Gian nan cuộc chiến chống lạm dụng rượu bia:

Bài cuối: Cần sự chung tay của cả cộng đồng để chống rượu bia

Thứ Hai, 06/01/2020 17:46

|

(CATP) Theo các chuyên gia, để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có thể đi vào thực tiễn, được người dân nghiêm túc chấp hành, cần có các biện pháp tuyên truyền đồng bộ trong thời gian dài.

Khi Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực, Tổ chức Y tế (YT) thế giới đã đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam, vì trong luật có những quy định nghiêm, chỉ cần tài xế (TX) lái xe trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn là xem như vi phạm.

Theo bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ YT), thành viên Ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, để hạn chế tác hại của rượu, bia không thể chỉ dừng ở các khẩu hiệu hô hào, quan trọng là phải làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia của người dân hiện nay. Vì vậy, việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia phải thực sự nghiêm túc.

Theo bà Lê Thị Thu - Giám đốc Tổ chức Healthbridge, Canada tại Việt Nam, qua khảo sát cho thấy gần 50% số người đã uống rượu, bia tiếp tục tham gia giao thông, nhưng "trường hợp xử phạt được còn rất ít và chỉ mới phạt những người vi phạm gây hậu quả, vì thế số vi phạm chưa gây hậu quả cũng cần bị xử phạt để răn đe".

Hiện Luật quảng cáo (QC) chỉ cấm QC rượu từ 15 độ cồn trở lên, trong khi vẫn quy định quản lý QC bia như các đồ uống khác, bất chấp thực tế là bia và rượu có tác hại như nhau khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất.

Một số chuyên gia cho rằng, luật này cũng có nhiều quy định khó xử lý, khó khả thi. Cụ thể, khoản 5 điều 32 quy định "Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh", quy định rõ ràng là vậy nhưng khi thực hiện lại chẳng đơn giản chút nào. Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - cho rằng, các nước trên thế giới đã thực hiện quy định này từ lâu; trong khi ở Việt Nam lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ, buông lỏng.

Theo khảo sát, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được đánh giá là một tiến bộ của xã hội, được đông đảo người dân mong đợi, ủng hộ. Luật này có bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi đi vào cuộc sống hay không thì khâu triển khai thực hiện hết sức quan trọng. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, trước mắt việc cần làm là tiếp tục truyền thông về luật để người dân dần thay đổi nhận thức và chuyển thành hành động cụ thể.

Vận chuyển bia trên phố.

SAU KHI UỐNG BAO LÂU THÌ HẾT NỒNG ĐỘ CỒN?

Theo Nghị định 100/2019, áp dụng từ ngày 1-1-2020, trường hợp TX có nồng độ cồn trong máu và hơi thở nhưng vẫn điều khiển phương tiện sẽ bị phạt nặng: mức cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ôtô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển môtô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400 ngàn - 600 ngàn đồng.

Trước mức phạt quá cao như vậy, khi được hỏi, nhiều TX có cùng băn khoăn rằng không thể biết được sau khi uống rượu, bia bao lâu thì trong người sẽ hết hẳn nồng độ cồn. Về vấn đề này, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, để quy định cụ thể định lượng rượu, bia tương ứng với thời gian nồng độ cồn trở về bằng 0 sẽ rất khó, bởi thời gian phụ thuộc vào cơ địa, khả năng đào thải của mỗi người. Thực tế có người cơ địa đào thải tốt, chỉ 12 tiếng là không còn nồng độ cồn, nhưng có người sau 24 tiếng vẫn còn. Do vậy đưa ra khuyến cáo để người dân tham khảo chung, quan trọng nhất vẫn là cảm nhận của cơ thể mỗi người.

Theo ông Minh, việc xử phạt nồng độ cồn cần thận trọng, cơ quan chức năng nên hướng dẫn quy định theo dạng khuyến cáo định lượng như uống 1 ly bia thời gian bao nhiêu sẽ hết nồng độ cồn, để người dân định lượng. Một chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ YT cần cung cấp chỉ số định lượng rượu, bia đối với nam, nữ thông thường trong thời gian bao lâu sẽ hết nồng độ cồn để người dân biết, thực hiện.

Nhậu "tới bến" trong một nhà hàng

Có cùng cách phân tích, bà Trần Thị Trang cho biết đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 tiếng, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (tương đương 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%). Tuy nhiên, muốn hết toàn bộ 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất 1 - 2 tiếng tiếp theo. Những người có chức năng gan yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.

Thông thường trong các cuộc nhậu, số lượng uống sẽ vượt xa 1 đơn vị cồn. Do đó, để có thể tự lái xe và không bị phạt, cần rất nhiều thời gian để nồng độ cồn trong cơ thể về mức âm tính.

Ban ATGT TPHCM vừa tổ chức họp báo tuyên truyền thông điệp "Đã uống rượu, bia - Không lái xe". Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, thành phố xảy ra hơn 4.400 vụ tai nạn do bia, rượu. Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng ban ATGT TPHCM - cho biết, Ủy ban ATGT quốc gia khảo sát tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại 3 địa phương TPHCM, Bình Dương, Hà Nội, kết quả cho thấy 80% - 90% vụ TNGT xảy ra xuất phát từ việc lái xe sau khi uống rượu, bia, trong khung thời gian 18 - 24 giờ và cao hơn vào các ngày cuối tuần; phương tiện xảy ra tai nạn chủ yếu là xe máy, chiếm 70% - 90% số vụ. Tỉ lệ thực khách lái xe sau khi uống rượu, bia tại các nhà hàng, quán nhậu chiếm 68%, trong đó có 40% say xỉn và vi phạm Luật GT.

Theo báo cáo của Sở YT TPHCM, 9 tháng đầu năm 2019, ngành YT TPHCM tiếp nhận 17.200 trường hợp bị TNGT; trong đó hơn 4.400 ca trong máu có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép và nhiều người tử vong vì lái xe sau khi uống rượu, bia.

Chính vì vậy, ông Tường yêu cầu trong năm 2020, Sở Giao thông vận tải TPHCM, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM tăng cường chế tài, yêu cầu TX, người dân "Đã uống rượu, bia - Không lái xe" nhằm kéo giảm TNGT. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lực lượng cảnh sát giao thông phải đẩy mạnh tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp uống rượu, bia say xỉn vẫn lái xe gây nguy hiểm.

Bài 1: Luật đã thực thi, dân nhậu vẫn
 
Bài 2: Ai xử lý hành vi lôi kéo, ép uống rượu, bia?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang