tôi phải mất trắng số tiền tích cóp cả đời”.
Những vụ nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi thị trường BĐS phía Nam - một thị trường mới bùng nổ trong vài năm qua, sẽ có hàng trăm dự án chưa được phê duyệt vẫn ngang nhiên được đem rao bán với nhiều “chiêu” lách luật, thậm chí công khai vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tiền tỷ từ khách hàng. Nếu không ngăn chặn kịp thời và có những biện pháp mạnh thì thị trường BĐS sẽ không thể “thanh lọc”. Lúc đó, đương nhiên nạn nhân còn gia tăng theo cấp số nhân!
Một dự án “ma” bị UBND Q9 phát hiện, xử lý
Các
dự án "ma" đều tự mình đặt ra những "bánh vẽ" để chiêu dụ khách hàng
“ĐƯỢC VẠ THÌ MÁ ĐÃ SƯNG”
Ngày 22-12-2019, CAQ10 (TPHCM) tiếp tục lấy lời khai các nhân chứng để làm rõ vụ ông P.Đ.T.D (41 tuổi, ngụ Q8) nổ súng tự tử tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Trưng Vương. Trước đó, ông D. uống khoảng 100 viên thuốc ngủ, được người nhà phát hiện, đưa đến BV Trưng Vương cấp cứu kịp thời. Theo người nhà ông D, do đầu tư mua đất của Công ty Địa ốc Alibaba ở Bà Rịa - Vũng Tàu, bị thua lỗ hơn 3 tỷ đồng, ông D. rơi vào trạng thái trầm cảm, dẫn đến xảy ra sự việc đau lòng trên.
Theo cơ quan điều tra, đến nay đã có hơn 1.000 nạn nhân nộp đơn tố cáo Công ty Địa ốc Alibaba bán đất nền nhiều dự án “ảo”. Theo dự đoán, số khách hàng thực tế của công ty này có thể lên tới 6.700 người. Dù những kẻ lừa dối và chiếm đoạt tài sản của khách hàng trong kinh doanh BĐS phải trả giá đắt trước pháp luật, lãnh cái kết không bao giờ tốt đẹp, nhưng hậu quả mà chúng để lại cho các nạn nhân vô cùng lớn.
Một vụ khác, ngày 2-11 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiến hành khởi tố, bắt giam Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, ngụ Q4; Giám đốc Công ty CP Tư vấn và đầu tư Angel Lina) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan điều tra, Công ty Angel Lina của Nhung đã “vẽ” ra nhiều dự án “ma” trên đất công cộng, đất quy hoạch tại Q9 và Q.Bình Tân, rồi rao bán cho người dân dưới hình thức góp vốn đầu tư.
Mới đây nhất, ngày 19-12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam Nguyễn Hữu Kha (29 tuổi, ngụ xã Sông Lũy, H.Bắc Bình, Bình Thuận) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, nhưng công ty của Kha lại “vẽ” ra nhiều dự án, như: City 1, City 3, Hàm Liêm 1, Hàm Liêm, Phong Nẫm, Hưng Thịnh Phát Residence, Ma Lâm Diamond (tại 2 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và TP.Phan Thiết), rồi rao bán với giá mỗi lô đất nền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Hàng trăm khách hàng đã đặt cọc từ 40 - 70%, thậm chí nhiều khách hàng nộp tới 90% trị giá lô đất cho công ty của Kha.
Sau những vụ bán dự án “ma” gây chấn động dư luận, khi các ông chủ, bà chủ là “trùm” lừa đảo đã bị pháp luật “sờ gáy”, dư luận phần nào an lòng vì pháp luật được thực thi. Thế nhưng đằng sau đó là hậu quả dai dẳng, nặng nề mà chính những người trong cuộc là các khách hàng (nạn nhân) phải ngậm ngùi gánh chịu. Có kẻ mất trắng số tiền dành dụm trong vài năm, cũng có người “đi tong” gia tài cả đời tích góp. Tất cả đều chờ mong ngày được trả lại số tiền đã mất, nhưng... biết đến bao giờ? Coi như “được vạ thì má đã sưng”!
Các siêu lừa Nguyễn Hữu Kha (trên) và Phạm Thị Tuyết Nhung bị pháp luật “sờ gáy” sau khi khiến nhiều người tan gia bại sản
Chính quyền quận 9 cảnh báo người dân tránh vướng phải những dự án "ma" trên địa bàn
UBND quận 9 cắm bảng cảnh báo dự án “ma”
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về dự án “ma” King Home 4 tại thửa đất 528, tờ bản đồ số 21 (P.Long Trường, Q9) do Báo Công an TPHCM cung cấp, ông Hoàng Minh Tuấn Anh (Phó chủ tịch UBND Q9) đã cảm ơn Báo Công an TPHCM. Ông Tuấn Anh cho biết, những thông tin mà Báo phản ánh rất hữu ích cho người dân và cần thiết đối với cơ quan chức năng của quận, trong công tác quản lý cũng như xử lý các dự án “ma” tồn tại trên địa bàn.
Đối với dự án “ma” King Home 4 tại thửa đất 528, tờ bản đồ số 21 (P.Long Trường, Q9) mà Báo Công an TPHCM nêu trên kỳ trước, đại diện UBND Q9 thông tin: Thửa đất số 528 có diện tích là 1.013m2, mục đích sử dụng là đất ở đô thị, được UBND Q9 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BH 265966 vào ngày 29-2-2012. Mảnh đất này hiện do bà Nguyễn Thị Tuyết Lan đứng tên chủ sử dụng. Tuy nhiên, thửa đất này đang được thế chấp tại ngân hàng.
Theo UBND Q9, thửa đất của bà Lan được quy hoạch thành đất dân cư xây dựng, nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền duyệt dự án hoặc duyệt phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện thủ tục tách thửa. UBND Q9 sẽ sớm chỉ đạo UBND P.Long Trường tổ chức cắm bảng cảnh báo dự án “ma” ngay tại vị trí lô đất này để người dân biết.
Luật sư Trần Văn Đông - Đoàn luật sư TPHCM:
Luật Kinh doanh BĐS quy định mọi hành vi rao bán khi dự án chưa hình thành và chưa đủ điều kiện theo duy định của pháp luật là vi phạm, nên chỉ quản lý các hành vi từ thời điểm ký hợp đồng mua bán nền nhà hoặc khi đã xây nền móng dự án. Còn giai đoạn trước khi ký hợp đồng, tức là những thỏa thuận theo luật dân sự thì Luật Kinh doanh BĐS lại không đề cập.
Do đó, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lợi dụng những quy định của luật dân sự để huy động vốn trá hình, bởi luật dân sự cho phép các loại hình hợp đồng như: góp vốn, đặt cọc, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh. Trên thực tế, phần lớn các công ty bán đất dự án “ảo” đều ký với khách hàng các loại hợp đồng này. Từ đó, làm gia tăng số dự án “ảo”.
Lý do dẫn đến tình trạng dự án BĐS “ảo” ngày càng nhiều, một phần còn do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho các doanh nghiệp lừa đảo. Nhiều dự án “ma” khi được đưa ra xét xử, thậm chí công ty BĐS của bị cáo đã kịp làm hạ tầng. Có trường hợp khách hàng kéo đến giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư, đòi lại tiền, nhưng nhiều địa phương vẫn cho rằng đó là... quan hệ dân sự (?!).
(CATP) Tưởng chừng sau vụ “chủ tịch” Nguyễn Thái Luyện của Tập đoàn Địa ốc Alibaba tra tay vào còng, trả giá cho những chiêu trò làm ăn bất chính, ngành kinh doanh
bất động sản (BĐS) sẽ trong sạch hơn, vì các gian thương nhìn vào bài học nhỡn tiền trên mà giật mình.