Việc xử phạt chậm trễ, thiếu cương quyết, mức phạt không đủ sức răn đe, dẫn tới tình trạng các nhà đầu tư liên tiếp tái diễn hành vi sai phạm. Mặc dù có chỉ đạo kiểm điểm, xử lý các cá nhân để xảy ra sai phạm, nhưng đến nay hiện trạng vẫn chưa được khôi phục, làm giảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
PHÁ NÁT CẢNH QUAN
Hồ Tuyền Lâm thuộc TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) là hồ nước ngọt tự nhiên, trong xanh, diện tích 320 héc-ta, cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 7km. Bao quanh hồ là những cánh rừng thông xanh, thẳng tắp (rừng trồng và rừng tự nhiên), phát triển từ những năm sau 1975. Thắng cảnh hồ Tuyền Lâm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1998; năm 2017, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là KDL quốc gia.
Nơi đây phong cảnh hữu tình, thơ mộng, người Đà Lạt và du khách rất thích thú mỗi khi đến ngắm cảnh, hít thở bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm đất rừng, vi phạm hành lang bảo vệ lòng hồ, cảnh quan thiên nhiên, “mọc” lên hàng loạt công trình xây dựng, khiến KDL quốc gia này trở nên nham nhở, nhếch nhác. Tình trạng bê-tông hóa còn “ăn” cả vào những cánh rừng sâu, phá vỡ cảnh quan danh thắng.
Khu du lịch quốc gia những năm qua luôn xuất hiện những công trường xây dựng biệt thự
Khoảng từ năm 2003, tỉnh Lâm Đồng chủ trương mở cửa đón các nhà đầu tư nhằm mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế địa phương. Hồ Tuyền Lâm khi đó trở thành “miếng mồi ngon”, là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Tiếc rằng, tỉnh Lâm Đồng và một số bộ, ngành chức năng liên quan không nhận chân được những doanh nghiệp nào có thực lực, trân quý danh thắng, làm ăn bài bản, đặt lợi ích doanh nghiệp song hành với giá trị văn hóa - xã hội, cộng đồng. Phần đông chỉ nhăm nhăm chiếm đất, mua bán qua tay kiếm lời, mạnh ai nấy làm, phá nát cảnh quan hồ này.
Từ năm 2018 đến đầu năm 2019, báo chí có hàng loạt phóng sự phản ánh thực trạng hồ Tuyền Lâm, dư luận xã hội khi đó mới giật mình vì mức độ tàn phá nghiêm trọng. Tháng 2-2019, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, làm rõ và xử lý các sai phạm tại hồ Tuyền Lâm, báo cáo kết quả xử lý về Văn phòng Chính phủ.
Sau đó, tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 179/BC-UBND, báo cáo Thủ tướng về kết quả kiểm tra, xử lý tình hình vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai dự án của những doanh nghiệp tại KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Trong đó, sai phạm nhiều nhất là lĩnh vực trật tự xây dựng, với các hành vi như: xây không phép, trái phép, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, phá rừng, triển khai dự án ra ngoài phần diện tích được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận...
Đua nhau lấn chiếm hành lang hồ. Dù được cho hoạt động, Công ty Lý Khương mang danh là trồng thông trong diện tích được giao quản lý nhưng để thông non chết hàng loạt nhằm có "view đẹp"
BÊU TÊN NHỮNG DOANH NGHIỆP VI PHẠM
Điển hình các hành vi sai phạm, tái phạm hết lần này đến lần khác, chây ỳ khắc phục hậu quả của hàng loạt doanh nghiệp. Cụ thể, Công ty cổ phần (CP) Đầu tư Lý Khương dù không có giấy phép xây dựng, nhưng vẫn tự ý xây đến... 19 căn (mỗi căn 24m2) trên diện tích gần 500m2 để kinh doanh; vi phạm vào khu vực 1 di tích là hơn 12.000m2. Ngoài ra, công ty này còn tự ý xây dựng thêm 9 công trình mỹ thuật mô phỏng một số kỳ quan thế giới, trong khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Công ty CP Sao Đà Lạt xây dựng không phép trên diện tích vi phạm gần 2.000m2, tự ý xây dựng 43 hạng mục công trình có mái che, nhưng không lập thủ tục xin phép xây dựng. Công ty CP Đầu tư và du lịch Toàn Cầu xây dựng 15 công trình không phép, phá rừng, chặt hạ 40 cây thông ba lá, xây dựng cầu tạm nằm ngoài ranh đất được thuê, vi phạm khu vực bảo vệ 1 di tích hồ Tuyền Lâm.
Công ty CP Thiên Nhân phá rừng trái phép trên diện tích 300m2 rừng thông tự nhiên và 500m2 rừng thông tái sinh xen cây dẻ, thiệt hại 2,8m3 gỗ tròn thông ba lá (nhóm IV) tại khoảnh 3, tiểu khu 226. Công ty Thiên Nhân còn tự ý chuyển mục đích sử dụng 700m2 đất rừng phòng hộ (không được phép của cơ quan chức năng), xây dựng hàng loạt công trình nhằm mục đích kinh doanh. Công ty TNHH Li Mi thuê mặt bằng 870m2 với Ban quản lý (BQL) KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm để mở quán cà phê, lại cải tạo trái phép và tiến hành xây dựng thêm 3 công trình nằm trong khu vực bảo vệ di tích.
Hình ảnh chặt phá thông, đào đất chiếm dụng đất rừng không khỏi xót xa
Công ty CP Đầu tư Lan Anh Đà Lạt xây dựng hạng mục nhà rường 1, 2 với tổng diện tích gần 800m2 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Doanh nghiệp này còn xây kè chắn nước nằm trong khu vực bảo vệ 1 của di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm, kết cấu công trình bằng bê-tông cốt thép, dài 49m, cao từ 3,5m trở lên; lắp đặt công trình nhạc nước khi chưa hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định và không có giấy phép xây dựng.
Ngày 24-12-2019, các ngành chức năng lại phát hiện, lập biên bản, xử phạt Công ty Lan Anh Đà Lạt về hành vi tự ý chặt hạ 3 cây thông trong KDL. Trong khi nhiều cán bộ bức xúc trước thái độ bất hợp tác của công ty này, có cán bộ liên quan đến công tác quản lý rừng lại cố tình bao che khi chúng tôi hỏi về hành vi phá rừng của doanh nghiệp này: “Thôi kệ họ, đừng đưa tin. Tội. Chặt có mấy cây thông nhỏ ấy mà” (!?).
Ngoài ra, 5 doanh nghiệp sai phạm khác cũng bị điểm danh, gồm: Doanh nghiệp tư nhân Phong Phú Lâm Đồng, Công ty Trà Vườn Thương, Công ty TNHH Cá Tầm Việt Nam, Công ty CP Du lịch sinh thái Lạc Nam, Công ty CP Nhật Nguyên.
Nhiều trường hợp liều lĩnh mang thuyền, bè đến hồ Tuyền Lâm neo đậu rồi lập nhóm sinh sống, hiện đã bị các ngành chức năng xử lý, tịch thu phương tiện
BÀI TOÁN PHÁT TRIỂN GẮN VỚI BẢO TỒN
Ngày 17-9-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định thành lập Tổ công tác chỉ đạo xử lý sai phạm về đầu tư, xây dựng tại KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, do ông Phan Văn Đa (Phó chủ tịch UBND tỉnh) làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ phó thường trực; đại diện Thanh tra tỉnh, Giám đốc các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt làm Tổ phó, thành viên.
Trách nhiệm của Tổ công tác là kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các sai phạm, tồn tại về đầu tư, xây dựng tại KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, báo cáo kết quả thực hiện về Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo đến Thủ tướng.
UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ đạo một số ban, ngành, đơn vị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; yêu cầu BQL KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, không để xảy ra những trường hợp vi phạm trong KDL này như thời gian qua.
Rừng ngã xuống, biệt thự mọc lên
Một số DN xây dựng các công trình sai phép "ăn gian" thêm quỹ đất dự án được cấp, khi bị buộc tháo dỡ đi trông rất xấu xí, nham nhở
Theo báo cáo của các ngành chức năng, sau khi có các quyết định xử phạt hành chính, những doanh nghiệp sai phạm kể trên lại chây ỳ, bất hợp tác. Trong thời gian đầu, họ chỉ chịu tháo dỡ một phần các công trình sai phạm. Vì vậy, việc khắc phục chưa triệt để, vẫn còn tồn tại một số công trình, tiểu cảnh xây dựng trái phép, vi phạm vào hành lang an toàn khu vực bảo vệ 1 của di tích hồ Tuyền Lâm.
Sau đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh cùng UBND TP.Đà Lạt ấn định về thời hạn cụ thể, buộc các doanh nghiệp tự ý tháo dỡ, quá thời hạn sẽ tổ chức cưỡng chế. Từ tháng 10-2019, một số doanh nghiệp không tự giác đã bị cưỡng chế, tăng mức xử phạt. Họ đã làm hình ảnh doanh nghiệp mình bị giảm uy tín tại địa phương.
Dư luận quan tâm đến việc các nhà đầu tư đến hồ Tuyền Lâm, để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng, xâm hại, phá vỡ thắng cảnh di tích quốc gia, việc này có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của một số cán bộ quản lý nhà nước.
Chung quy lại, lỗi chính do thái độ thiếu quyết liệt của một số cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, khiến việc khôi phục lại thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm khá khó khăn. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có quyết định xử phạt nào được áp dụng với các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm. Các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ tổ chức kiểm điểm ở mức “nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Liệu có hay không hành vi “bảo kê”, doanh nghiệp để những kẻ cố ý làm sai bất chấp sai phạm, “lờn mặt” pháo luật hết lần này đến lần khác?
Với tình trạng “cha chung không ai khóc” ở hồ Tuyền Lâm, sai phạm cũ chưa xử lý, lại chồng lên sai phạm mới. Điển hình là các hành vi chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất mới đây của Công ty Lan Anh Đà Lạt và Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Hồng Đức. Tỉnh Lâm Đồng nếu chỉ “giơ cao đánh khẽ”, “đánh trống bỏ dùi”, KDL quốc gia này sẽ còn bị “xâu xé” đến bao giờ?
Hồ nước đẹp trong xanh xưa kia
(CATP) Phóng viên Báo Công an TPHCM mất khá nhiều thời gian thâm nhập, ghi hình, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng để có cái nhìn toàn cảnh về KDL Quốc gia hồ Tuyền Lâm đang bị xâm hại nghiêm trọng.